“Diễn biến sự việc cho thấy cháu N. đã bị C.M.H (SN 1983, quê Thái Bình, tạm trú tại Thịnh Liệt) xâm hại. Nạn nhân thứ hai là cháu H.T.H (12 tuổi, chị họ cháu N.). Mẹ cháu H., cũng là chị gái mẹ cháu N., cho rằng, có thể chính H. đã xâm hại cháu H.” - luật sư Lê Văn Luân nói. Ngoài ra, còn một cháu khác cũng nghi bị H. xâm hại.
Luật sư Luân cho rằng, vụ việc có dấu hiệu đầy đủ của tội phạm nhưng không hiểu vì sao Công an quận Hoàng Mai không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra mà thay bằng “Thông báo giải quyết tin báo tố giác tội phạm và “gia hạn” trái luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định tố tụng hiện hành.
“Vụ việc có bị hại rõ ràng, có nhân chứng trực tiếp, có băng ghi âm thừa nhận lỗi của người bị tố cáo, có sự tổn thương cơ quan sinh dục của người bị xâm hại, có tố giác trực tiếp của gia đình bị hại. Với dấu hiệu và dấu vết tội phạm rõ ràng như trên, cơ quan điều tra có thẩm quyền phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự” - luật sư Luân nói.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng, Cty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc chậm trễ khởi tố vụ án của cơ quan công an có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Luật sư Tuấn phân tích, theo Khoản 2, Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.
Như vậy, theo luật sư Tuấn, “Thông báo kết quả giải quyết về tố giác tội phạm” số 380 ngày 10/3/2017 của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai vi phạm tố tụng, vi phạm về thời hạn khởi tố, điều tra, không đảm bảo quyền lợi người tố giác”.