Theo luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty luật Minh Bạch, các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em ngày càng phổ biến, manh động, công khai và đặc biệt đối tượng bị xâm hại lại là những đứa trẻ mới trên dưới 10 tuổi, không có khả năng tự bảo vệ mình. Điều đáng nói là những kẻ thực hiện hành vi xâm hại đó lại gần như không bị xử lý hoặc xử lý chỉ mang tính chất “chiếu lệ”, không tương xứng với hậu quả của các hành vi này gây ra cho người bị xâm hại và cho toàn xã hội. Nó như một sự thách thức đối với pháp luật cũng như sự cố gắng bảo vệ trẻ em của toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, nhìn dưới góc độ tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam có vẻ như rất đầy đủ, chặt chẽ để có thể xử lý từ hành chính đến hình sự và kể cả là chế định bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm hại đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đặc biệt là hàng loạt các chế định chuyên biệt để bảo vệ trẻ em. Song, đi sâu vào mới thấy, những quy định pháp luật chỉ mang tính chất hình thức, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống, không đủ tính chất răn đe, giáo dục chung đối với xã hội.
“Chẳng ai có thể tưởng tượng một thầy giáo “sờ đùi, sờ mông” những học sinh lớp 5 ngay tại lớp học chỉ bị kỷ luật cảnh cáo và tiếp tục được công tác trong ngành giáo dục hay một người đàn ông dùng vũ lực, khống chế ôm hôn nữ sinh ngay trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng,... Hậu quả của những hình phạt “có mà như không” là việc liên tục tiếp diễn các hành vi xâm hại xảy ra, có những hành vi “may mắn” bị phát hiện, bị dư luận lên án, nhưng cũng có những hành vi không thể “vật chứng” hóa để đưa ra trước dư luận và bị xử lý. Nhưng chắc chắn rằng, những nạn nhân bị xâm hại đều phải chịu sự tủi nhục, sợ hãi và uất ức bởi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ đã không được pháp luật và những người thực thi pháp luật bảo vệ đúng mức” - luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, việc quy định các hành vi vi phạm hành chính, xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP đã không còn phù hợp với xã hội hiện tại, không bao quát được hết các hành vi vi phạm và mức xử phạt đã không còn đủ sức răn đe, giáo dục. Dẫn đến rất nhiều vụ quấy rối tình dục, tấn công tình dục ngay giữa nơi công cộng nhưng pháp luật lại buộc phải gọi là hành vi khác với một lý do là chưa có khái niệm “quấy rối tình dục hay tấn công tình dục”.
Luật sư Tuấn Anh kiến nghị cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải ngay lập tức xây dựng được khái niệm về hành vi “quấy rối tình dục và tấn công tình dục khi chưa đến mức xử lý hình sự”, đồng thời ban hành các quy phạm pháp luật chuyên biệt để xử lý đối với các hành vi xâm hại tình dục này. Đối với hành vi dâm ô, cần phải làm rõ, tránh tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mỗi nơi hiểu một kiểu, mỗi cơ quan áp dụng một cách khác nhau để xử lý, đã là pháp luật thì tính thống nhất và tính hiệu lực là quan trọng.
Đừng để những quy định pháp luật làm khó người dân, làm khó cơ quan quản lý và quan trọng hơn, đừng để những kẻ dâm ô, đồi trụy, biến thái thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật chỉ vì những thuật ngữ chung chung, vô cảm đó!