Không kinh doanh kiểu phong trào
Báo cáo tại phiên họp UBTVQH, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Luật sẽ mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao.
Một điểm mới đáng lưu ý, luật sẽ mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.
Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh và có đủ điều kiện theo quy định.
“Việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung cầu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở như những năm vừa qua” – ông Dũng nói.
“Cho bán nhà ảo” - Lo bị chiếm dụng vốn
Mặc dù có nhiều điểm mới cởi mở hơn, nhưng nhiều Ủy viên UBTVQH lo ngại về những rủi ro và sự lộn xộn trên thị trường thời gian qua. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, cần kiểm soát các điều kiện kinh doanh bất động sản kể cả đối với Việt kiều về nước kinh doanh. Bởi thực tế có người khi về thì nói thế nọ thế kia nhưng hóa ra ”tay không bắt giặc”. Và thêm nữa, nếu chúng ta cho phép mua bán nhà hình thành trong tương lai, người ta cầm tiền rồi bỏ dở, đi đâu về đâu không biết thì người dân sẽ phải gánh hậu quả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, có thể cho thuê, mua nhà hình thành trong tương lai, nhưng để bảo vệ quyền người dân cần bổ sung chế tài chặt chẽ, không để chủ đầu tư dùng chiếm dụng vốn làm việc khác.
“Có nhiều dự án thu tiền của dân rồi đình trệ, dân không biết đòi tiền ở đâu. Nếu cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai sẽ tạo thị trường ảo, nhiều người sẽ lợi dụng quy định này để chiếm dụng vốn” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại. Ông Hiển cho rằng nội dung này nên giữ như quy định hiện hành.
Đáp lại băn khoăn trên, Bộ trưởng Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, quy định việc thuê, mua nhà trong tương lai chặt chẽ hơn như sẽ có các tổ chức bảo lãnh, tránh rủi ro cho dân. Cũng theo ông, thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai là một đòi hỏi từ thực tế, cần công nhận để quản lý trong luật.
Đô thị đầy nhà hoang, cỏ dại
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản cần khắc phục tình trạng đầu cơ khiến cho các khu đô thị rơi vào tình trạng bỏ hoang, nhà để trống lãng phí, nhưng người dân lại không mua được nhà. Dẫn chứng một số khu đô thị có tình trạng như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ví von cần phải có ông “Thần Đèn” xúc chỗ nhà bỏ hoang đó đặt vào khu quy hoạch cần người ở. ”Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi phải tháo gỡ thực tế tồn tại trong 10 năm qua” - ông Sơn nói.
Theo dự thảo Luật, tại khoản 6 Điều 14 về nguyên tắc kinh doanh bất động sản sẽ không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sàn giao dịch bất động sản là biểu hiện bậc cao trong giao dịch, sẽ góp phần đảm bảo về chất lượng hàng hóa, không nên bỏ mà nên quy định chặt chẽ để nó thực sự văn minh hơn.
Nên xóa tư duy bao cấp về nhà ở
Báo cáo tại UBTVQH về Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 10/3, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Dự thảo Luật hướng đến việc bảo đảm công tác phát triển nhà ở đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ý kiến tại Ủy ban Thường vụ cho rằng nên xóa tư duy bao cấp về nhà ở, thay vào đó cần đưa tiền nhà vào tiền lương.
Riêng đối với nhà công vụ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay.
Hồng Phúc