Luật Đặc khu sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp

Luật Đặc khu sẽ trình Quốc hội “vào thời điểm thích hợp”.
Luật Đặc khu sẽ trình Quốc hội “vào thời điểm thích hợp”.
TPO - Về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Ngày 23/10, Tổng thư ký Quốc hội và Trung tâm báo chí phát đi thông cáo báo chí số 1 về ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.

Thông cáo nêu, ngày 22/10, Quốc hội khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 tại Nhà Quốc hội. Theo chương trình, vào 7 giờ 15 phút, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị ĐBQH đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, vào hồi 8 giờ 00, Quốc hội họp phiên trù bị tại phòng họp Diên Hồng. Quốc hội dành thời gian mặc niệm Nguyên Tổng bí thư, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ĐBQH Đoàn thành phố HCM và đại biểu Lê Minh Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Đồng thời, tại phiên họp trù bị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu về một số nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ 6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc 23,5 ngày với khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, trong đó công tác nhân sự phải thực hiện nhiều thủ tục theo quy định. Vì vậy, để bảo đảm thành công chung của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thực hiện nghiêm túc Nội quy kỳ họp Quốc hội, tham dự đầy đủ các phiên họp...

Tại phiên họp trù bị, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, các Đoàn ĐBQH về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6.

Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, đề nghị của cơ quan tổ chức hữu quan và căn cứ tình hình thực tế, UBTVQH thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung một số nội dung vào chương trình kỳ họp gồm:

Bầu Chủ tịch nước; Xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này.

Về dự án Luật Hành chính công: Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật này tại một số phiên họp; đã ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, cố gắng, quyết tâm của ĐBQH - Trưởng Ban soạn thảo, các thành viên Ban soạn thảo và rất trân trọng kết quả mà Ban soạn thảo đã đạt được.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các mặt, UBTVQH cho rằng, nội dung dự án Luật chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi đưa vào Chương trình. Do quá trình soạn thảo kéo dài, nên nhiều mục tiêu, nội dung đặt ra trong quá trình xây dựng dự án đã được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành thời gian qua, đồng thời, đề xuất, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật và dưới luật.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc xây dựng dự án Luật Hành chính công. Toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án Luật có giá trị tham khảo, được gửi trên mạng thông tin điện tử của Quốc hội để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH.

Ngoài ra, tại phiên trù bị, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo và Nghị quyết của UBTVQH số 589/NQ-UBTVQH14 ngày 20/10/2018 về việc xử lý kỷ luật với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016 bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son.

Tiếp đó, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tỷ lệ 93,40% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, vào hồi 9 giờ 00 phút, Quốc hội đã họp phiên khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.