Cả nước có 100.000 văn bản pháp luật
Báo cáo về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật, nhưng cần quy định rõ về trình tự, thủ tục, nhằm thực hiện quản lý, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Ý kiến này lập luận, đây là cấp chính quyền, tại sao lại không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, công cụ quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước?
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không quy định cấp huyện, xã được ban hành văn bản pháp luật, vì ban hành cũng chỉ là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí mâu thuẫn, trùng lặp.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn tự chủ của mình, việc giao cho cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là cần thiết. Nhưng phải quy định chặt chẽ phạm vi, điều kiện, quy trình, thủ tục ban hành”, ông Lý nói.
“Ở Hàn Quốc, khi số lượng văn bản vượt lên tới 15.000 là họ phát báo động đỏ, lập ủy ban rà soát do Tổng thống đứng đầu. Cuối cùng chỉ còn để lại khoảng 5.000 văn bản. Họ thấy phải giảm số lượng văn bản xuống như vậy thì đất nước mới phát triển được”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tình trạng địa phương, nhất là ở cấp huyện, xã ban hành quá nhiều văn bản pháp luật khá phổ biến.
Theo ông Cường, địa phương phải chấp hành các luật của trung ương, nếu để tự tiện ban hành văn bản pháp luật sẽ xảy ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”.
Để khắc phục tình trạng này, luật phải quy định rõ trường hợp nào thì địa phương được ban hành. Nếu làm được như vậy thì tình hình sẽ tốt hơn, người dân đồng tình hơn.
Ví dụ, Luật giao địa phương tự quản vấn đề đầu tư, thu phí vệ sinh môi trường... thì huyện, xã mới được ban hành văn bản trong lĩnh vực đó.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ này đang hoàn thiện báo cáo khảo sát kết quả rà soát ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở tất cả các cấp. Tính đến nay, đã thấy có tới hơn 100.000 văn bản pháp luật được ban hành thời gian qua.
“Ở Hàn Quốc, khi số lượng văn bản vượt lên tới 15.000 là họ phát báo động đỏ, lập ủy ban rà soát do Tổng thống đứng đầu. Cuối cùng chỉ còn để lại khoảng 5.000 văn bản. Họ thấy phải giảm số lượng văn bản xuống như vậy thì đất nước mới phát triển được”, ông Cường cho biết.
Thẩm quyền phải rõ
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần chỉ rõ trong khối lượng văn bản ban hành đồ sộ đó, đâu là những văn bản được ban hành tùy tiện. Nếu không cần thiết mà vẫn ban hành phải bỏ ngay. Đồng thời, phải làm rõ thẩm quyền, quy trình ban hành, tức là cần quy định minh bạch mỗi cấp nhà nước được ban hành loại văn bản gì, không được ban hành loại nào.
Ví dụ, Chủ tịch nước ban hành sắc lệnh, Quốc hội ban hành luật, nghị quyết, UBTVQH ban hành pháp lệnh... thì nên quy định rõ. Cấp huyện, xã cũng vậy, phải quy định rõ để thực hiện, nếu không có quy định mà vẫn làm là sai. Không để các cấp, các địa phương tùy tiện ban hành văn bản nhưng cũng không nên vơ đũa hết, cứ xã, phường, huyện không cho ban hành mà cần phải căn cứ vào đòi hỏi của thực tiễn. Sau khi luật ban hành phải sớm có nghị định hướng dẫn, áp dụng luật.
“Vừa rồi Luật sỹ quan quy định việc phong hàm cấp tướng có hiệu lực ngay. Nhưng có những luật, pháp lệnh để rất chậm. Chẳng hạn chính sách người có công có từ đầu năm, tháng 5 mới có nghị định, tháng 9 mới có thông tư, để tình trạng như vậy thì không biết bao giờ luật mới được thi hành”, Chủ tịch QH nói.
Cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước cần quy định rõ trong luật, nên rút từ 7 năm thành 5 năm tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, phải quy định kiểm toán cả với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chứ không chỉ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.