Nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại yêu cầu tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới và tuần tra trên biển, đặc biệt là những địa bàn các đối tượng buôn lậu thường xuyên hoạt động.
Liên tục bắt giữ các vụ vi phạm quy mô lớn
Trung tuần tháng 8/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) đã phát hiện trong hành lý của hành khách Đinh Dác Khánh (quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc) có 12 hộp sắt chứa một lượng lớn bột màu vàng.
Qua kiểm tra thử nhanh, lực lượng hải quan đã phát hiện trong 6 chiếc hộp có chứa 1,984kg là ma túy tổng hợp thuộc nhóm AST, 8 hộp còn lại chứa 4,572kg bột có phản ứng cocaine. Trước đó, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì phối hợp với Cục Hải quan TP Hải Phòng kiểm tra thực tế lô hàng container đã phát hiện 56 sọt, mỗi sọt khoảng 30kg vảy tê tê với tổng trọng lượng ước tính khoảng 1,4 tấn, trị giá hàng hóa vi phạm ước khoảng 10 tỷ đồng.
Chiều 29/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) phối hợp với Công an huyện Tân Biên đã phát hiện một ô tô vận chuyển 3 vali và 1 thùng carton, cất giấu bên trong 18,2 tỷ đồng Việt Nam nhiều mệnh giá. Chiếc xe này do một đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc thuê ô tô du lịch Campuchia vận chuyển tiền từ Việt Nam qua cửa khẩu Xa Mát. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Mới đây nhất vào đêm 31/8, Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức theo dõi, mật phục trên tuyến Lạng Sơn - Bắc Ninh - Hưng Yên, bắt giữ 8 xe ô tô chở hàng lậu. Tang vật thu giữ là khoảng 100 tấn, với hàng trăm loại mặt hàng, trong đó có súng đồ chơi trẻ em, đồ điện, điện tử, xe đạp điện, phụ tùng ô tô, phụ gia thực phẩm, trứng gà, mỹ phẩm, quần áo, vải các loại… Đáng chú ý trong số hàng hóa vi phạm có cả biển số xe ô tô giả. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước khoảng 10 tỷ đồng.
Kỷ luật cán bộ, công chức tiếp tay cho buôn lậu
Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chỉ đạo của Bộ Tài chính về tổ chức đấu tranh trọng điểm vào đường dây buôn lậu trên tuyến biên giới phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác nghiệp vụ, kịp thời bắt giữ các vụ vi phạm.
Trong vụ việc bắt giữ 100 tấn hàng lậu hôm 31/8 vừa qua, từ kết quả trinh sát ban đầu lực lượng chức năng đã xác định, lợi dụng đợt nghỉ lễ 2/9, các đối tượng buôn lậu đã tập kết một số lượng lớn hàng bách hóa tại khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh) để vận chuyển về các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, sau đó đưa vào nội địa và các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo 389 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khẳng định, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó các lực lượng chức năng có vai trò chủ công, nòng cốt.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung rà soát các doanh nghiệp đã được quyết toán hoàn thuế mặt hàng rượu, bia từ năm 2011 đến nay, kịp thời xử lý và thu hồi cho ngân sách số tiền bị chiếm đoạt trái phép.
Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng nhập khẩu các mặt hàng không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là hoa quả, thực phẩm các loại. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát các đường mòn, lối mở biên giới, nhất là những địa bàn mà các đối tượng buôn lậu thường xuyên hoạt động.
Lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển, đặc biệt là vùng biển Bắc bộ và vùng biển phía Nam nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu xăng dầu, gỗ, khoáng sản, thuốc lá, thuốc nổ, pháo…
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, người đứng đầu của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại phải đề cao vai trò, trách nhiệm của mình.
Nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/8, toàn ngành đã phát hiện và xử lý 12.101 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 204,1 tỷ đồng.
Theo Hương Ly