Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Sóng gió ở thành phố đáng sống

Một góc thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn Ảnh: Nguyễn Trình
Một góc thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn Ảnh: Nguyễn Trình
TP -  Từ một địa phương đi đầu, dẫn đầu về những đột phá phát triển trong khu vực, Đà Nẵng bộc lộ những bất cập trong quy hoạch, phát triển và đặc biệt là về công tác cán bộ. Nhiệm kỳ mới, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Võ Văn Thương: Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn. Phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế- xã hội.

Nhiệm kỳ sóng gió

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có những đổi thay, phát triển ngoạn mục. Kỳ tích của Đà Nẵng được cả nước, thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Đà Nẵng được biết đến với hàng loạt thương hiệu như “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố của những cây cầu”, “Thành phố đáng sống”… Thành tựu lớn nhất của Đà Nẵng sau đổi mới, đặc biệt là từ khi thành phố trực thuộc trung ương là tạo nên những cây cầu bắc qua sông Hàn. Nó như kỳ tích, biểu tượng về sự phát triển, cách làm và tư duy mới.

Tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Mới 40 tuổi, lúc bấy giờ ông Xuân Anh được biết đến là Bí thư trẻ nhất nước và được kỳ vọng sẽ giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển, đột phá. Ngày nhậm chức Bí thư, ông Xuân Anh đã phát biểu rất hùng hồn và liên tiếp thời gian sau ông được truyền thông liên tục đưa tin với những phát biểu ấn tượng. Thế nhưng, những lời nói của ông Nguyễn Xuân Anh không biến thành hành động mà ngược lại chỉ sau hơn 1 năm cả tập thể Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh bị Trung ương kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thôi giữ chức Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư, nhân sự và tổ chức của TP Đà Nẵng có nhiều xáo trộn. Điển hình và nhiều tai tiếng nhất có lẽ là việc điều chuyển ông Đặng Việt Dũng. Đang đường đường là Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng phụ trách khối Văn hoá xã hội được đánh giá cao về năng lực trong chỉ đạo và điều hành, bỗng tháng 2/2017, ông Nguyễn Xuân Anh ký quyết định điều động ông Dũng sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo. Việc điều chuyển này đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP Đà Nẵng trong thời gian dài.

Theo Kết luận 292 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc điều chuyển ông Đặng Việt Dũng đã “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Quy định số 42/QĐ -TW của Ban Bí thư, thực hiện không đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy”. Tháng 7/2018 ông Đặng Việt Dũng được đưa lại về làm Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho đến khi nghỉ hưu.

Những xáo trộn về nhân sự, cùng với những vi phạm, khuyết điểm của tập thể, cá nhân các lãnh đạo, hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố bị kỷ luật, khởi tố bắt giam khiến hình ảnh của Đà Nẵng dần mất đi, niềm tin của người dân cũng vơi dần. Hàng loạt dự án lớn trên địa bàn như Khu đô thị quốc tế Đa Phước, các dự án ở bán đảo Sơn Trà, các dự án ven biển,… phải “đứng bánh” vì liên quan đến quá trình điều tra, thanh tra. Đà Nẵng từ thành phố dẫn đầu khu vực đứng trước nguy cơ đánh mất ngôi vị.Công tác điều hành, chỉ đạo, xử lý công việc của cán bộ thành phố cũng rơi vào tình trạng trì trệ chưa từng có.

Ông Huỳnh Đức Thơ, đương kim Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã phải than phiền, rằng: Cùng với kết quả thanh tra, kiểm tra khắc phục hậu quả của những năm trước, hàng loạt vụ việc đang tiếp tục điều tra, khởi tố, xét xử. Điều này khiến tinh thần làm việc, sự cẩn trọng của cán bộ công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ. Trước đây, thành phố làm gì cũng giải quyết nhanh, “vượt rào”, bỏ qua nhiều quy định dẫn đến những sai phạm.Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai.Đặc biệt là việc giải quyết khối lượng tồn đọng của hàng ngàn dự án, các quy hoạch cũ. Đây chính là lý do khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đà Nẵng tụt hạng trong vài năm trở lại đây.

Lựa chọn nhân sự khóa XIII: Sóng gió ở thành phố đáng sống ảnh 1 Ông Nguyễn Xuân Anh và sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng là bài học xương máu cho thành phố Đà Nẵng trong nhiệm kỳ mới    Ảnh: Nguyễn Thành

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng cuối năm 2017, lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu ra cảnh báo về việc Đà Nẵng đang dần mất vị trí “đầu tàu” kinh tế khu vực. Nếu Đà Nẵng không quyết liệt vị trí đó sẽ thuộc về Khánh Hòa, Quảng Nam hay Thừa Thiên Huế vì quy mô của các ngành kinh tế tại những tỉnh này cũng tương đương, có nơi vượt cả Đà Nẵng.

Nhân sự tốt sẽ đưa Ðà Nẵng tiến lên

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về công tác nhân sự  thành phố cho nhiệm kỳ mới, ông Võ Văn Thương - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Công tác nhân sự chủ chốt của thành phố Đà Nẵng cho nhiệm kỳ tới đang được Trung ương đặc biệt quan tâm sau một nhiệm kỳ Đà Nẵng nhiều thăng trầm, biến cố. Đà Nẵng đang nỗ lực để tìm lại chính mình. Sau những sai phạm, khuyết điểm Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn tổng kết, đánh giá và chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót dẫn đến những sai phạm, kỷ luật, xáo trộn trong thời gian qua. Đồng thời cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm và đưa ra những phương hướng nhiệm vụ mới cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trên cơ sở đó, Thành ủy Đà Nẵng đã xây dựng phương hướng nhân sự 2020-2025, trong đó có cơ cấu Ban chấp hành, Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt của thành phố. Đối với nhân sự tái cử của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đến thời điểm này có 35 người. Riêng nhân sự giới thiệu lần đầu đang chờ thực hiện theo quy trình nhân sự theo
quy định.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ chủ chốt trong nhiệm kỳ mới được Bộ Chính trị, Trung ương đặt ra cho Đà Nẵng là rất cao. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn.Phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-
xã hội.

Về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, để tránh việc bị động thậm chí không theo định hướng, không tuân thủ quy định, Ban Tổ chức Thành ủy đã tính đến các phương án dự kiến bố trí trước và sau đại hội, phương án dự kiến nhân sự điều chuyển…

“Việc lựa chọn cán bộ được Đà Nẵng đặt ra là phải tìm được người có bản lĩnh, trí tuệ, có tinh thần cầu thị, biết phát huy dân chủ, biết lắng nghe và quan trọng nhất phải quyết đoán để giúp thành phố tiếp tục phát triển”, ông Thương nói.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đây là nền tảng để giúp thành phố Đà Nẵng xây dựng và phát triển trong nhiệm kỳ mới, vượt qua những khó khăn trì trệ thời gian qua.

“Nền tảng có rồi, quan trọng bây giờ thành phố phải lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực triển khai. Để làm được việc này quan trọng nhất là nhân sự lãnh đạo đứng đầu. Hiện nay, về cơ bản nhân sự của thành phố Đà Nẵng tôi nghĩ sẽ đảm đương được nhiệm vụ theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Bởi những cán bộ của Đà Nẵng hiện nay là những người đã triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và là những người tham mưu giúp Trung ương ban hành Nghị quyết 43. Đây là những người được lãnh hội, tiếp thu và triển khai công việc trong thời gian dài”, ông Thương nói. 

Nói về câu chuyện “lợi ích nhóm”, ông Võ Văn Thương cho rằng: Đây là một cảnh báo để Ban Tổ chức, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra tăng cường giám sát. “Kết luận 292  dù không chỉ rõ lợi ích nhóm trong các sai phạm, nhưng dư luận bên ngoài đánh giá có vấn đề này. Để khắc phục việc này công tác cán bộ hết sức quan trọng.Muốn không xảy ra lợi ích nhóm, công tác cán bộ phải công tâm, khách quan lựa chọn đúng người có năng lực nhưng phải có bản lĩnh chính trị
hàng đầu”.

Về câu chuyện cán bộ trẻ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Võ Văn Thương nhấn mạnh: Lựa chọn cán bộ phải xuất phát từ tiêu chuẩn. Phải có niềm tin vào cán bộ trẻ. Không vì thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm của một vài cán bộ trẻ mà chúng ta mất niềm tin. Nếu không có niềm tin vào cán bộ trẻ sẽ không có cán bộ trong tương lai.

“Đà Nẵng sửa sai trong nhận thức và điều chỉnh phát triển kinh tế xã hội. Đà Nẵng vẫn có niềm tin cán bộ hiện nay đặc biệt là cán bộ chủ chốt cùng với thành phố sẽ nhận lấy trọng trách cùng với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố hơn nữa” - Ông Thương khẳng định

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.