Bờ tây đập Đại Cường đã bị nước lũ phá thành cửa sông mới Ảnh: L.T.M |
TP.Đà Nẵng có thể khủng hoảng nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô.
Trong khi hậu quả của cơn bão số 6 còn ngổn ngang trên bờ thì chính quyền địa phương và người dân sống ven sông Vu Gia ở các thôn 8, 9, 10, Ô Gia Bắc, Thanh Vân và Quảng Đại (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lại tiếp tục thấp thỏm vì công trình kè tại khu vực sông Vu Gia - Quảng Huế bị xói lở nghiêm trọng.
Tại bờ tây đập Đại Cường, lũ dồn về đã xé nát, cuốn trôi 150m bờ kè, phá thành một cửa sông mới, khiến hầu hết nước sông Vu Gia đổ thẳng vào cửa sông mới này rồi chảy vào khu vực Đồng Miếu dẫn ra sông Quảng Huế. Dòng nước đục ngầu cuồn cuộn dội vào các rọ đá ngăn đập, tràn qua sông mới trong tiếng đất lở ầm ào nghe rờn rợn.
Nghiêm trọng hơn, tuyến kè bị phá vỡ đang đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của 1.370 hộ dân thuộc các ven sông các xã Đại Cường, Đại Hòa; uy hiếp mố cầu Quảng Huế cùng hàng trăm ha hoa màu 2 xã nằm trong khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.
Cùng lúc, bờ kè dẫn vào đập tại khu vực thôn 8 cũng xói lở nặng. Hư hại dưới bể tuynen chưa thể tính được do nước lũ còn ngập sâu. Tuyến kè Ô Gia Bắc - Thanh Vân sạt lở nhiều đoạn. Lũ sau bão số 6 đã khiến tình trạng lở đất sản xuất ven sông Vu Gia và sông Quảng Huế xảy ra liên tục.
Hơn 30ha đất tại thôn 8, thôn 9 đã bị lũ cuốn trôi. Khu vực này đất bồi phù sa, bên dưới là cát nên việc xâm thực rất dễ xảy ra dù đây là vùng trồng cỏ chống xói lở ven đập. Đáng lo hơn là lũy tre ven sông được xem là “thành trì” chống bão và sạt lở của các khu dân cư nơi đây cũng đã bị trốc gốc, ngã đổ ngổn ngang.
Ông Tô Hiền, người dân thôn 8 thấp thỏm: “5 năm qua tưởng đã yên, nay đập sạt lở lại! Mấy sào đất của gia đình tôi đổ xuống sông rồi. Cơn lũ tới chắc phải dời nhà thôi!”.
Bờ kè sông Vu Gia bị nước lũ xé nát. Ảnh: L.T.M |
Ông Nguyễn Công Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Cường cho hay, công trình kè tại khu vực sông Vu Gia có vai trò rất quan trọng, không chỉ với Quảng Nam mà cả TP Đà Nẵng, được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng với tổng vốn hơn 15 tỷ đồng, bàn giao từ năm 2002.
Công trình nhằm phòng chống xói lở, hạn chế lũ lụt cho Quảng Nam, đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho các huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Điện Bàn (Quảng Nam).
Đặc biệt, công trình kè tại khu vực sông Vu Gia - Quảng Huế còn chống nhiễm mặn và cung cấp phần lớn nguồn nước uống, sinh hoạt cho Nhà máy nước cầu Đỏ (nhà máy nước chính của TP Đà Nẵng).
Ông Nguyễn Công Thành cho biết, lũ trên sông Vu Gia đang rút dần. Nếu lũ tiếp tục phá vỡ toàn bộ tuyến kè thì toàn bộ lượng nước sông Vu Gia sẽ dồn về cửa sông mới. Như vậy, Nhà máy nước Cầu Đỏ của Đà Nẵng sẽ bị khủng hoảng nguồn cung cấp, nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt... nhất là trong mùa khô.
"Chúng tôi được biết, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư 37 tỉ đồng đầu tư xây dựng kiên cố toàn bộ tuyến kè sông Vu Gia (dự kiến khởi công tháng 7/2006). Nhưng tới nay dự án vẫn chưa thể thực hiện.
Chúng tôi mong các ngành chức năng cho triển khai dự án trong thời gian sớm nhất để bảo đảm an toàn tuyệt đối về lâu về dài cho tuyến kè sông, phát huy hết tác dụng công trình cũng như tránh nguy cơ đe doạ đến tính mạng, đất sản xuất của nhân dân trong khu vực!” - ông Thành đề nghị.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tuyến kè sông Vu Gia, sáng 10/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã đến kiểm tra và tìm cách khắc phục.
Theo nhận định, thiệt hại ở khu vực này đã vượt khả năng xử lý của địa phương. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ có tờ trình đề nghị TƯ có biện pháp xử lý khẩn cấp, tránh tình trạng cửa sông mới ngày càng mở rộng, đe dọa trực tiếp đến các khu dân cư, đất sản xuất của 2 xã Đại Cường, Đại Hòa và khu vực hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn. Trước mắt, tỉnh sẽ cho gia cố tạm thời bằng rọ thép và bao cát để cố giữ tuyến kè qua mùa mưa lũ năm nay.
Theo Hải Châu
Vietnamnet