Lọt top 5 DN lợi nhuận nhất 2018, PVN vẫn tự xử lý sai phạm

Ông Trần Quang Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp PVN đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận vinh danh doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018
Ông Trần Quang Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp PVN đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận vinh danh doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018
TPO - Năm vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 lần lượt thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Viettel, Samsung Electronics Việt Nam, Honda Việt Nam và PV GAS. Dù lọt top cao, PVN vẫn phát thông báo vừa xử lý nghiêm những sai phạm của Ban Quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn...

PVN vượt qua cả Viettel, Vingroup

Chiều qua (29/11), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã tổ chức lễ công bố Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018. Theo đó, 5 vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 lần lượt thuộc về: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Viễn thông – Quân đội (Viettel), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty cổ phần (PV GAS).

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vinamilk, Vietcombank, Hòa Phát, VietinBank, Vingroup.

Theo Vietnam Report, đây là các doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, đạt khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Theo PVN, tính chung 10 tháng năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất của tập đoàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 3,3% - 14,3% kế hoạch 10 tháng đề ra.

PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó 10 tháng toàn tập đoàn nộp NSNN đạt 90,9 nghìn tỷ đồng, vượt 23,2% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 499,5 nghìn tỷ đồng, vượt 21,1% kế hoạch 10 tháng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017.

VEA kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho PVN

Cũng trong ngày 29/11, tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi cho biết, VEA vừa có văn bản kiến nghị lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).  

Theo VEA, PVN là một trong ba trụ cột của ngành Năng lượng Việt Nam, trong nhiều thập kỷ qua, PVN luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao trong việc thăm dò, khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu dầu khí, cùng với nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của PVN giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, PVN đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong giai đoạn từ 2016-2018, PVN luôn nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, PVN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng các công trình năng lượng, trong đó có việc chậm tiến độ các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII (hiệu chỉnh).

Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi đã đưa ra một số kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Xây dựng theo hướng cho phép chủ đầu tư các dự án điện đã có trong Quy hoạch phát triển điện Quốc gia không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Thứ hai, VEA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tạo cơ chế chính sách để các dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1 và dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất của PVN được cấp bảo lãnh vay vốn, để đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án và triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Thứ ba, những vấn đề vướng mắc tồn tại nêu trên hiện tại đang được Chính phủ và các Bộ, ngành tháo gỡ, nhưng các tồn tại đang còn nhiều, đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để ngành Dầu khí đáp ứng được các mục tiêu chiến lược như Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, để tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 ngành Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Xử lý sai phạm tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Liên quan đến việc các phương tiện thông tin đại chúng có đăng thông tin về sai phạm tại Ban quản lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban QLDA) mới đây, PVN cũng chính thức lên tiếng.

Theo PVN, tháng 8/2017, PVN nhận được Đơn tố cáo về một số sai phạm tại Ban QLDA và đã thành lập Đoàn kiểm tra xác minh đơn thư.

Qua kiểm tra, PVN đã phát hiện một số sai phạm trong đó có việc không hạch toán  số tiền lãi 21,8 tỷ đồng và để ngoài sổ sách kế toán. PVN đã yêu cầu Ban QLDA hạch toán toàn bộ số tiền lãi từ các hợp đồng tiền gửi đang để ngoài sổ sách kế toán theo quy định và chuyển số tiền lãi này vào tài khoản của PVN.

 Từ tháng 12/2017 đến nay, PVN đã liên tục có các biện pháp yêu cầu nguyên Trưởng Ban QLDA và những cán bộ có liên quan chuyển số tiền về tài khoản của Tập đoàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được chuyển đủ.

Ngày 7/12/2017, PVN đã có quyết định đình chỉ chức vụ Kế toán trưởng Ban QLDA đối với ông Lê Xuân Hoàng và tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân có liên quan.

Ngày 16/4/2018, PVN đã chủ động có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ công an đề nghị có biện pháp phối hợp để giải quyết các vi phạm nêu trên. PVN đã nhiều lần cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan và tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc. 

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.