Bé Thảo cùng các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối. |
Hòn Khoai thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách đất liền khoảng 15 km. Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cách đất liền 40 km, có 60 hộ dân sinh sống.
Đảo không dân
Hòn Khoai ngày xưa có tên gọi là đảo Giáng Hương, xung quanh còn có các đảo: Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tương với tổng diện tích gần 5 km2. Con tàu lớn của Vùng 5 Hải quân đậu ngoài khơi xa, các chiến sỹ trên đảo phải dùng tàu thuyền nhỏ tăng bo hai lần, lội khoảng 20m nước nữa mới đặt chân được lên đất đảo.
Ấn tượng đầu tiên là...?đá. Những doi đá to tròn, nhẵn nhụi, hình dáng như những củ khoai nằm chất đống chạy dài ven biển. Dưới chân đảo, là nơi đóng quân của đồn Biên phòng 700 và một bên là lực lượng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau.
Chiến sỹ Lê Văn Ý nói: "Hồi mới ra đảo buồn lắm, sống trên đảo không có dân càng buồn. Nhưng thấm gì so với các chiến sỹ ngày đêm sóng gió trên biển Đông”. Đồn biên phòng 700 có cả một vườn rau Thanh niên rộng lớn cung cấp đủ cho cả đơn vị ăn quanh năm, mùa nào rau đó.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai, ông Trần Minh Sầy cho biết: "Trên đảo có bốn lực lượng là đồn Biên phòng, trạm radar 595, trạm hải đăng và kiểm lâm. Kiểm lâm sống như lính, xa gia đình, chế độ lương chẳng hơn đất liền là bao.
Rừng trên đảo gần như còn nguyên sinh, có nhiều động thực vật quí hiếm". Trạm trưởng trạm Hải đăng Hòn Khoai Nguyễn Hoài Nam nói: "Gia đình tôi ở Vũng Tàu, ra đảo đã 5 năm. Mỗi tháng tôi được vào đất liền một lần để lĩnh lương, họp chi bộ và lấy báo về cho anh em đọc. Thực ra ở hòn đảo không dân này cầm tiền chẳng biết tiêu vào việc gì".
Đơn vị radar đóng quân chót vót trên đỉnh đảo với độ cao 318m. Cả đảo có 4 chiếc xe máy, tất cả đều cũ kỹ, đến thời kỳ mục nát. Còi, yếm xe, bảng số...?rụng hết, hầu như chỉ còn cái khung.
Lính trẻ Nguyễn Tuấn Anh (22 tuổi) quê Thái Bình, nói: "Em ra đảo được hơn một tháng nay. Anh em ở đảo sinh hoạt như gia đình. Chúng em trồng rau, nuôi heo, gà...?coi đó như thú vui".
Đảo Hòn Khoai đang được một Cty nuôi thả động vật: Khỉ (5.000 con), kỳ đà, rùa, nai...?Chưa có chủ trương đưa dân ra, nhưng hòn đảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích- thắng cảnh cấp quốc gia đang thu hút khách du lịch về nguồn, dã ngoại và nghiên cứu.
Dạy xong, thầy Trần Bình Phục phải dẫn các em xuống núi về nhà. |
Đảo cần con chữ
Hầu hết phụ huynh khoán trắng sự học của con em cho chúng tôi. Phòng giáo dục huyện cũng chẳng quan tâm lớp học này. Dạy xong, tôi phải đưa các em về tận nhà sát mép biển” - Trung úy Trần Bình Phục |
Cách Hòn Khoai 40 hải lý, đảo Hòn Chuối có 60 hộ dân và rất nhiều con số không...?cơ bản: Không điện, không nước, không đường, không trường, không trạm y tế.
Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản trên đảo, Lê Văn Phương cho biết: "Hòn Chuối thuộc tổ I, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, diện tích 7km2. Người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt. Nhưng tết năm nay chắc đói vì thời tiết bất thường, phức tạp kéo dài. Cuộc sống người dân trên đảo vô cùng khó khăn, thiếu thốn ”.
Bà Ngô Thị Nhận làm rẫy trên đảo 40 năm qua, nói: "Đất đai có ai cấp giấy tờ gì đâu. Muốn vay ngân hàng lấy vốn làm ăn cũng không được. Cán bộ lãnh đạo tỉnh năm 1998 ra đây hứa xây cho dân đảo cái bể nước, xây trạm xá, trường học. Thu hồi đất dân rồi...?treo cả mười mấy năm nay”.
Để lên đỉnh đảo ở độ cao khoảng 170m so với mặt biển, nơi lực lượng hải quân đóng, phải bước qua 333 bậc thang bằng xi măng dốc đứng, sau đó lội qua đoạn đường rừng gần cây số. Nơi đỉnh cao heo hút của hòn đảo ấy là một lớp học tình thương do đồn Biên phòng 704 đảm nhận.
Trong ngôi nhà mái tôn, vách tôn, nền gạch đã xuống cấp, Trung úy Trần Bình Phục (tốt nghiệp cử nhân xã hội học), đang cố tập cho các em nhỏ đánh vần dòng chữ: "Cò bố mò cá, cò mẹ tha về tổ". Chỉ có 15 học sinh nhưng thầy phải dạy cùng lúc ba chương trình từ lớp một đến lớp ba.
Trên đảo, ngay cả cuốn tập, cái bút, viên phấn đều xa lạ với các em. Nhà mẫu giáo không có, công viên tuổi thơ là rừng núi và biển cả. Nhiều quán hàng nhưng không ai bán bút mực.
Trung úy Phục cho biết: "Lớp học tình thương được bộ đội Biên phòng mở từ năm 1996. Tất cả sách, vở, bút, mực, thậm chí cả quần áo đồng phục đều do Biên phòng lo. Hầu hết phụ huynh khoán trắng sự học của con em cho chúng tôi. Phòng giáo dục huyện cũng chẳng ai quan tâm lớp học này. Dạy xong tôi phải đưa các em về tận nhà sát mép biển. Không ai biết ngày 20-11 là ngày gì. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là dạy cho con em trên đảo biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết những kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử".
Lớp học tồn tại 16 năm nay nhưng phòng giáo dục huyện chẳng những không quan tâm hỗ trợ chuyên môn mà còn không thừa nhận lò đào tạo này, cho dù chương trình dạy tuân thủ theo sách và giáo trình do Bộ GD&ĐT biên soạn. Học sinh đã đọc thông viết thạo, đã biết làm toán nhưng vào đất liền phải bắt đầu từ lớp một.
Bé Trần Thị Thảo, 12 tuổi, đã học xong lớp ba. Mẹ của Thảo, bà Nguyễn Thị Bé tâm sự: "Chồng tôi là bộ đội xuất ngũ, nay làm nghề đi câu trên biển. Tôi làm nghề gắp câu. Tội nghiệp con bé, nó ham học, cứ xin thầy dạy tiếp chương trình lớp bốn cho. Suốt ngày nó cứ quanh quẩn quanh lớp học, giúp thầy dạy các em nhỏ học chữ, múa hát. Gia đình muốn cho cháu vào đất liền học nhưng nghèo quá...".
Ngôi nhà lợp tôn của bé Thảo trống rỗng, không có vách ngăn. Ở góc bếp, một nồi canh toàn rau nấu từ bao giờ nguội ngắt. Trên đường về, gặp bé Thảo đang chạy xuống núi, em cho biết vừa nhận được tiền lì xì của mấy cô chú nên mẹ bảo đi mua gạo ngay.
Ấn tượng đầu tiên ở Hòn Khoai là... đá. |
Không chỉ có Thảo, mà hai đứa em có lẽ cũng chỉ học đến lớp cao nhất của lớp học tình thương trên đảo. Cái lớp học tình thương ấy không thể đưa con em trên đảo đến tận cùng của ước mơ.
Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Hòn Khoai đang khát khao ngành chức năng mở một điểm trường trên đảo cho bọn trẻ.