Lớp học U50 giữa đại ngàn

Thiếu tá Phạm Công Khanh hỏi thăm việc học, luyện chữ của chị Phàn Thị Hằng. Ảnh: Xuân Tùng.
Thiếu tá Phạm Công Khanh hỏi thăm việc học, luyện chữ của chị Phàn Thị Hằng. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Giữa thăm thẳm núi rừng miền biên viễn Lào Cai, gần 2 năm nay, lớp học xóa mù chữ do các thầy giáo quân hàm xanh Đồn biên phòng Bát Xát đứng lớp đều đặn sáng đèn vào các buổi tối tại thôn San Bàng, xã Bản Vược. Học viên tham gia lớp học phần đông là phụ nữ chưa biết chữ. Không ít học viên bắt đầu đánh vần, viết nét chữ đầu đời khi đã bước qua tuổi ngũ tuần, lên chức ông, bà.

Vượt qua chính mình

42 tuổi, chị Phàn Thị Hằng, dân tộc Dao là một trong những học viên trẻ tuổi nhất lớp. Mỗi đêm đến lớp học, chị đều địu thêm đứa con nhỏ. Khi chúng tôi đến thăm, chị Phàn Thị Hằng đang ngồi nắn nót viết nhật ký trên cuốn vở ô ly. Không giấu niềm vui mừng, chị Hằng lôi cuốn vở hồi mới tham gia lớp học, chữ viết còn nghuệch ngoạch, sai lỗi chính tả ra kể lại hành trình đi kiếm con chữ của mình.

Chị bị cận thị, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên từ nhỏ chị không được học chữ. Vì không biết chữ nên chị không dám đi đâu xa vì sợ lạc đường, giấy tờ gì quan trọng chỉ có cách điểm chỉ. “Thời gian đầu tham gia lớp học, tôi từng muốn bỏ cuộc vì khó quá, thấy việc cầm bút khó hơn cầm cái cuốc, cái cày.  Được thầy giáo Khanh đến nhà động viên, khuyên nhủ, tôi mới quyết tâm đi học. Thầy tận tình dạy bảo, uốn nắn từng nét bút”, chị Hằng kể. Chị Hằng khoe, giờ đã hoàn thành giai đoạn 2 sau biết chữ (tương đương với học sinh lớp 5) thông thạo đọc viết, tính toán như nhiều học viên khác. Chị còn tự tin kèm cặp, dạy cho con học lớp 1.

Là học viên lớp xóa mù chữ cùng với chị Phàn Thị Hằng, chị Lý Thị Hiền từng thấu hiểu cảnh khó khăn khi thiếu cái chữ. Chị kể, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lấy chồng sớm, chị không được đi học. Không biết chữ, chị không tự tin giao tiếp với người lạ, chỉ quẩn quanh nương rẫy. Từ khi tham gia lớp học xóa mù chữ của thầy Khanh, chị háo hức lắm. “Biết viết, biết đọc rồi, mình tự viết được tên mình, đọc tờ rơi trong các buổi tuyên truyền, tính toán những phép tính đơn giản để đi chợ; đọc cả hướng dẫn cách vệ sinh nhà cửa, phòng tránh bệnh tật như sốt xuất huyết”, chị Hiền cho biết.

Đổi thay cuộc sống

Thiếu tá Phạm Công Khanh (SN 1975) công tác tại đội Vận động quần chúng thuộc Đồn biên phòng Bát Xát. Hơn hai chục năm gắn bó với quân ngũ, anh Khanh đã công tác tại nhiều đồn biên phòng từ Bắc tới Nam. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương lãnh thổ, bình yên cuộc sống đồng bào biên giới, anh nhiều lần đảm nhận nhiệm vụ đứng lớp xóa mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Kể về lớp học tại Bản Vược, anh Khanh chia sẻ: “Đây là môt trong 3 xã Đồn biên phòng Bát Xát phụ trách. Sau lần rà soát nhân khẩu tại thôn San Bàng, anh Khanh và đồng đội nhận ra muốn giúp đồng bào phát triển kinh tế, nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải dạy họ biết chữ. Tháng 10/2015, lớp học dạy chữ được mở. Đều đặn các buổi tối, anh Khanh cùng các đồng đội vượt chặng đường đèo dốc hơn 13km lên lớp. Những ngày đầu, giờ học cố định từ 19h30 đến 22h30, nhưng không ít ngày phải linh động giờ vì các học viên bận việc gia đình.

Để thuyết phục các chị gắn bó học chữ, anh Khanh thường xuyên đến từng nhà vận động; đưa ra những ví dụ gần gũi với cuộc sống thường ngày để mọi người hiểu ích lợi khi biết đọc, biết viết. Anh vẽ những con đường và giải thích nếu biết chữ chỉ cần nhìn biển tên chứ không vất vả tìm người hỏi thăm; muốn liên lạc với người thân, biết chữ thì dễ dàng cầm điện thoại để gọi, nhắn tin hỏi thăm, nói chuyện.

“Để các học viên nhớ nhanh và lâu các mặt chữ, kiến thức, chúng tôi thường dẫn giải bằng cách lấy các ví dụ trực quan sinh động gắn với cuộc sống sinh hoạt, lao động. Cùng với kiến thức văn hóa, chúng tôi còn lồng ghép sinh động các thông tin tuyên truyền về pháp luật, xây dựng nếp sống lành mạnh”, thầy giáo quân hàm xanh Phạm Công Khanh chia sẻ.

Với những thầy giáo quân hàm xanh như Phạm Công Khanh, niềm vui lớn nhất chính là những thay đổi tích cực của các học viên. Sau khi biết chữ, các chị em mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động của địa phương, cộng đồng; đổi thay nhận thức.

Trung tá Đặng Văn Dũng, Chính trị viên Đồn biên phòng Bát xát cho biết: Thiếu tá Phạm Công Khanh trong thời gian công tác luôn làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, đặc biệt vai trò cán bộ vận động quần chúng. Chúng tôi tin tưởng giao thượng tá Khanh tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy lớp xóa mù chữ và tái mù chữ tại thôn San Bàng, xã Bản Vược. Năm 2017, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường, xóa mù chữ ở vùng biên giới, hải đảo. Thiếu tá Phạm Công Khanh là một trong số những thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình.

“Tôi hiểu họ là những người chưa từng làm quen với sách vở nên mọi chữ cái đều được hình tượng hóa cho dễ học. Ví dụ như, bài học đầu tiên là chữ O thì tôi mang theo quả trứng để học viên dễ nhớ, khi thấy con chữ không khó học, ai nấy đều thích thú và đến lớp đầy đủ để mong chờ xem bài học hôm nay là gì?”.

Thiếu tá Phạm Công Khanh

MỚI - NÓNG