Miếng nỉ trên tay, cậu sinh viên làm bóng đôi giày với tất cả lòng tự trọng. |
Mặc cho dòng người qua lại, cậu thanh niên vẫn căm cụi đánh giày. Cậu ngồi trên thùng nhựa nhỏ, một tay cho vào bên trong chiếc giày, một tay cầm bàn chài phớt sơ lớp bụi.
Một ít xi được bôi lên. Xong chiếc này đến chiếc khác. Khi cả hai chiếc thấm lớp xi, cậu kẹp chiếc giày vào đùi dùng một miếng nỉ chà lên. Miếng nỉ đi đến đâu, giày bóng loáng đến đó. . .
Cậu còn rất trẻ mặt mũi khôi ngô sáng sủa. Chiếc quần xanh và áo sơ mi trắng gọn gàng phẳng phiu.
Đặc biệt, đôi mắt sáng long lanh, cậu làm việc chăm chú, cẩn thận và tỉ mỉ. Buổi sáng chủ nhật bên cạnh siêu thị Coop Mart Thủ Đức người đông nhưng anh cũng mặc. Vẫn căm cụi trong công việc . . .
Đôi giày đã đánh xong bóng loáng như mới. Cầm đến trao cho khách, nhận tiền công, cậu cúi người cám ơn rồi thu lại đôi dép cho vào thùng.
Hàng ghế nhựa sắp dọc theo bức tường của quán cà phê vỉa hè cạnh siêu thị vẫn còn trống. Cái thú uống cà phê vào buổi sáng sớm với tờ báo trên tay dường như là thói quen của những người Saigon. Hớp một ngụm cà phê nóng, đặt tờ báo lên đùi, nhìn lãng đãng ra đường . . .
Tôi và anh Hòa, người bạn thâm giao ngồi vào chiếc bàn kê sát tường. Không cần gọi, dường như chủ quán đã quá quen thuộc với chúng tôi. Hai ly cà phê sữa nghi ngút khói . . .
Khách đông dần. Mỗi người vào quán mang một tâm trạng khác nhau. Người uống vội rồi ra đi. Người nhâm nhi chậm rãi. Chúng tôi ngồi bên nhau yên lặng một hồi. Bổng anh Hòa nói với tôi về một câu chuyện cũ. Giong anh chùng xuống khi nhắc đến những đau buồn.
Thôi anh ạ, tôi nói với anh ấy, mình hãy nhìn về phía trước. Chuyện gì đã qua, cho qua luôn đi.
Anh trầm ngâm. Một thanh niên tiến lại gần bên anh: “Chú cho con đánh giày nha chú”. Thì ra cậu thanh niên lúc nãy. Anh Hòa tháo đôi giày nhận đôi dép từ anh thanh niên. Tôi ngăn lại: “Ngồi xuống uống ly cà phê xong rồi đánh cũng được”.
Ly cà phê đá được mang ra. Khuấy nhẹ. Cháu đi đánh giày lâu chưa? Lễ phép, anh thanh niên thỏ thẻ, dạ chỉ mới vài tháng nay thôi chú ạ.
Câu chuyện của chúng tôi với thanh niên đánh giày cởi mở dần. Thì ra, cậu ấy là sinh viên của trường đại học Bưu chính viễn thông. 22 tuổi, quê Quảng Ngãi. Nhà nghèo rời quê hương vào thành phố trọ học cậu không tìm ra được một công việc nào có thể có thêm thu nhập để trang trải những chi phí ăn học.
Một người quen gợi ý cho cậu em công việc này và đã cho thuê chiếc thùng nhựa đầy đủ đồ nghề với giá 10.000đ/ngày để kiếm sống.
Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, cậu ta vào các nhà hàng, quán lớn để tìm khách nhưng không một nơi nào cho vào. . .
“Chỉ có những quán vỉa hè như thế này con mới kiếm sống được chú ạ. Không biết có phải người nghèo mới thương người nghèo không nhưng con thấy dường như là thế. . .
Giọng cậu sinh viên chùng xuống khi liếc nhìn thấy những hình ảnh bão lũ trên tờ báo chúng tôi cầm trên tay. "Mùa này quê con thiệt hại nhiều quá. Nhà con nằm trong rốn lũ nên cả nhà tan hoang. Trước đây con đánh giày kiếm thêm tiền học giờ đây phải làm nhiều hơn để có dư đồng nào gởi về phụ giúp gia đình".
Có một chút gì cay cay trên khóe mắt. Đời một sinh viên vất vả đến thế sao ?
Trong lúc hàng ngày nhiều sinh viên hồn nhiên, vô tư lự, vui chơi, rong ruổi khắp các nẻo đường thì ở một góc xa thành phố vẫn còn có một sinh viên xa quê lăn lộn mưu sinh bằng cái nghề đơn giản không cần chút chất xám nào.
Ly cà phê vơi hơn một nửa. "Chú cho phép con làm việc nhé" rồi cậu cầm đôi giày ra một góc xa ngồi say sưa với công việc, 15 phút sau lại mang vào. Bao nhiêu vậy cháu ? Dạ cho con 7.000.
Anh Hòa cầm tờ 10.000 đưa và nói cháu khỏi thối. Thế nhưng thật bất ngờ, 3.000 lẻ được cậu ấy móc ra trả lại. Con chỉ lấy đúng giá.
Cầm ly cà phê uống dở, cậu sinh viên đánh giày uống cạn rồi đi về hướng chủ quán. Cậu lấy ra 10.000 trả tiền ly cà phê vừa uống. Tôi và anh Hòa bất ngờ quá ngăn lại. Chú đãi cháu mà. "Dạ không thưa chú, con uống thì con trả. Chú cho con đánh giày để có thu nhập là con cám ơn nhiều lắm rồi . . ."
Chúng tôi ngớ ra. Dường như cả tôi và anh bạn lần đầu tiên mới gặp trường hợp này. Một người trẻ rất khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn giữ được lòng tự trọng. Giá như, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung ai cũng như anh sinh viên này chắc chắn xã hội sẽ còn đẹp hơn rất nhiều . . .
Theo Một thế giới