'Lolita' - trái cấm không già

'Lolita' - trái cấm không già
TP - Lolita của nhà văn gốc Nga Vladimir Nabokov nay đã 57 tuổi, 57 năm gây bão tố trên văn đàn. Tất nhiên là Lolita tiểu thuyết, còn Lolita “tiểu nữ thần” thì vẫn mãi 12.

>'Lolita' và trường hợp Vladimir Nabocov
>Lolita tiếng Việt có gây cuồng phong?

Sau bài giới thiệu in Tiền Phong tuần trước, độc giả tỏ ra quan tâm về tác phẩm này. Bài sau đây thông tin thêm về các khía cạnh liên quan, cùng cảm nhận của một số độc giả trẻ.

Tranh cãi không ngừng

Một bộ phận phê bình đã coi Lolita “tiểu thuyết khiêu dâm” không chỉ trong các bài viết lẻ tẻ mà còn trong những cuốn sách chính thống. Chẳng hạn, trong tuyển tập Sự thật qua dữ liệu: Đồng hành cùng truyện ngắn Mỹ năm 2008.

Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô gọi Lolita là “một thử nghiệm kết hợp tiểu thuyết khiêu dâm với tiểu thuyết đạo đức”. Hồ sơ mật: Văn chương khiêu dâm hiện đại - cuốn sách về lịch sử văn học khiêu dâm của Michael Perkins, không quên liệt kê Lolita.

Ulysses kinh điển của James Joyce hay Người tình của phu nhân Chatterley của D. H. Lawrence cũng từng bị cho là “tiểu thuyết với mô típ khiêu dâm” hoặc “tác phẩm kinh điển của văn học và nghệ thuật khiêu dâm, có nhiều yếu tố dâm dục”.

Mặc dù vậy, việc xếp Lolita vào dòng văn học này đã gây tranh cãi. Malcolm Bradbury viết: “Ban đầu nổi tiếng bởi cái danh tiểu thuyết khiêu dâm, nhưng Lolita sớm đạt được thành công như một tác phẩm văn học”. Samuel Schuman cho rằng Nabokov là “nhà văn siêu thực, có thể sánh với Gogol, Dostoevsky và Kafka. Lolita ghi dấu ấn với sự trớ trêu và mỉa mai”, và khẳng định “Đây không phải là tiểu thuyết khiêu dâm”.

Kể từ năm 1958 đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Lolita bán được 50 triệu cuốn. Không tác phẩm khiêu dâm thuần túy nào có sức sống lâu đến thế và khiến người ta tranh luận nhiều đến thế.

Lolita - danh từ hay tính từ

Trong lời bạt cho một bản sách ra năm 1956, Nabokov có nhắc đến việc cuốn sách bị lên án. Ông cho biết, bản thân bị thu hút bởi những gì cấm kỵ. Bất chấp những giả định người ta đặt ra, ông tuyên bố cuốn sách không đưa ra bất cứ thông điệp đạo đức nào cả, chỉ muốn độc giả thưởng thức câu chuyện.

Văn hóa đại chúng từng dành ưu ái cho những cô gái trẻ (thậm chí nhiều khi là cô bé) xinh đẹp gợi cảm. Britney Spears, Miley Cyrus trở thành ngôi sao với hình tượng sexy từ thuở thiếu thời. Khuyến khích một đứa trẻ mới lớn thể hiện sự quyến rũ là giúp đỡ hay phá hỏng chúng?

Các nhà đạo đức vẫn lên án và công chúng cũng thế, nhưng sự thật là một bộ phận công chúng nào đó khác vẫn đón nhận, vì thế sự khêu gợi này vẫn tồn tại (điều này xảy ra cả ở Việt Nam, hiện tại).

Năm 2008, tác giả M. Gigi Durham có cuốn Hiệu ứng Lolita bàn trực diện về vấn đề này, cho rằng từ “Lolita” hiện nay được dùng để đại diện cho thói đam mê tình dục quá độ và để chỉ những thanh thiếu niên có lối sống phóng túng.

Mở đầu sách, người đàn ông trung niên Humbert Humbert bị bắt vì tội giết người và đang sống những ngày sám hối của cuộc đời. Humbert kể lại câu chuyện của mình, về việc ông có tình ý với Lolita và kết hôn với mẹ cô chỉ để được ở gần cô.

Lolita cũng bị Humbert cuốn hút và còn tìm mọi cách để kích thích bố dượng. Sau cái chết của vợ, Humbert cùng “cô con gái” lên đường phiêu lưu khắp nước Mỹ, tìm cách thoát khỏi quá khứ và tiến đến một tương lai dường như không tồn tại. Lối kể chuyện của Nabokov hài hước, chân thực, tàn bạo và gây sốc. Mô tả nhục dục? Rất nhiều.

Có thể vào tay một nhà văn với ngòi bút yếu hơn, Humbert sẽ chẳng là gì khác ngoài một con quỷ dâm dục, Lolita- hoặc nạn nhân đáng thương hoặc hoàn toàn đĩ thõa rẻ tiền. Nhưng đây là Nabokov. Và nếu như chúng ta, độc giả, thường tìm đến văn học với sự tò mò mong tìm thấy những con người khác lạ, những tâm hồn khác, thì Nabokov là người có thể cho họ điều đó. Một cách rụt rè. Phức tạp. Và cũng đẹp đẽ. Ông mang đến điều đó qua Lolita.

“Sách khiêu dâm trí thức” với độc giả Việt Nam

Cây bút Orville Prescott viết trên New York Times, cho rằng cuốn sách là “gớm ghiếc” với sự đồi trụy được tinh lọc, tạo nên một tác phẩm có thể coi như “sách khiêu dâm trí thức”. Prescott phê phán: “Một trong những điều nực cười là đứa trẻ, Lolita, cũng hư hỏng không kém gì ông bố dượng Humbert”.

Một số bình luận trên báo lớn khác:

“Hầu hết độc giả sẽ chán ngấy và đồng thời cảm thấy buồn nôn” (Tạp chí Providence Journal). “Cuốn sách này là “nước thải được chưng cất” (The New York World Telegraph). “Tất cả chúng ta đều biết rằng đây là tiểu thuyết gối đầu giường của bọn đàn bà ra vẻ đoan trang. Cuốn sách đã phải đấu tranh để sống sót ngay từ những ngày đầu ra mắt”. (James Kincaid viết trong bài Lolita ở tuổi trung niên trên báo The Chronicle Review năm 2008, khi cuốn tiểu thuyết tròn 50 tuổi).

Mua một cuốn tại buổi ra mắt Lolita và xin chữ ký của dịch giả Dương Tường, sinh viên Trần Thị Long, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trước đây tôi đã tìm đọc bản gốc và thú thực là không hiểu mấy vì thứ tiếng Anh nhiều tầng nghĩa của tác giả. Với bản dịch tôi không kỳ vọng lắm, không biết nó có giúp tôi hiểu hơn về tác phẩm của Nabokov hay không”.

Còn Lê Quỳnh, một biên tập viên truyền hình, phát biểu: “Đọc qua chủ đề và nội dung Lolita trên báo, tôi không hiểu vì sao đây lại là tác phẩm lớn. Nhưng đọc xong gần nửa cuốn, tôi đã tìm ra lý do. Đó là ngôn ngữ của Nabokov. Có vẻ như tác giả không bao giờ muốn lặp lại những nhà văn trước ông và cả chính ông. Tôi bất ngờ và thấy thú vị với cách nhân vật chính giễu nhại chính mình”.

Gây sốc hơn cả, theo như nhà văn Bret Anthony Johnston viết trên trang National Public Radio, là với chủ đề như vậy, Vladimir Nabokov lại tìm kiếm ở độc giả sự đồng cảm. Sự đồng cảm mà nhiều người nghe qua đã cảm thấy ngạc nhiên, chính vì thế càng tò mò với tác phẩm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn trên đỉnh cao lịch sử
Giá vàng nhẫn trên đỉnh cao lịch sử
TPO - Sáng nay (16/9), giá vàng nhẫn tròn vẫn ở đỉnh lịch sử 79,1 triệu đồng/lượng còn vàng miếng SJC đứng im tại mốc 80,5 triệu đồng/lượng. Chuyên gia dự báo giá vàng vẫn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và phá vỡ các kỷ lục mới lập.