> Hàng triệu người lo lắng vì chưa 'sang tên' phương tiện
Chủ phương tiện thừa nhận mới phạt
Không ít diễn đàn ô tô-xe máy trên mạng xôn xao vì mức phạt (1 triệu đối với mô tô; 6-10 triệu đồng với ô tô) trong Nghị định 71, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 34) về lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Thực tế việc xử phạt trên ở các địa phương từ trước đến nay thế nào? Thiếu tá Nguyễn Khánh Trường (Đội trưởng Tuần tra Kiểm soát thuộc Phòng CSGT Hà Nam) nói: “Từ nhiều năm nay, với mức phạt thấp hơn hiện hành, chúng tôi đã xử lý lỗi này, nhưng rất khó. Để xác minh được lỗi mất quá nhiều thời gian điều tra nguồn gốc chính chủ. Do đó, chúng tôi chỉ xử phạt được ngay khi người điều khiển phương tiện tự thừa nhận chưa sang tên”.
Theo thiếu tá Trường, trong vô vàn những lỗi vi phạm an toàn giao thông đường bộ cần ưu tiên xử phạt, không đến mức phải đầu tư nhiều thời gian để xác minh lỗi chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Trung tá Phạm Văn Lưu (Trạm trưởng Tuần tra Kiểm soát thuộc Phòng CSGT Hải Dương) cho biết, lỗi chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện nhiều nhưng muốn xử phạt không dễ.
“Thực tế, người ta có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết và nói đang mượn xe thì CSGT khó làm gì được. Muốn điều tra, xác minh không thể làm ngay. Chỉ khi nào người ta thú nhận mới xử phạt được”, trung tá Lưu nói.
Trao đổi về những kinh nghiệm xử phạt trên với ông Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội (đơn vị tuyên bố xử phạt từ ngày 10-11), được biết: “Chủ trương của chúng tôi, ban đầu chỉ hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở sau đó mới tiến tới xử phạt”.
Ông Thắng cũng nói có căn cứ để xử phạt, ví dụ khi chủ phương tiện đến cơ quan chức năng sang tên đổi chủ nếu bị phát hiện quá hạn (để sang tên theo quy định); chưa kể trong quá trình hỏi người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường cũng có thể xác định được lỗi.
Nên giảm phí sang tên, đổi chủ
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN Nguyễn Mạnh Hùng khi được hỏi về việc vì sao cơ quan chức năng khó xử lý lỗi trên, đã nói: “Chưa có quy định nào buộc xe ai, người đó lái.
Hơn nữa, Luật Dân sự cho phép người ta ủy quyền sở hữu. Tức là người dân có thể công chứng ủy quyền sở hữu phương tiện. Nên việc xử lý lỗi này khó khả thi, làm khó dân.
Thay vì giải quyết vấn đề ngọn là xử phạt, sao không làm phần gốc là giảm lệ phí trước bạ (hiện mức phí này từ 10-15%, tuỳ địa phương) cho người dân khi sang tên, đổi chủ. Nên nhớ, ai mua ô tô, xe máy mà chả muốn mình là chính chủ”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: “Điều khiển phương tiện không sang tên là vi phạm quy định của pháp luật và phải xử phạt. Cần thiết phải chuyển quyền sở hữu về chính chủ để sau này cơ quan chức năng có cơ sở để phạt nguội (bằng máy quay phim, chụp ảnh... - PV) phương tiện vi phạm. Bởi về lâu dài không thể cứ rải lực lượng ra để bắt lỗi trực tiếp mãi được, mà phải xử lý bằng hình ảnh”.
Theo ông Hiệp, hiện lực lượng chức năng đang buông lỏng, gần như không xử phạt lỗi không sang tên, đổi chủ. Một số liệu thống kê xã hội học, ước tính có 45% phương tiện chưa sang sang tên đổi chủ. Có những phương tiện trải qua 5-7 đời chủ vẫn lưu thông, dẫn tới khó xử lý vi phạm khi triển khai phạt nguội.
“Ở Hà Nội, 1 chiếc xe ô tô con trị giá 500 triệu đồng hiện phải mất khoảng 60 triệu đồng để sang tên sở hữu. Vì thế, người dân lách luật, không chịu sang tên. Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Tài chính nên tính toán lại mức lệ phí hợp lý khi chuyển quyền sở hữu xe. Bởi cứ để mức phí sang tên cao như hiện nay, thì người dân cũng né nên không thu được thuế. Thà thu mức phí thấp, để người dân chấp hành, giúp việc quản lý phương tiện và xử phạt nguội tốt hơn”, ông Hiệp nói.
Theo Nghị định 71, người lái ô tô trong tình trạng uống rượu, bia bị phạt cao nhất tới 15 triệu đồng (trước đây là 6 triệu đồng); lỗi chạy xe quá tốc độ 5 km - 10 km/h tăng gấp đôi, lên 600 nghìn - 800 nghìn đồng, chủ phương tiện bị tước bằng lái xe từ 30 đến 60 ngày. Phạt đến 25.000.000 đồng với hành vi lái xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau gây tai nạn (hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, chống người người thi hành công vụ)... |