Lối thoát cám dỗ

Lối thoát cám dỗ
TP - Dù phải đi bộ hàng chục cây số, ở những căn chòi tồi tàn, tạm bợ, ăn cơm với rau chấm muối trắng, nhưng với các em đi học không chỉ là học chữ, mà còn là niềm vui, để xa lánh những cám dỗ và bóng đen ma túy.

> Đốt đời trong ma túy
> Vào thủ phủ ma túy vùng biên

Ở chòi, ăn cơm rau chấm muối trắng

Con đường men sườn núi chạy dọc sông Mã, bên núi cao, phía vực sâu hàng trăm mét dựng đứng là dòng sông Mã nước ngầu đỏ chảy về xuôi. Sông đang mùa cạn, nhìn dòng nước lúc này khó tin mùa mưa sông sâu cả chục mét. Đó là con đường độc đạo vào xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), cách trung tâm huyện hơn 40km.

Con đường như muốn thử lòng khách phương xa từ 2 năm nay được xới lên thi công. Suốt chặng đường đất đá ngổn ngang, những tốp thợ ngày đêm khoan đá, xẻ đồi. Để vào trung tâm xã, chỉ có phương tiện duy nhất là xe máy. Nếu trời mưa đường lầy lội xã bị cô lập hoàn toàn.

Xuất phát từ lúc còn mờ sương, mặt trời chưa ló sau núi, tới trung tâm xã mặt trời đã đứng bóng. Đây là xã ba không, không điện lưới, không sóng điện thoại, không chợ. Cả xã có 16 bản, bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 30km, dân số chủ yếu là đồng bào Mông.

Ngay trung tâm xã, trường THCS Mường Lý nằm chênh vênh bên sườn núi ở bản Nàng I. Cạnh 4 dãy nhà xây kiên cố làm lớp học, ký túc xá học sinh và giáo viên là những căn chòi tạm bợ, xơ xác làm nơi ở của gần nửa số học sinh đang học tại trường.

“Nhà xa, nhiều em phải đi bộ 20-30km mới tới trường. Để lấy nơi ăn ở và tiện cho việc học tập của con em mình, đầu năm học bố mẹ các em mang vật liệu ra dựng chòi quanh trường, hết năm lại dỡ về làm củi, hoặc châm lửa đốt”, thầy Nguyễn Văn Hà, Phó Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý nói rồi dẫn tôi đi xem những căn chòi tạm quanh trường, bên những sườn dốc. Trường có dãy phòng nội trú nhưng chỉ đủ cho 160 em, 148 em còn lại phải sống và học tập trong hơn 40 căn chòi tạm bợ ấy.

Khu chòi tạm bợ nằm lưng chừng núi của các em học sinh trường THCS Mường Lý. Ảnh: L.H.V
Khu chòi tạm bợ nằm lưng chừng núi của các em học sinh trường THCS Mường Lý. Ảnh: L.H.V.

Mỗi chòi rộng chừng 5m2, cao chưa tới 2m, nửa tựa vào núi, nửa chênh vênh giữa khoảng không. Chòi làm bằng luồng, nứa, lợp mái lá hoặc che bạt, thủng lỗ chỗ, thông thống gió lùa lạnh buốt. Chúng tôi tới khi chị em Ma Thị Dua (lớp 7B) đang ăn cơm trưa. Bữa ăn của 6 chị em ở chung như tất cả các em khác, chỉ cơm với rau cải nấu canh, bát muối trắng để cạnh. “Ăn thế này quen rồi.

 “Dù khó em sẽ vẫn cố học để không như bố mẹ và chăm em lớn thành người” 

Mua Thị D., lớp 9B, trường THCS Mường Lý

Tối ngủ gió cũng lạnh lắm, nhưng cũng quen rồi”. Dua nói, em không còn nhớ lần cuối được ăn cá là khi nào. 6 chị em ngủ chung chỉ manh chiếu và chiếc chăn mỏng xỉn màu. Nhà của Dua cách trường hơn 15km, hằng tuần bố mẹ lại đem gạo với rau ra chòi để các em ăn cả tuần. 2-3 tuần em mới về thăm nhà một lần. Dua là chị cả, sau em còn 3 em nhỏ.

Thầy Hà quay sang bảo tôi, nhìn các em bé tý vậy nhưng rất tự lập, với học sinh thành phố học cấp I, II hầu như chưa biết làm gì, nhưng với các em người Mông tuổi đấy đã biết làm tất cả mọi việc.

“Mỗi lán 4-5 anh em ruột hoặc họ hàng sống chung, chúng tự chăm sóc lẫn nhau. Anh chị lớn thì nấu cơm, lấy củi, em nhỏ thì xách nước, nhặt rau. Hết gạo các em lại đi bộ về nhà cõng 4-5 cân với rau ra ăn cả tuần. Tới mùa thu hoạch, hoặc nghỉ hè các em lại cùng bố mẹ đi nương rẫy, lên rừng chặt nứa, kiếm củi bán lấy tiền phụ giúp gia đình”, thầy Hà nói.

Cũng ở chòi, nhưng có phần khang trang hơn là khu chòi của các em học sinh trường THCS xã Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Hơn 20 chòi gọi là khang trang ấy vì có một số được lợp bằng tấm lợp xi măng, tối có điện để học bài.

“Ở đây cứ mưa là dột, khi mưa lớn nước trên núi chảy xuống tràn cả vào nhà”, em Vàng Thị Vế (lớp 8B) nói khi vẫn thoăn thoắt nhặt rau, vo gạo nấu cơm. Phía trong chòi em gái Vế (học lớp 7) đang loay hoay nhóm bếp. Nhà em cách trường 20km.

Thầy Lê Thế Lập, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Lý cho biết, cả trường có 340 học sinh, trong đó hơn 100 em phải ra ngoài tự túc chỗ ở. Do khu nội trú ít chỗ, trường ưu tiên học sinh nhà xa từ 7km trở lên, đầu cấp (lớp 6, 7), ưu tiên các em gái. Ở chòi phần lớn là học sinh lớp 8, 9. “Dù ở nội trú nhưng các em vẫn phải tự lo bữa ăn hằng ngày, quanh năm chỉ ăn cơm với rau. Nhà khá giả mới được 1-2 bữa cá khô mỗi tháng”, thầy Lập nói.

Theo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, trên địa bàn hiện có 3 trường THCS các em học sinh phải dựng chòi trọ học, nấu ăn, ngoài trường Mường Lý và Trung Lý còn có trường Tam Trung (bản Lát, xã Tam Trung). Các khu chòi đều xa nguồn nước, lại tạm bợ nên tắm giặt các em phải ra suối. Còn nước ăn các em phải xách từng can 5 lít từ bể của ký túc xá về chòi.

Đi học để xa lánh ma túy

Bữa cơm của các học sinh người Mông chỉ có cơm, rau cải nấu canh chấm muối
Bữa cơm của các học sinh người Mông chỉ có cơm, rau cải nấu canh chấm muối.
 

Không chỉ khó khăn về cái ăn, nơi ở, các em học sinh nơi đây đi học xa nhà còn đối diện với không ít hiểm nguy, như bị xâm hại trên đường đi học. “Tối các em ngủ say, không ít lần con nghiện lẻn vào chòi lấy trộm xoong nồi, gạo. Mới hôm qua các em nuôi được con gà hơn một cân cũng bị kẻ trộm bắt mất”, thầy Nguyễn Văn Hà cho biết.

Hay mới hôm 27/11, em M.T.T. (12 tuổi, ở xã Tén Tằn) trên đường từ trường về thăm nhà bị L.V.Q. (31 tuổi, cùng xã) cho đi nhờ xe rồi có ý định cưỡng hiếp em trên đường. Rất may người dân phát hiện và giải cứu, nên Q. chưa kịp thực hiện hành vi đồi bại.

Mường Lát là điểm nóng về ma túy, không ít em có người nhà nghiện nặng. Hiện chưa có thống kê nào về số học sinh có bố mẹ nghiện ma túy đang theo học tại các trường, nhưng lãnh đạo huyện đều khẳng định: “Con số chắc chắn không ít”.

Nhẩm tính, thầy Hà cũng chỉ nắm được trong trường mình có 5-6 em gia đình có người nghiện, như trường hợp của em Mua Thị D. (lớp 9B), bố D. vừa bị bắt về tội buôn bán ma túy, mẹ cũng đang nghiện. Hay trường hợp của em Hà Văn Q. (lớp 9A), Vàng A L. (lớp 6B) có bố nghiện…

Theo chỉ dẫn của thầy Hà, chúng tôi gặp em Mua Thị D. khi em đang làm thêm ở cửa hàng tạp hóa đối diện trường. Em nói, nhà bố mẹ nghiện nên rất nghèo. Để nuôi em ăn học, D. phải đi bán hàng thuê kiếm thêm.

“Dù khó em sẽ vẫn cố học để không như bố mẹ và chăm em lớn thành người”, D. nói, tay vẫn thoăn thoắt xếp lại vài gói bánh, ít chiếc dép trên sạp. Em bán hàng ở đây đã được hơn năm nay. Nhận xét về học sinh Mua Thị D., thầy Phạm Văn Hiệp, chủ nhiệm lớp cho hay, tuy gia cảnh éo le nhưng D. rất ngoan. “Em nghe lời thầy cô, dù phải chăm em, chăm mẹ, nhưng em không bao giờ bỏ học không lý do”, thầy Hiệp nói.

Tuổi các em còn ham chơi, đua đòi, ở nhà bố mẹ lại ít quan tâm, nên nếu không được đến trường rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ vào con đường nghiện ngập, chích, hút. Nên cứ đầu năm học thầy cô nơi đây lại trèo đèo, lội suối tới từng nhà có con tới tuổi đi học để vận động gia đình cho các em tới trường. Không ít em nhà có bố hoặc mẹ nghiện, thầy cô vận động đi học được vài hôm lại bỏ, nên có khi phải tới nhà vận động cả chục lần các em mới đi học lại.

“Bản em thanh niên nghiện cũng nhiều, được đi học ở lại trường nên em cũng không chơi với các anh chị ấy. Được đi học rất vui, dù khó khăn em vẫn phải đi học để biết cái chữ, biết cái tốt để học, các xấu để tránh”, em Cứ A Vẳng (lớp 8, trường THCS Trung Lý) nói.

Chuyến xe rời huyện Mường Lát về thành phố trên con đường đang thi công, như một thói quen, các em nhỏ bên đường thấy xe về xuôi, vẫy tay chào. Với những con đường, cây cầu sẽ hoàn thành trong nay mai, mong lắm một cuộc sống mới, một tương lai không ma túy sẽ tới với vùng đất nơi đoàn quân Tây tiến xưa từng ghi dấu ấn.

Hiện các em đi học đều có chính sách nhà nước hỗ trợ. Mỗi em được 15kg gạo mỗi tháng. Những em nhà đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm vài trăm nghìn/tháng. “Tiền hỗ trợ mỗi năm phát hai lần nên cầm tiền trong tay bố mẹ các em lại tiêu hết, không đến được các em, nên trường đang lên kế hoạch từ năm học tới sẽ tổ chức nấu ăn cho tất cả các em ở bán trú, giúp các em cải thiện bữa ăn hằng ngày”, thầy Lê Thế Lập dự tính. Còn với trường THCS Mường Lý, hồi tháng 6 vừa qua, với sự giúp đỡ của huyện và các nhà hảo tâm đã khởi công xây dựng thêm khu ký túc xá và nhà ăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.