Lời ru buồn vời vợi đại ngàn, chuyện dài chưa hồi kết

Một gia đình người Mông
Một gia đình người Mông
TP - Phong tục, tập quán về hôn nhân ăn sâu vào tiềm thức người đồng bào nơi đây qua nhiều thế hệ. Các cấp, ngành triển khai nhiều giải pháp, nhưng sau bản làng mờ sương sâu trong lõi rừng những cuộc hôn nhân của ông bố, bà mẹ trẻ con vẫn âm ỉ diễn ra.

Những đứa trẻ không được mang họ bố

Mặt trời khuất dần sau chân núi, những đứa trẻ dân tộc Mông say mê bắt ốc, cá dưới ao gần ruộng sau cơn mưa rừng vừa dứt. Em Chảo Mùi Seo (11 tuổi) giơ rổ ốc khoe: Từng này đủ cho cả nhà em 8 người ăn no. Tối nay được đổi món, lâu giờ chỉ toàn ăn rau thôi”.

Qua con dốc dựng đứng, ngôi nhà đơn sơ của gia đình chị Chảo Thị Thiên ém mình bên sườn núi. Tài sản giá trị là mấy chiếc nồi không còn nguyên vẹn. Trước hiên nhà 4 đứa con đang nô đùa. Thấy người lạ chúng chạy ùa vào nhà chỉ trỏ xì xầm to nhỏ bằng tiếng Mông với nhau. Chị Thiên (27 tuổi) cho biết: Đứa đầu  năm nay 11 tuổi, mỗi đứa cách nhau một tuổi. Hồi lấy nhau chưa đủ tuổi nên không có giấy kết hôn. Khi mình ra đăng ký khai sinh cho con họ bảo phải khai họ mẹ. Cán bộ tưởng mình không chồng mà chửa, chỉ tại không có giấy kết hôn nên mới phải vậy thôi. Họ bảo khi nào đủ tuổi làm giấy kết hôn rồi ra cải chính họ cho con. Nhưng ở đây bà con có ai đi cải chính đâu. Chồng mình sờ sờ ra đó có lẫn vào ai đâu mà sợ, chị Thiên hồn nhiên nói.

Trong ngôi nhà gỗ tạm bợ, 6 đứa con của vợ chồng Sính Mí Chá, ngồi xổm bưng bát cơm trắng lần lượt chan canh chỉ vài cọng rau và 1 bát cá khô kho mặn. Anh Chá cho biết: Nhỏ vậy nhưng chúng đã tự theo đi làm nương rẫy, chúng tự nuôi bản thân được rồi. Nhà đông con thì làm được nhiều. 3 đứa đầu đang đi học. Tôi hỏi: “Khai sinh cho con thế nào”. Anh bảo: Khai họ mẹ thôi, họ nào chả là họ. Vợ thì của mình, đẻ ra con mình rồi lo gì. Giờ vợ chồng tôi còn chưa có giấy đăng ký kết hôn. Cho con học nhiều làm gì? Học nhiều cũng không ra khỏi cái núi này. Chỉ có lúa ngô mới làm no cái bụng thôi.

Từ những cuộc hôn nhân sớm, những đứa trẻ lần lượt ra đời nhưng bố mẹ chúng chưa đăng ký kết hôn, chưa được pháp luật công nhận vợ chồng, nên chúng cũng không được thừa nhận có cha. Như một điều mặc nhiên chúng trở thành những đứa con ngoài giá thú, lớn lên thiếu thốn đủ bề.

Theo chị Nguyễn Thị Diễm Trâm, cán bộ tư pháp xã Quảng Hòa, thường khi tổ chức cưới, những cặp vợ chồng trẻ con không đến tư pháp xã đăng ký kết hôn mà tự sống với nhau, đến tuổi mới đến đăng ký. Có nhiều trường hợp chính quyền kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, khuyên bảo thậm chí lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng đâu lại vào đấy, bởi tư tưởng không cho ta cũng lấy đã ăn sâu vào suy nghĩ của những đứa trẻ và phần nào còn có sự đồng tình của cộng đồng, gia đình nơi con trẻ sinh sống. Nhiều trường hợp làm giấy khai sinh cho con chỉ khai họ mẹ vì không có giấy đăng ký kết hôn.

Chưa có hồi kết

Dưới mái nhà cũ kĩ, những đứa trẻ nheo nhóc sàn sàn tuổi nhau ngơ ngác. Trong cùng một gia đình, cô, chú, cậu, dì ngang tuổi nhau nô đùa lem nhem bùn đất. Chị Linh Thị Phen (xã Ea Rbin, huyện M’đrắk) tâm sự: Trước đây nhà bố mẹ em nghèo nên em phải bỏ học sớm lấy chồng cho đỡ khổ. Nhưng lấy chồng rồi mà vẫn cực. Sinh con chưa được 3 tháng phải ra đồng làm thuê cho người ta, không làm thì không có ăn, không có tiền chăm con. Quanh năm suốt tháng hai vợ chồng làm thuê kiếm sống nhưng chưa thể thoát được nghèo, có hôm tiền ăn không đủ lấy đâu tiền mua sữa cho con.

Chị Đào Thị Kang, cộng tác viên dân số buôn Plao Siêng cho biết: Xã Ea Rbin là xã đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Nhiều người không nói được tiếng phổ thông, nhận thức còn hạn chế. Người dân vẫn duy trì một số phong tục tập quán lạc hậu về cưới hỏi và sinh đẻ nên tình trạng tảo hôn và đông con vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Qua cánh rừng âm u, con đường đất đỏ gập ghềnh, đến thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Những nếp nhà ván bé tẹo. Mỗi ngôi nhà nằm trên một quả đồi. Phó thôn Sính Chứ Chơ bảo rằng: Mình không đưa các cô đến nhà đồng bào được đâu, các cô rời đi họ uống rượu họ lại chửi mình. Họ bảo họ sinh con họ tự nuôi. Phong tục rồi, chúng yêu nhau, bố mẹ không biết mà biết cũng không ngăn cản. Có đứa bị bố mẹ cấm yêu thì dọa uống thuốc tự tử. Chính quyền đi tuyên truyền về hôn nhân gia đình thì người già đi người trẻ không đi.

Theo quan niệm của nhiều tộc người ở đây, nam nữ đến tuổi 13,14 là được lập gia đình. Những nhà có con độ tuổi này thường đến các thầy mo, thầy cúng xem, chọn người hợp tuổi với con để hỏi cưới. Họ sợ lỡ cơ hội lấy được người hợp số con mình, sợ con bị ế. Đến 18 tuổi chưa lập gia đình bị coi là già và không ai ngó tới. Ngoài ra nhiều người còn có tư tưởng không lấy chồng sớm sẽ ế và lấy người về để thêm người làm nên nạn tảo hôn vẫn chưa chấm dứt.

Màn sương đêm bắt đầu bao phủ khắp bản làng. Khúc hát ru của người mẹ trẻ vọng ra xé tan màn đêm tĩnh mịch. Nhà của vợ chồng Vũ Thị Song (1992) nằm lọt  giữa những quả đồi. 3 đứa lớn đang say giấc ngủ, đứa nhỏ thỉnh thoảng giật mình khát sữa khóc ré lên. Song tâm sự: Em học hết lớp 3, 15 tuổi lấy chồng. Tuổi này không lấy người ta bảo ế. Trẻ con lớn lên một tý là lên nương rẫy phụ làm với bố mẹ. Hồi trẻ mình trắng đẹp, trai bản theo nhiều lắm, giờ sinh con, lao động vất vả nên nhanh già thôi...

Chúng tôi rời bản khi màn đêm buông xuống. Phía sau bậu cửa của những ngôi nhà cheo leo trên những triền đồi chúng tôi biết có những ánh mắt vời vợi đang nhìn vào màn đêm rừng thẳm. Rồi ngày mai, bình minh lại đến. Những đôi vợ chồng trẻ con lại lên rẫy vì kế sinh nhai. Bao giờ điệp khúc của lời ru buồn ấy chấm dứt? Câu hỏi đau đầu cho các cấp chính quyền, đoàn thể ở đây.

Theo báo cáo Ban dân tộc tỉnh Ðắk Nông, số trường hợp tảo hôn từ năm 2015 đến 2020 là 262 người. Hôn nhân cận huyết là 23 người. Trong đó các huyện Tuy Ðức, Ðắk Song, thành phố Gia Nghĩa chưa tổng hợp được số liệu. Về mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” đến nay được nhân rộng ở hầu hết các huyện. Trở ngại lớn nhất trong triển khai mô hình là vấn đề nhận thức nên chưa đạt được hiệu quả cao.

Lời ru buồn vời vợi đại ngàn, chuyện dài chưa hồi kết ảnh 1

Nhà đồng bào Mông (xã Quảng Hòa) nằm ém mình bên sườn núi

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.