Lợi ích quốc gia từ chuyện cá tra

Lợi ích quốc gia từ chuyện cá tra
TP - Tuần qua, dư luận cả nước quan tâm đến chuyện con cá tra với hoạt động của các quan chức nước ta và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) xoay quanh nó. Sự kiện đã khép lại thì càng nổi lên vấn đề bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia qua một sản phẩm chiến lược.

> Sau rút tên là đề nghị hợp tác

Ngày 15-12, đại diện WWF đến Việt Nam thảo luận với các quan chức nước ta và đồng ý đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ. Ngày 16 và 17-12, hai bên tiếp tục làm việc đi đến ký một bản ghi nhớ, trong đó có điều khoản đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu 50% diện tích nuôi cá tra được cấp chứng nhận ASC (một đối tác của WWF).

Sau ngày làm việc đầu tiên, khi WWF đồng ý rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ, một số quan chức nước ta tuyên bố “thắng lợi của cuộc đấu tranh”. Truyền thông cho biết, vài quan chức nước ta còn đòi WWF xin lỗi nhưng vị đại diện WWF làm lơ. Dù khá hào hứng và lớn tiếng, nhưng đến lúc đó có vẻ phía Việt Nam chưa rõ mục tiêu của WWF.

Hai ngày làm việc tiếp theo, mục tiêu của WWF lộ ra. Thông tin từ cuộc làm việc cho biết, ban đầu WWF đòi 100% cá tra Việt Nam phải có chứng nhận ASC, sau đó hạ xuống 50%. Theo nhiều chuyên gia ngành thủy sản, tỷ lệ 50% là quá cao bởi hai lẽ. ASC là một tổ chức phi chính phủ, trên thế giới có nhiều tổ chức tương tự đang cạnh tranh nhau.

Theo tuyên bố chính thức thì hiện ASC chưa hoàn thiện được quy trình chứng nhận nên chưa nói đến giá chứng nhận, song nguồn tin thân cận cho biết, giá không dưới 2.500 USD/ha. So với giá cấp chứng nhận Global GAP là 1.500 USD/ha thì giá của ASC quá cao và 50% của khoảng 6.000 ha nuôi cá tra là số tiền rất lớn. Với kết cục này thì tuyên bố “thắng lợi” giữa chừng trước đó, e rằng đã chứng tỏ sự xác định mục tiêu ban đầu chưa rõ ràng.

Trong đối thoại, để thành công phải tuân thủ nguyên tắc hài hòa lợi ích, phương châm là mềm mỏng tôn trọng lẫn nhau. Muốn thế, từ đầu phải xác định rõ mục tiêu, đồng thời phải hiểu được mục tiêu của đối tác. Đối thoại kinh tế nhằm bảo vệ sản phẩm chiến lược, trong đó chiến lược thị trường là quan trọng bậc nhất. Bảo vệ thị trường chiến lược là bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài, không phải vì uy tín của cá nhân hay tổ chức, càng không phải việc hơn thua lời nói.

Để bảo vệ hiệu quả sản phẩm chiến lược, theo nhiều chuyên gia kinh tế, phải có ban chỉ đạo chiến lược. Đây là cơ quan do các nhà kinh doanh và nhà khoa học làm nòng cốt chứ không phải quan chức hành chính.

Từ đó có chiến lược hành động được cụ thể hóa bằng mục tiêu, chính sách, lộ trình thực hiện và xử lý sự cố. Sản phẩm thủy sản chiến lược nước ta đã xác định: Tôm sú, cá tra, nhuyễn thể và đang bàn về cá rô phi đơn tính. Sản phẩm chiến lược của ta bị công kích trên thị trường nước ngoài là điều không khó hiểu, chỉ khó hiểu nếu phản ứng lúng túng, thiếu mục tiêu rõ ràng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG