Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên chúng ta bàn đến việc nên đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đâu. Tuy nhiên, cho đến nay việc này vẫn còn đang được bàn bạc, cân nhắc bởi việc xây dựng thêm 1 sân bay của Vùng Thủ đô không chỉ là lợi ích kinh tế riêng của Hà Nội mà phải vì lợi ích chung của Vùng Thủ đô.
Về quy hoạch Vùng Thủ đô hiện vẫn đang có hiệu lực và mới được điều chỉnh vào năm 2016. Trước khi điều chỉnh thì Vùng Thủ đô có 6 tỉnh, nay điều chỉnh lên thành 9 tỉnh. Sắp tới, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang đề xuất Chính phủ tiếp tục điều chỉnh lại các Vùng Thủ đô. Do đó, sân bay ở vị trí nào nhất thiết phải tạo động lực chung cho sự phát triển chung của đất nước, phù hợp với quy hoạch chung. Đây là yếu tố tiên quyết, lâu dài, cần tính đến đầu tiên ngay cả khi điều chỉnh quy hoạch vùng.
Yếu tố thứ 2 cần tính đến là các nguồn lực, địa chất, thủy văn. Bởi, khu vực Ứng Hòa là vùng trũng, cần xem xét yếu tố đặc trưng này. Trước đây có ý kiến đề xuất xây sân bay ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) nhưng đây cũng là vùng trũng, khó khả thi trong quy hoạch sân bay. Hay điển hình như xây dựng sân bay Long Thành, Quốc hội đã duyệt rồi nhưng phải có rất nhiều cơ chế đặc thù mới giải phóng mặt bằng được, từ đó mới xem xét đến nguồn lực. Do đó, không thể xem xét 1 địa điểm được mà phải phân tích điều kiện môi trường, kinh tế, nguồn lực để đưa ra quyết định.
Yếu tố cuối cùng cần lưu tâm tới các chính sách để đảm bảo chiến lược đồng bộ của quốc gia. Ví dụ như an ninh lương thực, tác động của biến đổi khí hậu… Việc này cần tới sự vào cuộc của tất cả các ngành chứ không phải chỉ riêng Quy hoạch-kiến trúc.
Ngoài 3 yếu tố đã nêu, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội còn đề nghị các cơ quan quản lý xem xét, lấy ý kiến của người dân. Bởi người dân là yếu tố rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc giải phóng mặt bằng, an sinh sau khi sân bay đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần thành lập hội đồng gồm các chuyên gia để góp ý về việc xây dựng một sân bay cho Vùng Thủ đô, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội.