> Kỳ một: Gian nan hồ sơ đáo Paris
Nghiên cứu các khối đá đã chế tác phát hiện dưới chân núi. Ảnh: Hoàng Lam. |
Thành Hồ có nhiều bí ẩn phải lý giải. Thứ nhất là thời gian xây thành chỉ vỏn vẹn ba tháng so sánh với khối lượng công việc khổng lồ.
Thứ hai phương pháp nào để thi công 4 vòm cổng khi mà vật liệu xây dựng thời ấy chưa có chất kết dính phổ biến thời nay là xi măng (Điều có người cho là bí ẩn đầu tiên của Thành Hồ). Thứ nữa là phương pháp chế tác, vận chuyển những khối đá lớn trong địa hình lầy thụt nền Thành Hồ khi ấy. Cuối cùng mới là nguồn đá lấy từ đâu?
Xin kính chuyển các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu hóa giải những bí ẩn trên. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin kê biên lại những điều lượm lặt được về nguồn đá Thành Hồ.
Loay hoay những dấu hỏi
Đầu tiên người ta nghĩ ngay đến đá núi Nhồi - nguồn đá vôi xứ Thanh danh tiếng từng dùng vào việc xây thành Thăng Long (trước đó là Đại La) và sau này góp dựng nên kinh thành Huế.
Nhồi thuộc địa phận Đông Sơn gần Thành phố Thanh Hóa. Đá Núi Nhồi có giá trị cao cả về vật liệu xây dựng và chế tác mỹ nghệ, từng được dùng để tạc nên đôi rồng chầu ở Điện Kính Thiên và vô số tượng người, thú, bia, khánh ở các đền đài đình chùa, nhất là bia đá voi đá ngựa đá ở kinh thành Huế.
Gần nhất đá Nhồi đắc dụng có lẽ là tượng Bình Định Vương Lê Lợi cao mấy chục mét đặt ở trước Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa và tượng Hưng Đạo Đại vương ở núi Kinh Môn, Hải Dương.
Đá Nhồi lại dễ khai thác. Người ta phỏng đoán, hơn 600 năm trước, có lẽ Hồ Quý Ly đã huy động các hiệp thợ và phu phen lấy đá núi Nhồi và vận chuyển đường sông khoảng 70 km từ đó về Tây Đô để xây Thành.
Nhưng không mấy lâu, phỏng đoán đó không có cơ sở bởi ngoài chuyện chất đá xây thành được xác định không cùng loại đá núi Nhồi, việc vận chuyển những viên đá đã đẽo gọt nhưng vẫn nặng hàng chục tấn như thế bằng thuyền, bè với thủy trình xa như vậy làm sao kịp được tiến độ 3 tháng xây thành?
Hay đá được lấy gần hơn, ở núi Bông Hang cách thành chỉ non 20km, cũng vận chuyển theo đường sông thuận tiện? Nhưng chất đá ấy xét ra không cùng loại với đá trên Thành.
Gần nữa, có phải đá lấy ở khu vực Xuân Đài, Thọ Vực nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, cách Thành chỉ vài cây số? Một thời gian dài người ta nghiêng về giả định ấy. Nhưng cuối cùng cũng không nốt vì không cùng chất đá!
Năm 1991 để chắc chắn, tránh kiểu kết luận bằng mắt thường cảm tính, đã có hẳn hoi một cuộc điều tra khá công phu của Tổng Cục địa chất kết hợp với Phòng hóa sinh Khoa Địa lý - Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐHQG Hà Nội) về chất đá xây thành Hồ.
Người ta lấy mẫu đá ở núi Nhồi (Đông Sơn), núi Bông Hang (Vĩnh An), núi Xuân Đài (Thọ Vực, Vĩnh Ninh) cùng đá dùng xây Cổng Nam Thành Hồ và đá xây thành nói chung để xét nghiệm thành phần hóa học ngõ hầu đưa ra kết luận cuối cùng loại đá xây thành có phải được lấy ở 3 địa danh kia không?
Câu trả lời là không, bởi có sự khác biệt rõ về thành phần và hàm lượng các chất CaO, MgO, SiO2, FeO3 trong các loại đá đó. Kết luận ấy càng tăng thêm sự bí hiểm của Thành Hồ: đá xây thành được lấy từ đâu?
Khoảng tối dưới chân nến
Dưới chân nến bao giờ cũng tối! Câu ngạn ngữ Tây ấy hóa ra vận đúng vào xứ mình. Người ta ngó nghiêng phỏng đoán tận đẩu đâu nhưng hình như chả có ai để mắt đến dãy núi An Tôn thấp lùn nằm ngay sát Thành Hồ! Trong khi Hồ Quý Ly đã cho lấy đá từ chính cái núi chỉ cách thành có 3 cây số này để xây nên nó! Tên gọi An Tôn của Phủ Lưu, xã Vĩnh Yên đã được lấy để gọi Thành Hồ là thành An Tôn thời Hồ Quý Ly rồi.
Đại Việt Sử ký Toàn thư nhắc đến An Tôn trong một đoạn chính sử Mùa xuân năm Đinh Sửu (Quang Thái thứ 10) tức năm 1397, tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai lại Bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tĩnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn, Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu dựng đàn xã tắc mở đường phố muốn dời đô. Việc ba tháng thì xong...
Một điều kỳ lạ chỉ cách đất huyệnVĩnh Lộc và dãy An Tôn một con sông Mã nhưng những rặng núi đá của các huyện khác của Thanh Hóa như Yên Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành thường nằm nghiêng, các lớp đá được xoắn bện chồng chéo lên nhau rất khó cho việc khai thác.
Núi An Tôn. Ảnh: Hoàng Lam. |
Nhưng đá ở núi An Tôn, Tạo hóa kết cấu theo kiểu đoạn tầng tờ tợ như những khối bánh bích quy chồng lên nhau, rất hiếm thấy ở trong nước, rất dễ khai thác bằng phương pháp thủ công.
Người Việt thời Hồ cũng như những người thợ đá thời kinh tế thị trường này không cần thuốc nổ, chỉ dùng xà beng, nêm, búa là có thể khéo léo nạy ra từng phiến lớn.
Và cũng chỉ có cách khai thác không dùng thuốc nổ như vậy (thời cụ Quý Ly, thuốc nổ chưa thông dụng, nếu có thì cũng hiếm hoi dùng cho việc chế thuốc súng) thì những phiến đá dài 4-5m cao gần 2 m dùng xây thành ấy mới không bị om, bị nứt rạn.
Hậu thế chắc phải đôi hồi và day dứt lắm với câu hỏi, tại sao thời điểm ấy cụ Hồ Quý Ly lại nhìn ra những dãy núi phân tầng, phân vỉa hình bánh quy của An Tôn rồi bằng kiểu khai thác thủ công lần lượt dỡ ra từng vỉa, từng khối để xây thành mà hậu thế phải lật bật bao năm nghĩ không ra nơi lấy đá xây thành? Có lẽ phải là thứ biệt nhãn của bậc phi phàm mới có thể ngó và quyết được như thế?
Thật ra, ở đây cũng có vai trò của gần 7 thế kỷ dằng dặc với thời gian mưa nắng dãi dầu đã làm cái phận sự phong hóa xóa đi dấu tích, rồi là những rườm rà cây cối đã khiến cho hậu thế bị bưng mắt một thời gian rõ chi là dài!
Không hẳn là chỉ mới phát hiện
Hình như không phải các nhà khoa học và cán bộ của Trung tâm bảo tồn Thành Hồ mau mắn làm cái việc phát hiện mà là dân! Từ những năm xa lơ xa lắc, những nhà khá giả ở làng Phù Lưu - An Tôn - Vĩnh Yên và vùng phụ cận đã mò đến trường đá của Hồ Quý Ly kiếm đá về làm móng hoặc bậc thềm đá, cột đá.
Đến những năm đầu 60 kế kỷ trước, tiếng mìn phá đá vang lên ở An Tôn. Quy mô khai thác mở mang, người ta đã phát hiện ra ở đây những phiến đá cùng cỡ xây thành Hồ chìm lút dưới đất dưới đá.
Nhưng những phiến ấy đã bị phong hóa nham nhở, không vuông thành sắc cạnh nên cánh thợ đá chẳng hề nảy ra trong đầu cái câu hỏi “mần răng lại có ai chôn nhiều phiến đá giống nhau như rứa?”, hẳn họ cũng chỉ mừng thầm rằng tự dưng có thứ đá ông Trời gọt sẵn cứ việc đặt mìn, bổ búa vào là xong! Hỡi ơi họ đâu biết số đá ấy, quân của Hồ Quý Ly đã chế tác đẽo gọt để dùng cho việc xây Thành.
Tóm lại là chỉ mới đây thôi, dân người ta mới rỉ tai nhân viên Trung tâm Bảo tồn về những khối đá lạ đó nhân có sự kiện thiên hạ đang rầm lên Thành Hồ trở thành Di sản nhân loại.
Than ôi, khi biết thì hàng chục hay hằng trăm phiến đá (?) đã bị xẻ thịt từ lâu. May mà đợt phát lộ vừa rồi cũng còn sót mấy chục phiến.
Bây giờ mới thấy ớ ra bao nhiêu cái à! Thì ra cái hang trong núi An Tôn kêu bằng Hang Tượng là nơi quân xây thành Hồ trữ nhốt voi dùng để kéo đá xây thành.
Viên lớn thì voi, viên phiến bé hơn thì trâu, bò, người chuyển. Còn nữa, những viên bi đá (hiện bầy ở Trung Tâm Bảo tồn thành Hồ) cùng những cột lim dân đào được bây giờ hẵng còn chắc như sắt cũng dùng vào việc lăn đá vào chân công trình.
Tổng hợp những loại hình vận chuyển như thế cùng địa điểm cung chặng lấy đá xây thành, hình như dần dà cũng vỡ ra ít nhiều bí ẩn tiến độ xây Thành Hồ chỉ trong trong 3 tháng?
Tôi dừng trước một tấm biển (chắc mới treo?) bằng tiếng Việt và tiếng Anh ngay trước khoảng mái che được lợp ngói tạm:
Công trường khai thác đá cổ núi An Tôn
Công trường khai thác đá cổ núi An Tôn được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ phát hiện tháng 7-2011 thuộc hệ thống núi An Tôn làng Phù Lưu xã Vĩnh Yên huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa cách Thành Nhà Hồ 3 km về phía
Tây Bắc.
Tháng 11-2011 Trung Tâm Di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật công trường khai thác đá cổ lần thứ nhất với diện tích 300m2. Cuộc khai quật đã phát hiện các phiến đá lớn được chế tác công phu và tương đối hoàn chỉnh. Các vết đục đẽo thể hiện trình độ điêu luyện và sức lao động phi thường của những người thợ đá thời Hồ.
Ngoài ra cuộc khai quật còn phát hiện lớp đá dăm cổ trải dài hàng trăm mét, dày 60-80 cm. Với việc phát hiện các phiến đá lớn đã được chế tác và lớp đá dăm cổ cũng như rất nhiều đồ dùng sinh hoạt chứng tỏ đá đã được bóc tách chế tác tại chỗ sau đó mới vận chuyển về xây dựng Thành Nhà Hồ.