Bà Nguyễn Thị Lương bên di ảnh của chồng |
Đưa bàn tay chậm chạp miết lên bức ảnh đen trắng đã mờ theo năm tháng, bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi, trú phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An) bật khóc. Trong tấm ảnh cũ, bà Lương ngồi dựa lưng vào chồng, phía sau ông Kiền ôm chặt lấy vợ mình, cả 2 cười tươi hạnh phúc.
“Đó là tấm ảnh duy nhất 2 vợ chồng chụp chung với nhau lúc mới cưới. Ngày đó tôi mới hơn 20 tuổi, hai vợ chồng còn trẻ, bây giờ tôi già, còn chồng thì…”, bà Lương nói rồi đưa tay lên gạt dòng nước mắt lăn dài trên má.
Bà Lương kể, năm 1969 bà tham dự lớp tập huấn cho cán bộ đoàn do Thành ủy Vinh tổ chức. Khi ấy, bà Lương là Phó Bí thư Đoàn Hợp tác xã Trần Phú (TP Vinh), còn ông Nguyễn Văn Kiền (SN 1946) là Bí thư Đoàn Công ty lương thực Nghệ Tĩnh. 1 tháng tập huấn cùng nhau, sắc đẹp giản dị hiền hậu của bà Lương đã “hút hồn” chàng trai trẻ.
Khi lớp tập huấn kết thúc thì ông Kiền cũng ngỏ lời yêu. Giữa năm 1970, đám cưới đơn sơ, ấm cúng được hai bên gia đình tổ chức trong niềm vui chúc phúc của mọi người.
Cuối năm 1970, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bước vào giai đoạn khốc liệt nên ông Kiền và mọi người được kêu gọi tổng động viên nhập ngũ, sẵn sàng chi viện vào chiến trường miền Nam. Trước khi ông Kiền lên đường, bà Lương đã mang thai con gái đầu lòng 4 tháng tuổi. Sau khi dặn vợ đủ điều, ông Kiền cùng đồng đội di chuyển ra Thanh Hóa huấn luyện rồi tiếp tục chuyển ra Hà Bắc để tham gia khóa huấn luyện đặc biệt.
“10 năm nữa không về, em hãy đi lấy chồng khác nhé”
Giữa năm 1971, bà Lương sinh con khi không có chồng ở bên. Lúc này 2 vợ chồng chỉ liên lạc và hỏi thăm nhau qua từng nét chữ, lá thư gửi gắm. Mãi 3 tháng sau, ông Kiền được nghỉ phép và về thăm nhà. Lần đầu gặp con, ông Kiền cứ bồng bế con mãi không thôi.
10 ngày nghỉ phép ngắn ngủi kết thúc, ông Kiền tạm biệt vợ con rồi khăn gói quay trở lại đơn vị. Trước khi lên đường, bà Lương may cho chồng 2 bộ quần áo mang đi. Nhưng ông Kiền chỉ lấy 1 bộ, bộ còn lại ông Kiền dặn “để ở nhà cho vợ con đỡ nhớ và sau này về còn có mà mặc”.
Cuối năm 1971, đơn vị ông Kiền được lệnh di chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên đường hành quân, đơn vị nghỉ chân ở huyện Nghi Lộc. Ông Kiền lên trình bày với chỉ huy nhà gần đây nên xin về thăm vợ con một lát.
Tranh thủ thời gian ngắn ngủi về thăm vợ thăm con lần 2, ông Kiền cứ ôm ấp mãi vợ con trong lòng mình để thỏa niềm thương nhớ. Ôm con vào lòng, ông Kiền căn dặn “Con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ, con canh mẹ cho ba nhé”.
“Nhận giấy báo tử về mà tôi chết lặng, đến bây giờ tôi vẫn không tin anh ấy đã mất, cứ nghĩ anh ấy chỉ đi đâu đó rồi sẽ về với mẹ con tôi”.
Bà Nguyễn Thị Lương
“Đợt ấy về, anh trao tôi đôi bông tai vàng. Ôm vợ, ôm con được lúc rồi nhờ bạn đạp xe chở ra đơn vị cho kịp giờ hành quân. Tờ mờ sáng, tôi nấu xôi, gói lại rồi đạp xe tìm đơn vị của anh ấy. Thấy tôi, anh ấy vội chạy ra ngoài để gặp. 2 vợ chồng cứ đứng nhìn nhau mãi không thôi rồi anh nói: “Anh đi 10 năm nữa không về thì em hãy đi lấy chồng khác nhé”. Sững sờ, lo lắng, tôi dặn anh yên tâm chiến đấu, “em chỉ lấy chồng một lần thôi”. Cả hai chia tay nhau, anh lên ô tô đơn vị rồi đi mãi đến tận bây giờ…”, bà Lương nói mà 2 mắt ngấn lệ.
Đó cũng là lần cuối cùng bà Lương được gặp chồng. Khoảng thời gian sau, vợ chồng bà Lương chỉ gửi gắm tình yêu thương qua những lá thư viết vội trên đường hành quân. Những lá thư lúc dài lúc ngắn nhưng đó là tình yêu thương đong đầy của người chồng gửi vợ, của người cha gửi cho con từ chiến trường gian khó. Những lá thư gửi về cũng là niềm động viên, điểm tựa để người vợ trẻ có thêm sức mạnh chăm con, chờ chồng.
“Hiền Lương của anh! Em! Anh biết nói gì với em đây! Con! bố biết nói gì với con đây! Trong lúc tình thương yêu nhớ nhung tràn ngập đầy cả lòng người. Làm cho anh bồi hồi và khó chịu…. Anh cứ thương em không tả nổi. Có khi anh suy nghĩ đến cuồng điên. Muốn về ngay với em với con hôn con một tý và muốn làm tất cả những cái gì mà trong lúc em sinh đẻ, thổi lửa, nhóm than, giặt tã…để em đỡ vất vả”, lá thư của người chiến sĩ Kiền gửi về ngày 13/8/1971.
Trong hàng chục lá thư gửi về nhà, người lính trẻ nhiều lần hứa hẹn “đất nước thống nhất anh sẽ trở về”. Nhưng rồi lời hứa ấy mãi không thực hiện được. Người chiến sỹ trẻ ngã xuống ở chiến trường Tây Ninh khi chỉ còn một ngày nữa đất nước được thống nhất.
“Nhận giấy báo tử về mà tôi chết lặng, đến bây giờ tôi vẫn không tin anh ấy đã mất, cứ nghĩ anh ấy chỉ đi đâu đó rồi sẽ về với mẹ con tôi”, bà Lương vẫn ngóng chờ chồng dù đã nửa thế kỷ trôi qua.