Lời cảnh tỉnh với ca sĩ Việt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các MV có nội dung dung tục, không phù hợp bị gỡ bỏ, đòi hỏi ca sĩ Việt phải tìm hướng đi mới cho riêng mình.

Sau Covid-19, thị trường nhạc Việt sôi động trở lại với hàng loạt sản phẩm của các ca sĩ trẻ, đặc biệt là lứa Gen Z.

Âm nhạc có nhiều chuyển biến tích cực, dần tiệm cận với chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một vài vấn đề đáng bàn, nhất là cách viết lời và thực hiện MV gây tranh cãi.

Thay vì tạo hiệu ứng tích cực, một số sản phẩm lại có nội dung dung tục, hình ảnh phản cảm khiến khán giả phản ứng dữ dội khi ra mắt. Thậm chí, người hâm mộ còn bày tỏ sự đồng tình khi nhiều MV của vài ca sĩ bị gỡ bỏ, hoàn toàn biến mất trên mạng.

Loạt MV gây tranh cãi

“Rapper Bình Gold” là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất gần đây. Loạt MV do anh phát hành đều bị xóa khỏi nền tảng YouTube như Ông bà già tao lo hết, Trơn, Lái máy bay, Bốc bát họ... Điểm chung của các sản phẩm là có lời hát không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi, ca từ còn dung tục, gây phản cảm.

Chưa kể, ê-kíp minh họa ca khúc bằng những cảnh quay nóng bỏng mô tả các nhân vật nữ mặc đồ hở hang, thể hiện động tác uốn éo… Tất cả khiến các MV đều để lại ấn tượng không tốt, bị chỉ trích nặng nề.

Lời cảnh tỉnh với ca sĩ Việt ảnh 1
Loạt MV của Bình Gold hoàn toàn “bốc hơi” trên mạng Internet.

Bên cạnh Bình Gold, Chi Pu cũng là cái tên thường được nhắc đến vì những MV có nội dung nhạy cảm.

Năm 2018, ca sĩ từng phát hành MV Mời anh vào tim em có một số cảnh quay táo bạo, mang hơi hướm gợi tình nên được cảnh báo 16+ (không phù hợp với khán giả dưới 16 tuổi). Tháng trước, cô tiếp tục gây tranh cãi khi phát hành MV Black Hickey (Con dấu chủ quyền) đánh dấu sự trở lại sau thời gian vắng bóng.

Khi ra mắt, sản phẩm nhận hàng loạt chỉ trích vì nội dung cổ suý việc quấy rối nơi công sở, đến mức ê-kíp phải ẩn hoàn toàn MV chỉ sau 2 ngày ra mắt.

Chưa dừng lại, Chi Pu tiếp tục tung MV Sashimi như một cách “chữa cháy”. Tuy nhiên, giọng ca gốc Hà Nội không rút kinh nghiệm mà còn mạnh tay hơn như đang thách thức dư luận. Từ lời hát cho đến MV đều có nhiều điểm gây tranh cãi, tạo làn sóng chê bai dữ dội.

Lời cảnh tỉnh với ca sĩ Việt ảnh 2
Hình ảnh Chi Pu trong MV Sashimi.

Về cơ bản, các MV của Bình Gold hay Chi Pu đều có phần âm nhạc được đầu tư sản xuất. Đáng tiếc, ca từ và hình ảnh là yếu tố khiến chất lượng sụt giảm trầm trọng.

Thực tế cho thấy loạt MV đều đạt thành tích “triệu view” chưa có ca khúc nào thành hit hay tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Phần lớn khán giả vào xem chỉ vì tò mò hoặc để lại bình luận thay vì thưởng thức cái hay, cái đẹp. Một số ý kiến còn bày tỏ sự phản đối, cho rằng nên có biện pháp mạnh tay hơn với các ca sĩ vì những chi tiết trong MV có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Bài toán MV dung tục

Sự ra đời của các MV có nội dung dung tục xuất phát từ nhiều lý do. Phần lớn khán giả cho rằng đây chỉ là chiêu trò ca sĩ sử dụng để quảng bá sản phẩm đồng thời “đánh bóng” tên tuổi.

Hơn nữa, âm nhạc quốc tế ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy nghệ sĩ trong nước. Hàng năm, thị trường Âu Mỹ hay Kpop cho ra đời không ít MV có đặc điểm tương tự, dẫn đến việc một số ca sĩ Việt học tập, bắt chước. Song, các yếu tố nhạy cảm, gợi tình thậm chí dung tục lại không phù hợp khi đặt trong phông văn hóa nước nhà.

Lời cảnh tỉnh với ca sĩ Việt ảnh 3
MV của Chi Pu học tập khá nhiều từ các sản phẩm quốc tế, nhất là trong khu vực châu Á.

Hiện nay, nền điện ảnh nước ta có Hội đồng duyệt phim quốc gia và các nhãn dán tương đối rõ ràng. Trong khi đó, vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng cho các MV đã và đang được phát hành trên mạng. Một số ca sĩ cẩn thận hơn, chủ động cảnh báo trước khán giả về nội dung MV. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những ý kiến từ phía người sản xuất, chưa thể hiện được đánh giá khách quan với sản phẩm, cũng không giúp hạn chế độ phủ sóng của ca khúc.

Trước khi trào lưu làm MV trở nên thịnh hành ở Việt Nam, nhiều thế hệ khán giả vốn quen thưởng thức âm nhạc qua băng đĩa, thậm chí là đài radio. Chất lượng của ca khúc vẫn luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Đến lúc các ca sĩ đua nhau làm MV, đôi lúc họ chỉ tập trung vào phần nhìn mà quên mất phần nghe. Việc các MV không lành mạnh bị gỡ bỏ chỉ là “giọt nước tràn ly” khi quá nhiều chiêu trò bị lạm dụng đến mức nhàm chán.

Nhìn chung, ca từ dung tục hay hình ảnh phản cảm không giúp chất lượng ca khúc tốt hơn. Nước cờ này nhanh chóng trở thành “con dao hai lưỡi”, không chỉ tác động xấu đến người nghe mà còn khiến ca sĩ nhận về nhiều thiệt hại.

Họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc khoanh tay đứng nhìn những “đứa con tinh thần” bị gỡ bỏ. Đây cũng là lời cảnh tỉnh dành cho các ca sĩ Việt, buộc mỗi người phải tự tìm hướng đi mới khi gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng cao, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

Thay vì tập trung cho chiêu trò, chất lượng sản phẩm vẫn luôn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu.

MỚI - NÓNG