Sản phụ nói trên là chị Nguyễn Thị Kiều Ngân (19 tuổi, ngụ TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Chị Ngân nhập viện trong tình trạng da niêm vàng, bụng chướng, xuất huyết da niêm, được bệnh viện tại địa phương chẩn đoán: Suy đa cơ quan, hậu phẫu mổ lấy thai ngày thứ 3 do suy thai cấp, rối loạn đông máu, song thai 33 tuần.
Sau 8 giờ nhập viện, sản phụ này bắt đầu có các triệu chứng khó thở tăng dần, bứt rứt trả lời sai câu hỏi, lâm sàng diễn tiến xấu. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn cấp bệnh viện thống nhất chẩn đoán chị Ngân bị nhiễm trùng huyết biến chứng suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng, giảm tiểu cầu, tràn dịch đa màng/Hậu phẫu mổ lấy thai N3– Theo dõi hội chứng HELLP.
Trong đó, tình trạng suy gan cấp của bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng, dẫn đến hội chứng não gan gây rối loạn tri giác. Đồng thời, bệnh nhân còn xuất hiện tình trạng suy hô hấp mức độ nặng cần can thiệp đặt nội khí quản và thở máy.
Trước tình trạng nguy kịch trên, ekip bác sỹ đã tiến hành thay huyết tương và lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Trong suốt quá trình can thiệp, ekip đã sử dụng đến 40 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh để thay thế cho huyết tương của bệnh nhân đã được lọc bỏ trong quá trình can thiệp và bệnh nhân được thực hiện lọc máu liên tục xuyên suốt trong 41 giờ điều trị. Bệnh nhân đã được truyền 12 đơn vị khối hồng cầu 350ml, 2 khối tiểu cầu máy, 4 khối tiểu cầu, 9 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh kết hợp với điều trị nội khoa tích cực
Hiện tại, chị Ngân đã tỉnh táo hoàn toàn, sinh tồn ổn định, không còn tình trạng xuất huyết da niêm, bệnh lý suy gan cấp cũng dần hồi phục
Theo BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, suy đa cơ quan là tình trạng diễn biến cấp tính của một quá trình bệnh lý có căn nguyên nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng trong đó có suy ít nhất hai cơ quan trở lên và tồn tại ít nhất trong vòng 24 giờ. Riêng suy đa cơ quan mà nguyên nhân có liên quan nhiễm trùng chiếm tỉ lệ 60 - 81,5%. Trong đó biến chứng suy gan cấp được xem là biến chứng nặng có tỷ lệ tử vong cao 50 - 90% nếu không được điều trị hợp lý. Vì vậy, cho dù bệnh nhân được can thiệp lọc máu liên tục là phương pháp kỹ thuật cao thì tỉ lệ tử vong vẫn ở mức cao 60,9%.
Phương pháp thay huyết tương và lọc máu liên tục là một phương pháp kỹ thuật cao được sử dụng để lọc những chất độc do suy gan nặng, suy thận nặng, suy tim nặng, nhiễm trùng nặng - suy đa tạng, bệnh lý miễn dịch,…
Trong đó, lọc máu liên tục là kỹ thuật giúp điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và đào thải các chất mà bình thường do các cơ quan đảm nhiệm. Kỹ thuật này giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm biến chứng, giảm thời gian nằm viện và giảm chi phí điều trị.