Lần đầu tiên ở Việt Nam: Thay 'vai nhân tạo' cho cô giáo mắc ung thư xương

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Đau âm ỉ vai phải kéo dài suốt 5 năm, cô giáo tiểu học Lương Thị Th đã rất sốc khi bác sĩ chẩn đoán mình bị u xương bả vai phải-một trường hợp rất hiếm gặp và rất khó can thiệp.
Cô giáo Lương Thị Th, 43 tuổi, cô đang sinh sống và làm việc tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Hàng ngày, cô vẫn đi dạy học tại trường tiểu học Quyết Thắng ở gần nhà. Theo lời kể của cô Th. 5 năm trở lại đây, cô Th cảm thấy tay phải của mình ngày càng đau, lúc đầu đau âm ỉ, như kiến cắn trong khớp vai phải, sau cơn đau lan dần lên phía ngực và ra phía sau. Tuy nhiên, cơn đau không gây hạn chế vận động, không sốt cũng như không gầy sút cân nên cô Th cho rằng những cơn đau không có gì nguy hiểm. Cô Th cũng đã từng đi khám một số cơ sở y tế uy tín nhưng không phát hiện ra bệnh. Đến năm 2018, cô Th đi khám tại Bệnh viện Việt Đức, được các bác sĩ chụp phim cộng hưởng từ. Kết quả cho thấy, cô có một khối u to bằng hòn bi ve chỗ xương bả vai phải, xâm lấn phần mềm xung quanh. Bác sĩ kết luận cô Th bị bệnh u xương bả vai phải đã xâm lấn ra phần mềm xung quanh. Theo các bác sĩ, tình trạng của cô giáo Th. rất hiếm gặp vì xương bả vai là vùng rất nguy hiểm, là nơi mạch máu và thần kinh từ thân mình đi xuống tay, phẫu thuật rất dễ chạm vào thần kinh gây liệt, chạm vào mạch gây tổn thương mạch máu. Nếu lấy bỏ khối u đồng nghĩa với việc lấy toàn bộ xương bả vai, lấy gì để thay thế xương đó? Ở Việt Nam chưa từng có người nào được phẫu thuật thay xương bả vai. Không thể phẫu thuật được, cô Th đi về với đơn thuốc giảm đau trên tay và tâm trạng tuyệt vọng.
Lần đầu tiên ở Việt Nam: Thay 'vai nhân tạo' cho cô giáo mắc ung thư xương ảnh 1 Khối xương bả vai ung thư lấy ra trong phẫu thuật và xương bả vai nhân tạo
Đến đầu tháng 9/2019, khi cô Th đã gần như hết hi vọng, không biết đi khám thêm ở đâu nữa thì cô được người bạn thân giới thiệu đến khám Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Theo PGS.TS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau khi đọc kết quả và thăm khám kỹ lại, bác sĩ hẹn bệnh nhân sẽ liên hệ với các chuyên gia nước ngoài để có được xương bả vai nhân tạo hay không, vì đó là hy vọng để giúp bệnh nhân có một cuộc sống bình thường. Sau khi nghiên cứu và tham vấn, các bác sĩ đưa ra 2 phương án đó là cắt lẩy bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u, sau đó chỉ khâu lại phần mềm. Cách thứ hai là vẫn cắt bỏ toàn bộ xương bả vai và khổi u, đồng thời tiến hành phẫu thuật thay toàn bộ xương bả vai phải – chính khối xương bị ung thư; cách này kết hợp điều trị thuốc nội khoa đơn thuần, kết hợp xạ trị và hóa chất. Sau khi trao đổi cô giáo Th, đã quyết định chọn phương án phẫu thuật. Tại Bệnh viện K Tân Triều, cô Th đã đã làm đầy đủ các xét nghiệm trước mổ và PGS Dũng đã liên hệ để chuẩn bị xương bả vai tương thích với kích thước của bệnh nhân.
Sau gần 2 tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, đến ngày 28/12 vừa qua, cô Th đã được PGS Dũng, bác sĩ Trần Quyết, bác sĩ Phạm Sơn Tùng và bác sĩ Nguyễn Minh Toàn cùng kíp mổ BV K Tân Triều gồm bác sĩ Hoàng Minh Sâm và Bác sĩ Trần Đức Thanh đã tiến hành cắt toàn bộ khối u xương và xương bả vai phải, đồng thời thay thế xương bả vai nhân tạo. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 3 tiếng liên tục và thành công hơn cả mong đợi của kíp mổ.
Lần đầu tiên ở Việt Nam: Thay 'vai nhân tạo' cho cô giáo mắc ung thư xương ảnh 2 Khi có những triệu chứng đau mỏi bất thường, nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Internet
Theo PGS Trần Trung Dũng đây là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam, trên thế giới hiện giờ cũng không nhiều nơi thực hiện kỹ thuật này, số ca phẫu thuật thay xương bả vai cả châu Á cũng chỉ dưới vài chục ca, điều đó cho thấy cô Th phải thực sự quyết tâm thì mới thực hiện phẫu thuật khó này. Qua 5 ngày điều trị, hiện tại cô Th đã hoàn toàn khỏe mạnh, đã cử động được phần cẳng tay và bàn tay bình thường, vết mổ hoàn toàn khô, không có dịch, chụp Xquang kiểm tra thấy xương bả vai nhân tạo hoàn toàn đúng vị trí giải phẫu, chưa phát hiện các biến chứng nghiêm trọng nào. Biểu hiện ung thư xương phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh Ung thư xương giai đoạn đầu Triệu chứng mơ hồ, nếu không chú ý sẽ dễ bị bỏ qua Đau mỏi chân tay, đặc biệt người trẻ khoảng 30-40 tuổi. Đau xương, cảm giác vùng xương nào đó ấm hơn. Các chi yếu hơn, tê hoặc đau nhức mơ hồ Dấu hiệu ung thư xương giai đoạn tiến triển Bệnh nhân mệt mỏi, gầy sút cân không rõ nguyên nhân, có thể sốt nhẹ Đau xương tăng dần, cảm giác xương yếu đi rõ rệt. Đau liên tục, dùng thuốc giảm đau không đỡ. Vị trí xương bị bệnh có thể sưng to lên. Có thể gãy xương không do chấn thương Nổi hạch ngoại vi rắn chắc, di động hạn chế Vị trí hay gặp ung thư xương: Thường gặp ở “gần gối, xa khuỷu” (đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay) Ung thư xương chủ yếu gặp ở xương dài, một số ở xương dẹt như xương chậu, xương bả vai.
MỚI - NÓNG