Loay hoay xác minh số lượng lao động Trung Quốc ở Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Nơi làm việc công ty điện gió Trung Quốc tại Gia Lai. Ảnh: CTV
Nơi làm việc công ty điện gió Trung Quốc tại Gia Lai. Ảnh: CTV
TPO - Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum, có 198 người Trung Quốc làm tại các dự án điện gió chưa được cấp phép lao động. 

Theo phản ánh của người dân địa phương, kể từ khi dự án điện gió của Cty cổ phần điện gió Chư Prông, tại xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông (Gia Lai) bắt đầu triển khai, có rất đông người Trung Quốc đến đây sinh sống, làm việc.

“Chưa bao giờ người Trung Quốc có mặt đông đúc như lúc này ở địa phương chúng tôi. Chỉ cần tầm tan trưa hoặc tối, người Trung Quốc tràn ra đường, rồi trở về các địa điểm lưu trú. Không hiểu sao, họ thường không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng. Điều này làm người dân lo ngại trong phòng chống COVID-19”, chị Đặng Thị Huyền (trú tại thị trấn Chư Prông) lo lắng.

Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, hiện có 46 người nước ngoài được cấp phép lao động ở địa phương này, thế nhưng con số người Trung Quốc cụ thể là bao nhiêu phía sở này vẫn chưa nắm được. Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo sở này mới chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra việc sử dụng người lao động nước ngoài tại các đơn vị, doanh nghiệp, dự án.

Loay hoay xác minh số lượng lao động Trung Quốc ở Tây Nguyên ảnh 1
Lao động người Trung Quốc ở dự án điện gió huyện Đắk Song

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum A Kang xác nhận, có 28 người Trung Quốc đang làm “chui” tại dự án điện gió ở huyện Đắk Glei, công an cũng đang vào cuộc để xác minh. “Số lượng 28 người này đều làm tại môt dự án điện gió ở huyện Đắk Glei. UBND tỉnh vừa yêu cầu chúng tôi chủ trì điều tra, rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép cho người lao động nước ngoài theo Nghị định 152. Trước đây, tỉnh chỉ cho phép 4 người Trung Quốc làm việc tại đây và được cách ly phòng chống dịch COVID-19”, ông A Kang nói.

Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk Trần Thị Minh Lý cũng cho biết, vừa đi kiểm tra tại các dự án có lao động Trung Quốc ở huyện Ea H’eo và huyện Krông Búk. “Tại hai huyện này có 69 chuyên gia Trung Quốc chưa được cấp phép lao động. Chúng tôi đang làm báo cáo trình lãnh đạo sở về vụ việc”, bà Lý thông tin.

Trong khi đó, tại Đắk Nông có 102 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3, huyện Đắk Song, nhưng chỉ có 1 người được cấp phép lao động.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được các tỉnh chấp chủ thuận chủ trương đầu tư làm dự án điện gió tại các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Nông có 3 dự án điện gió với tổng công suất 300MW (huyện Đắk Song). Tỉnh Đắk Lắk có hơn 40 dự án điện gió (tổng công suất 3.700 MW) của 27 nhà đầu tư…

Việc người lao động nước ngoài xuất hiện với số lượng lớn tại các dự án điện gió trên đang gây ra nhiều lo ngại liên quan tới vấn đề quốc phòng-an ninh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG