Yêu cầu cấp bách đổi mới giáo dục đại học:

Loay hoay tinh giản giáo viên, giảm sĩ số học sinh

Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong gần 3 giờ họp trực tuyến tại các điểm cầu, lãnh đạo các địa phương đề cập nhiều vấn đề khó khăn, tồn đọng của ngành giáo dục năm qua như: Tinh giản biên chế, đào tạo giáo viên, tăng phòng học, giảm sĩ số học sinh...

Bên cạnh những thành công, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra ngành đang đối mặt những khó khăn, hạn chế. Trong đó, vấn đề lớn nhất trong năm 2018 là: Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập; Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non; Kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; Tỷ lệ phòng học kiên cố thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,8%...

Tăng 1.000 phòng học/năm để giảm sĩ số

Trong khi vùng nông thôn, các tỉnh lẻ thực hiện sáp nhập, cơ cấu lại trường học thì các tỉnh, thành phố lớn đối mặt vấn đề sĩ số học sinh trong một lớp học cao, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, để đáp ứng chỗ học cho khoảng 1,6 triệu học sinh, năm qua thành phố xây mới 977 phòng học với kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng. Cũng như Hà Nội, TP HCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh nên luôn đối mặt với vấn đề sĩ số lớp học tăng. Trung bình mỗi năm TP HCM tăng khoảng 200.000 học sinh nên phải tăng gần 1.000 phòng học mới đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, ông Liêm cho biết, ngoài phổ cập trẻ 5 tuổi, địa phương nỗ lực triển khai chương trình giữ trẻ từ 16 tháng tuổi, giảm học phí đối với bậc THCS và đổi mới trong giáo dục.

Trong khi đó ở Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, năm qua đã xây mới thêm 70 trường học, sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, vẫn chưa đáp ứng được vấn đề trường, lớp cho học sinh, đặc biệt là khu vực nội đô sĩ số học sinh vẫn cao.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, nhất thiết phải giảm sĩ số học sinh mới nâng cao chất lượng dạy học. Đó chính là bài học của địa phương. Cơ sở vật chất vì khó khăn, có nơi sĩ số lên tới 55 em/ lớp. Những năm sau đó, địa phương xây thêm trường lớp, giảm sĩ số đáp ứng tiêu chí của Bộ GD&ĐT là 35 em/ lớp đối với tiểu học. Nhờ đó, thầy cô giáo có thời gian, điều kiện quan tâm tới học sinh. Chất lượng giáo dục của An Giang nâng lên trông thấy từ tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng, tỉ lệ học sinh yếu kém giảm.

Mâu thuẫn trong tinh giản biên chế

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2018-2019, bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế cho 14 địa phương dân số tăng nhanh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, một số địa phương đang rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, địa phương đã tính toán việc sắp xếp, tinh giản biên chế giáo viên. Tuy nhiên, giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên Sở Nội vụ An Giang phải ngồi lại với lãnh đạo tỉnh, cùng bàn phương thức tinh giản nhưng vẫn duy trì chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, sẽ rất khó cho lộ trình tinh giản 10% như hướng dẫn, vì sẽ gây tâm lý hoang mang cho đội ngũ giáo viên. Do đó, trong năm đầu thực hiện, địa phương sẽ giảm dần 2-3%.

Vấn đề sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống trường lớp cũng khiến các nhà quản lý giáo dục ở địa phương đau đầu. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, sắp xếp lại trường lớp là việc quan trọng nhưng không nên sắp xếp cơ học. Địa phương đưa ra nguyên tắc, mỗi một cơ sở cấp phường, xã, thị trấn có 1 trường học. “Sáp nhập trường cùng cấp sẽ thuận lợi, còn khác cấp rất bất cập”, ông nói.

Theo ông Hiển, Hải Dương cũng như các địa phương khác đang gặp vấn đề di dân cơ học ở khu công nghiệp giải quyết vấn đề liên quan đội ngũ giáo viên phải đảm bảo tinh thần ở đâu có học sinh ở đó có trường học, có trường học phải có giáo viên. Xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định chất lượng, ông Hiển đề nghị, ngành giáo dục kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu chính sách đặc thù, đồng thời thực hiện việc đánh giá để ai không đáp ứng yêu cầu giảng dạy phải được sàng lọc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tinh giản biên chế thực hiện đối với giáo viên hưởng lương từ ngân sách. Các nước trên thế giới cũng thực hiện nguyên tắc xã hội hóa phân khúc cao. Thực tế một số phụ huynh cũng sẵn sàng bỏ chi phí cao để con học trường ngoài công lập, do đó ở khu vực đô thị phải có tỉ lệ chuyển đổi cơ chế. Khi đó, giao cho các trường này cơ chế tự chủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố xem xét mức học phí đảm bảo trả lương cho giáo viên để giảm gánh nặng quỹ lương ngân sách.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra vấn đề bất cập hiện nay trong đào tạo giáo viên đó là, mỗi năm có khoảng gần 20.000 giáo viên về hưu nhưng chỉ tiêu đào tạo sư phạm vẫn giao ở mức trên 50.000/ năm. Hiện nay, đào tạo sư phạm đang được nhà nước bao cấp nhưng chất lượng không cao, nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm.

Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT có đề án cụ thể, các địa phương phải tính toán, đề xuất nhu cầu giáo viên trong 5-10 năm tới để đặt hàng các trường sư phạm có chất lượng tốt đào tạo giáo viên. Ngoài ra, các địa phương cũng phải trích một phần ngân sách để đào tạo lại giáo viên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trong năm học mới, các địa phương phải đảm bảo nguyên tắc, đủ trường, đủ lớp, học sinh học ở trường gần nhà, học ngày hai buổi và không phân biệt đầu vào. Các trường học chú trọng giáo dục đạo đức học sinh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Vẫn còn tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu, dẫn đến việc điều hành quản lý bất cập. Các địa phương dự báo số lượng giáo viên, học sinh trong độ tuổi đến trường chưa được chính xác; chưa có chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn.

MỚI - NÓNG