Loanh quanh chuyện ăn

Loanh quanh chuyện ăn
TP - Ẩm thực Việt vốn hấp dẫn. Cứ hễ ở đâu nông sản bốn mùa dồi dào, gia vị phong phú, bò gà lợn đầy sân, tôm cua cá kín ao là tự khắc đồ ăn sẽ ngon, cũng bởi các bà nội trợ sẵn nguyên liệu để thỏa sức sáng tạo. Mà phàm đồ ăn ngon thì dân chốn đó cũng ham mê ăn uống.

Riêng trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam thôi đã thấy vô số chuyện dính đến tật tham ăn. Nào là cô vợ trốn chồng đi ăn quà ngoài chợ, chồng bắt quả tang mới đứng cạnh trêu “Cho tôi xin một múi”, vợ còn mải ăn đến nỗi không thèm ngước lên mà lúng búng “Múi lúi”. Chồng trêu tiếp “Cho tôi xin miếng xơ”, vợ vừa nhai vừa nói “Xơ lơ”. “Cho tôi xin miếng cùi” – “Cùi lùi”. “Cho cái hột vậy” – “Hột lột”. Nào là anh chồng lừa vợ đi vắng ăn vụng khoai nướng, đúng lúc vợ về sợ quá bỏ tọt vào trong quần, khoai nóng quá mới nhảy lên tưng tưng, vợ hỏi thì bảo “Tôi thấy nhà về tôi mừng quá nên mới nhảy cỡn lên thế’ ”. Rồi có cô vợ biết chồng tham ăn nên chồng đi ăn cỗ mới nghĩ ra cách buộc dây vào chân chồng, đầu dây kia nối ra tận ngoài sân, đoạn dặn “Lúc nào tôi giật dây thì mình mới được gắp thịt nhá”. Không ngờ dây vướng vào chân con gà, gà nhảy tưng tưng, chồng thấy dây giật liên tục mới mừng rỡ gắp lấy gắp để loáng cái hết đĩa thịt gà. Lại cả chuyện ông đồ đi ăn cỗ, thấy bánh ngon muốn mang về mấy chiếc nhưng ngại, mới đưa cho đứa học trò bảo ăn đi nhưng nháy mắt, ý là cất đi cho thầy. Trò thì đần, thấy thế tưởng thầy cho thật bóc ra ăn hết sạch. Sau, trên đường về thầy tức quá cà khịa trò rồi ấm ức “Bánh tao đâu?”.

Samuel Baron, một thương nhân Hà Lan có mẹ là người Việt sau khi đến Việt Nam lần đầu tiên công tác vào năm 1678 dưới sự chỉ đạo của công ty Đông Ấn Anh đã phải thốt lên “Dưới gầm trời lồng lộng này, khó mà kiếm được một dân tộc nào phàm ăn như người xứ này”. Trong khẩu ngữ thường ngày, bộ phận cơ thể dùng để đựng thức ăn dường như cũng chứa đầy cảm xúc. Hầu hết các dân tộc đều dùng từ “tốt tim” để ca ngợi một người tốt, còn riêng chúng ta dùng từ “tốt bụng” (nên ta mới hay “suy bụng ta ra bụng người”). Kẻ xấu xa, độc ác đương nhiên là “lòng lang dạ sói”. Gặp người hảo tâm, Tây họ gọi là “trái tim vàng”, ta bảo “tấm lòng vàng”. Tây miêu tả sự chân thành từ “đáy tim” thì tất nhiên ta phải tận “đáy lòng”. Ai làm điều gì khiến ta vui thì ta “mát lòng mát dạ”, ta trả thù được ai ta “hả lòng hả dạ”, giải quyết được xong vấn đề là ta “nhẹ lòng”, lo lắng quá ta lại “nhọc lòng”. Tiếc của ta “xót ruột”, tức khí ta “lộn ruột”, thậm chí là “tím ruột”, phàm khi có việc bồn chồn thì ta “sốt ruột”. Chuyện buồn khiến người xứ khác thấy “nhói tim” thì ta “đau lòng”, “buồn lòng” văn vẻ hơn nữa thì là “nhói lòng”, “buốt lòng” hoặc lấn cấn đến “nặng lòng”. Ngay cả cái sự chậm hiểu dường như chỉ liên quan đến não, cơ quan xa tít dạ dày, đại tràng, thế mà vẫn cứ là “tối dạ”. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Tuyên còn xúc động đến mức viết ra ca từ của nhạc phẩm nổi tiếng “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Tây mà lao vào học tiếng Việt, hễ cứ đụng đến những từ miêu tả cảm xúc chỉ thấy toàn lòng, dạ, ruột, bụng thì tẩu hỏa nhập ma. Cơ mà đấy là bộ phận thiêng liêng nhất, quý giá nhất dành cho việc yêu thích nhất là ăn thì nhiều cảm xúc là đúng rồi.

Loanh quanh chuyện ăn ảnh 1
Việc ăn ở đây quan trọng đến nỗi trong kho từ vựng ngôn ngữ Việt, mà có lẽ là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới ghép từ “Ăn” vào các động từ và danh từ khác thành một hình thái từ mới, cho dù có bỏ “Ăn” đi thì cái từ ghép ấy nó cũng chẳng thay đổi ý nghĩa tẹo nào, ấy là: Ăn học, Ăn nói, Ăn mặc, Ăn diện, Ăn chơi, Ăn xin, Ăn trộm, Ăn cướp, Ăn ở, Ăn nằm, Làm ăn… Rồi thậm chí “Ăn” quan trọng đến nỗi bỏ tiếng ấy đi thì từ không còn có nghĩa nữa: Ăn ý, Ăn khách, Ăn ảnh, Ăn theo, Ăn bớt, Ăn khớp, Ăn nhập… Mà khổ nỗi thuở đất nước còn trẻ, đa phần dân cư là cơ hàn, nên có thèm ăn lắm cũng mới lâu lâu được bữa no nên hễ không có dịp thì thôi, được thể thì việc gì cũng phải kèm ăn vào cho bõ, thế là người ta ghép tiếp: Ăn Tết, Ăn giỗ, Ăn cưới, Ăn mừng, Ăn khao… Ghép đến mức này thì việc ăn không còn là chuyện cầm hơi hay thưởng thức nữa mà đã biến thành thông lệ, thành luật bất thành văn, thậm chí là nỗi khổ, là nô lệ của sự ăn. Cuối cùng cái sự thưởng thức bỗng biến thành món nợ miệng, nợ đồng lần.

Từ năm 1915, cụ Phan Kế Bính đã viết “Tục ta trọng việc sự thần lại trọng việc ăn uống, động một tí thì nào bò nào lợn, nào xôi nào thịt, nay tế bái thì mai lại giỗ hậu, nay việc công thì mai lại việc tư, quanh năm chỉ những ăn uống…Người thi đỗ, người được bổ làm quan, người được phẩm hàm đều phải khao vọng… Lại có một câu nữa là “Vô vọng bất thành quan” (Không khao vọng không phải là quan). Cứ như câu ấy thì ra có xôi thịt cho họ ăn thì họ tôn kính, mà kém xôi thịt thì họ coi thường”. Cụ Phan bất bình vì người Việt ta thuở ấy, hễ động việc gì cũng phải ăn, phải mời ăn, thậm chí là đám ma đưa người chết ra đồng cũng bày biện ăn uống linh đình. “Đã gọi là nghĩa vụ thì khi người ta đau đớn có thể giúp được gì thì giúp chứ ai còn tưởng gì đến sự ăn uống. Mà hiếu chủ đang lúc buồn bã âu sầu, còn bụng nào mà nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi thì cái nghĩa vụ giúp nhau ở đâu”. Cụ Trần Huy Liệu sau này cũng đồng tình “Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa hương ẩm”.

Sang đến thế kỷ 21, cũng chẳng ai còn thèm ăn mấy nữa, thậm chí người ta còn sợ ăn, nhịn ăn, còn uống thuốc giảm béo để ức chế sự thèm ăn. Nhưng sự ăn vẫn không thể thiếu. Người ta vẫn ăn uống linh đình bất kể dịp nào, dù chỉ vừa nhận bằng thạc sĩ hay mua một chiếc xe mới. Mà đã mời ai thì mâm cao cỗ đầy, đồ ăn tú hụ mặt bàn, dẫu là chốn túng thiếu hay thuở bao cấp eo hẹp cũng vẫn phải cày cục cho được vài mâm tươm tất. Xưa nhiều nhà thôn quê nghèo, gia cảnh có mỗi con gà nuôi cải thiện nhưng hễ mà có khách quý thì cũng phải bấm bụng mà làm bữa thịt. Nữa là giờ đã có tiền. Nhất là tiệc cưới. Ở quê ăn cưới là phải mời cả làng, lai rai đến ba ngày. Còn thành thị gói gọn trong một bữa, nhà trai nhà gái tổ chức chung nhau, nên tiệc cưới lên đến hàng nghìn người. Đúng giờ tiệc, khách ào đến, vội vàng bỏ tiền mừng vô hòm quà hỉ, rồi tranh thủ ăn quàng để về còn làm việc khác. Nhìn bữa tiệc cả ngàn con người ngồi ăn rào rào, thậm chí còn không cả ngẩng mặt lên mà ngắm cô dâu chú rể, và cô dâu chú rể cũng có biết đấy là ai đâu, toàn khách đâu xa lắc của tứ thân phụ mẫu, nên đành nâng cốc đi từng bàn mà chúc đại. Chỉ trong vòng một tiếng, hầu hết khách đã rút sạch, để lại ngổn ngang chén đĩa và thức ăn thừa đến cám cảnh.

Nhìn bữa tiệc cả ngàn con người ngồi ăn rào rào, thậm chí còn không cả ngẩng mặt lên mà ngắm cô dâu chú rể, và cô dâu chú rể cũng có biết đấy là ai đâu, toàn khách đâu xa lắc của tứ thân phụ mẫu, nên đành nâng cốc đi từng bàn mà chúc đại. Chỉ trong vòng một tiếng, hầu hết khách đã rút sạch, để lại ngổn ngang chén đĩa và thức ăn thừa đến cám cảnh.

Đã quen ăn cỗ cưới ê hề tám món, chúng ta sẽ rất khó tin khi hay chuyện người Tây bây giờ làm đám cưới chỉ ăn Finger Food (đồ ăn nhón tay) cho tiện. Chưa kể khách mời có lèo tèo vài chục người cả đôi bên hai họ. Tây có nhiều kiểu tiệc, nhưng cung cách mà người Việt ít quen được nhất là tiệc “Finger Food” với những đồ ăn nhẹ có kích cỡ to nhất bằng cái bao diêm để tiện cho việc nhón tay. Trong một số bữa tiệc mà mục đích chính là để giao lưu, đặc biệt giữa những người chưa quen biết nhau thì người ta sẽ sử dụng Finger Food. Đồ khai vị và một số món chính sẽ được cắt nhỏ ra sao cho vừa miệng để càng đỡ phải cắn càng tốt: xúc xích - pho mát - ô liu xiên que, sandwich, bánh nhân thịt, nem cuốn… Lúc ấy ăn uống là phụ, trò chuyện, làm quen nhau là chính, nên việc “nhón tay” trông có vẻ nhẹ nhàng, duyên dáng, đỡ “nhồm nhoàm”. Phần lớn người phương Tây coi Finger Food là để lót dạ cho đỡ đói lòng nên đôi lúc thành ra nông nỗi “xung đột văn hóa ẩm thực”.

Loanh quanh chuyện ăn ảnh 2

Một lần nọ, nhà văn X, giáo sư một trường đại học ở bang Utah, Mỹ đến Hà Nội. Anh muốn mời nhóm tác giả và dịch giả của tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chuẩn bị in ở Mỹ do anh làm chủ biên dự tiệc tối để cảm ơn. Anh nhờ tôi mời khách và thiết kế địa điểm. Tôi giới thiệu một nhà hàng sang trọng trên đường Xuân Diệu, nhưng thực đơn là do giáo sư X quyết định. Bữa đó chỉ có bia và một số món… nhón tay. Hôm sau mấy nhà văn phía ta phàn nàn tôi “Tiệc tùng kiểu gì mà sau đấy bọn anh phải... đi làm bát phở”. Vì cũng đã phải ăn phở vô số lần sau mỗi kỳ Finger Food, tôi đoán hai tá khách hôm ấy thế nào cũng làm cho phở Lý Quốc Sư cháy hàng. Có thanh minh rằng “Tây họ ăn thế thôi” người ta cũng không tin, lại ngỡ mình bị xem thường, chẳng ra điều được làm khách quý, hoặc tệ hơn là nghĩ Tây sao mà… keo.

Hồi 2016, tôi được mời sang Heerlen, Hà Lan để giảng bài. Sang hôm thứ hai, đích thân hiệu trưởng trân trọng mời tôi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và giám đốc xuất bản Vũ Phương Liên đi ăn tối. Chúng tôi ngồi trong một quán bar xinh xắn ở khu phố cổ. Bữa tối ấy khá khiêm tốn với một đĩa pho mát thái con chì và suất tôm tempura nhỏ xíu chấm mù tạt, kèm theo mỗi người một ly bia. Chúng tôi còn chưa ăn trưa, trời thì rét. Hai người bạn đồng hành của tôi sau đó đã kinh ngạc cực độ khi biết đây hoàn toàn không phải món khai vị mà là bữa chính luôn. Người xứ họ quan niệm lần đầu trò chuyện trong bữa tối là để đơn thuần trò chuyện, ăn uống đầy bụng sẽ cản trở việc nói năng, còn ta thì “có thực mới vực được đạo”. Khổ thế.

Đận sang dự liên hoan thơ ở Kolkata, Ấn Độ, nhóm tác giả Việt Nam cũng được mời đến một trường đại học hàng đầu để giao lưu. Xong xuôi trưởng khoa mới mời đoàn xuống phòng khách dùng bữa. Bữa là một suất cơm hộp với “nội dung” sơ sài: Ít mì nguội trộn nước sốt thịt, còn nước đun sôi thì đổ từ chai ra. Đã hai giờ chiều rồi nên cả đoàn đành chén hết sạch. Các nhà thơ xong bữa bình luận với nhau rằng người Ấn cũng nghèo nên phải tiết kiệm. Tôi thì “ăn đói” quen rồi nên cũng tự biết ấy là đặc thù văn hóa, chứ chẳng phải họ keo kiệt hay thiếu trân trọng phía bạn. Đến khi đã thân thiết rồi, mời nhau về nhà ăn cơm thì thậm chí còn giản tiện hơn nữa.

Lần đầu tiên tôi được một người nước ngoài mời về tư gia dùng bữa là chừng hai chục năm về trước. Bà Marlish Buechi người Thụy Sĩ là một tình nguyện viên ở Việt Nam. Bà theo đạo, sống độc thân và rất quý mến tôi. Là hàng xóm nên chúng tôi qua lại thường xuyên. Hôm ấy bà mời tôi về nhà ăn tối. Bữa tối chỉ có bánh mì lát, một ít pho mát và bát salad cà chua, dưa chuột, ớt xanh, hành tây thái hạt lựu trộn dầu dấm. Cả cô bạn Prava người Ấn Độ nữa, sang Việt Nam dạy tiếng Anh và mời đến nhà thưởng thức một bữa chay, duy nhất món cà ri trộn khoai tây, cà chua và súp lơ, với ít cơm trắng. Và anh bạn Dick người Hà Lan, nấu bữa trưa mời ba cô bạn đồng nghiệp Việt Nam bằng một nồi xúp có mấy lát thịt bò mỏng, vài lá rau cải, và cả ít gia vị phở mua ở Việt Nam. Tất cả thả chung vào nước dùng. Không bánh mì, chỉ có súp.

Mấy bận được mời ăn uống “sơ sài” làm vậy, tôi, một người lớn lên ở xứ sở ăn uống linh đình không thể nào quen nổi, nhưng sau cũng tự an ủi: Thôi thì sống để mà ăn chứ ăn để mà sống đâu. 

Tây có nhiều kiểu tiệc, nhưng cung cách mà người Việt ít quen được nhất là tiệc “Finger Food” với những đồ ăn nhẹ có kích cỡ to nhất bằng cái bao diêm để tiện cho việc nhón tay. Trong một số bữa tiệc mà mục đích chính là để giao lưu, đặc biệt giữa những người chưa quen biết nhau thì người ta sẽ sử dụng Finger Food.

MỚI - NÓNG