Loài thú quý hiếm nhất thế giới chỉ còn vài cá thể ở Việt Nam

Loài thú quý hiếm nhất thế giới chỉ còn vài cá thể ở Việt Nam
TPO - Kết quả khảo sát ở nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia, nơi từng ghi nhận Sao La cho thấy, chỉ còn khoảng 1-10 cá thể này ở Việt Nam và Lào, nơi sinh sống duy nhất của loài thú được mệnh danh là kỳ lân châu Á. Sáng nay một lễ ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế về xây dựng chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La đã diễn ra.

Theo các nhà khoa học, Sao La quý hiếm tới mức gần như chưa một nhà sinh vật học nào trực tiếp chạm trán với chúng trong tự nhiên, các hình ảnh thu được đều qua hệ thống theo dõi bằng công nghệ.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1992, chỉ khoảng 10 cá thể Sao La được bắt giữ, đều bởi người dân tại Lào và Việt Nam. Do thiếu các chuyên gia và sự chăm sóc đặc biệt nên thời gian Sao La sống lâu nhất sau khi bị bắt là vài tháng. Lần cuối cùng một cá thể Sao La bị bắt giữ là năm 2010 tại một ngôi làng của Lào và chết trong vòng một tuần sau đó. Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Sao La bị bắt giữ là năm 1998, cách đây 21 năm.

Các nhà nghiên cứu sinh vật cũng chỉ chụp được ảnh bằng máy bẫy ảnh của loài này trong tự nhiên 5 lần  kể từ khi nó được phát hiện cách đây 25 năm. Hình ảnh gần đây nhất của Sao La, được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) lắp đặt, là năm 2013 tại một khu bảo tồn Sao La, miền Trung Việt Nam. Đó là hình ảnh đầu tiên của loài này sau 15 năm. Sao La rất khó tìm kiếm, sống trong những khu rừng rậm rạp, tại các nơi xa xôi và khó tiếp cận. Cùng với sự bí ẩn của mình, Sao la được đặt tên là “Kỳ Lân” của châu Á.

Theo nhóm công tác bảo tồn Sao La, kết quả khảo sát ở nhiều khu vực bảo tồn Việt Nam như Pù Huống ( Nghệ An),  Huế, Quảng Nam, VQG Pù Mát cho thấy, quần thể Sao La còn lại trong tự nhiên cực kỳ ít ỏi, chỉ có khoảng 1-10 cá thể còn tồn tại. Chẳng hạn như ở Khu BTTN Sao La Huế và Quảng Nam, các nhà bảo tồn đã bẫy ảnh ở 707 địa điểm với 74.177 đêm nhưng chỉ thu được một bức ảnh Sao La vào năm 2013.

Lễ ký kết giữa Bộ NN&PTNT và Tổ chức IUCN về xây dựng chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La sáng nay là nỗ lực của quốc tế và Việt Nam trong hy vọng có thể tìm thấy và khôi phục loài thú quý hiếm nhất thế giới. Các nhà bảo tồn đã xây dựng một kế hoạch gồm việc tìm kiếm các cá thể Sao La còn lại qua một chương trình nghiên cứu thực địa tăng cường tại Việt Nam và Lào.

Trường hợp phát hiện ra cá thể Sao La sẽ tiến hành bảo tồn nguyên vị. Một trung tâm bảo tồn nhân nuôi sinh sản Bạch Mã sẽ được xây dựng để bảo tồn trực tiếp. Sau đó sẽ tiến hành bắt các cá thể Sao La, Mang lớn (nếu được tìm thấy) về nơi đây bảo tồn, chăm sóc. Bước cuối cùng là cải thiện môi trường tự nhiên để có thể tái thả về tự nhiên.

MỚI - NÓNG