Loại hình sinh kế hiệu quả thích ứng với mùa lũ đầu nguồn tại An Giang

0:00 / 0:00
0:00
An Giang là một trong những tỉnh đầu nguồn, được Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL) hỗ trợ để triển khai mô hình sinh kế dựa vào mùa lũ, giúp người dân giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mùa nước lũ về không chỉ mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, còn mang theo nhiều “sản vật” có giá trị, như cá, tôm, ốc, cua... và các loại rau đồng thủy sinh.

Tận dụng lợi thế đầu nguồn này, từ sự hỗ trợ của Dự án ICRSL, người dân An Giang đã triển khai loại hình sinh kế, giúp tăng thu nhập. Trong đó, mô hình lúa mùa nước nổi kết hợp thả cá và khai thác thủy sản đã được triển khai trên diện tích hơn 35,5 ha, tại các xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu của huyện An Phú (tỉnh An Giang).

Với mô hình này, lượng giống gieo sạ là 3.800 kg, trong đó, Dự án hỗ trợ 50%, Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ 50% phần đối ứng của nông dân. Dự án ICRSL còn hỗ trợ 50% phân hữu cơ, nông dân đối ứng 50%. Đến nay, lúa gieo sạ phát triển tốt, cây lúa vượt lên mặt nước … Dự kiến khoảng 6 tháng thì thu hoạch, năng suất khoảng 2-3 tấn/ha.

Loại hình sinh kế hiệu quả thích ứng với mùa lũ đầu nguồn tại An Giang ảnh 1

Người dân tận dụng mùa nước lũ để khai thác các loại thuỷ sản

Bên cạnh đó, mô hình lúa - sen - khai thác thủy sản tại xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú), cũng được Dự án hỗ trợ nhằm giúp nông dân có thêm thu nhập vào mùa nước nổi. Mô hình lúa - sen - khai thác thủy sản ở xã Vĩnh Lộc đã phát triển hơn 42ha. Hiện, nông dân thu hoạch xong vụ sen với lợi nhuận tương đối khá và đang đăng lưới khai thác thủy sản.

Qua quá trình khảo sát các mô hình tại các xã mới đây, Lãnh đạo đạo huyện An Phú đã chỉ đạo các xã tiếp tục theo dõi các mô hình sinh kế trong Dự án để kịp thời có những giải pháp giúp đỡ nông dân.

Cùng đó, thông qua hiệu quả của từng mô hình để khuyến khích, vận động nông dân áp dụng thực hiện. Các xã tiếp tục có giải pháp phát triển thêm nhiều mô hình sinh kế mới, giúp nông dân tăng thu nhập mùa nước nổi, góp phần nâng cao đời sống.

Ban quản lý Dự án ICRSL tỉnh An Giang, các cánh đồng trước kia mùa lũ để trống, nông dân không có thu nhập thì nay đã có cây lúa nổi, có con cua, con cá, bà con nông dân vô cùng phấn khởi.

Hoạt động sinh kế từ sự hỗ trợ của Dự án ICRSL tại tỉnh An Giang được thực hiện từ năm 2020 và được chia thành ba vùng: Vùng sinh kế mùa lũ; vùng chuyển đổi lúa 3 vụ và vùng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu với diện tích mục tiêu là trên 16.500 ha.

Loại hình sinh kế hiệu quả thích ứng với mùa lũ đầu nguồn tại An Giang ảnh 2

Dự án ICRSL đã giúp nhiều người dân ở An Giang cải thiện thu nhập

Với vùng sinh kế mùa lũ có 4 mô hình: trồng lúa an toàn – nuôi thủy sản mùa lũ; trồng lúa vụ đông xuân – sen hè thu – khai thác thủy sản mùa lũ; trồng màu (lúa) vụ đông xuân và hè thu – lúa mùa nổi mùa lũ kết hợp khai thác thủy sản cộng đồng và đăng quầng nuôi thủy sản mùa lũ.

Hiện những hoạt động trên đã triển khai và tiếp tục nhân rộng. Hoạt động sinh kế đã giúp tăng cường khả năng trữ lũ, giúp tăng thu nhập cho người dân vùng lũ từ 3-5 triệu đồng/ha.

Đối với vùng chuyển đổi lúa 3 vụ sang rau màu và cây ăn trái, đã đạt mục tiêu dự án đề ra với gần 1.000 ha. Trong đó bao gồm vùng chuyển đổi mới và tác động các biện pháp kỹ thuật trong vùng đã chuyển đổi.

Thực tế, nông dân đã chuyển mới từ lúa 3 vụ sang rau màu và cây ăn trái có sự liên kết của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó nông dân trong vùng chuyển đổi tăng cường sử dụng phân hữu cơ hơn so với trước dự án giúp cải tạo đất, giảm sâu bệnh trên cây trồng.

Từ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của dự án, như việc sử dụng vi sinh xử lý rơm rạ đã giúp giảm đốt rơm rạ, giảm ô nhiễm môi trường tăng hữu cơ cho đất, giảm lượng phân urê sử dụng góp phần giảm phát thải khí nhà kính…

Qua thời gian triển khai với nhiều biện pháp tác động, phối hợp giữa các đơn vị, cán bộ sinh kế không ngại khó khăn, đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể. Các mô hình sinh kế liên kết với doanh nghiệp sử dụng các thiết bị hiện đại, như máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu…được người dân ủng hộ tham gia.

Cùng đó, nhiều cánh đồng trước kia đốt rơm rạ nay được thay thế bằng việc sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp, giúp tăng cường hữu cơ cho đất, giảm phát thải khí nhà kính và diện tích nhân rộng ngày càng nhiều.

MỚI - NÓNG