Loại gia vị người Việt ăn hằng ngày nhưng ít ai biết 'mặt trái' cực độc cho sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Tỏi không chỉ là một món gia vị quan trọng mà còn là phương thuốc chữa bệnh hiệu quả. Thế nhưng không phải ai ăn tỏi cũng tốt và ăn tỏi không đúng cách, không đúng thời điểm còn có thể gây rất nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Tỏi từ lâu được mệnh danh là "thuốc kháng sinh đến từ tự nhiên" bởi các phành phần trong tỏi có tác dụng phòng bệnh và nâng cao hệ miễn dịch tuyệt vời. Bên cạnh đó, tỏi cũng chứa hai hoạt chất liallyl sulfide và ajoene có nhiều tác dụng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh có liên quan tới tim mạch, huyết áp, não bộ…

Ngoài ra, loại củ này còn có công dụng ngăn chặn các notrosamine, giúp ức chế sự tăng trưởng và phòng chống nhiều loại ung thư như: ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư buồng trứng…

Để phát huy công dụng, theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cần ăn tỏi đúng cách nếu không sẽ phá hủy hết công dụng vốn có của nó.

Trong tỏi có rất nhiều các hoạt chất chứa lưu huỳnh như thiosulfinate (allicin), diallyl disulfide và allylpropyl disulfide. Tuy nhiên, các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai và sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao. Do đó, nếu sử dụng với mục đích y học thì ăn tỏi sống mỗi ngày chính là cách hữu hiệu nhất.

Điều trị cảm cúm

Có tính sát khuẩn mạnh và chứa Allicin (một thành phần giúp đặc trị bệnh cảm cúm khá hiệu quả, giúp long đờm, dễ thở, bớt ho và không bị nghẹt mũi) nên khi bị cảm cúm ăn tỏi sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch giúp bạn chống lại những cơn cảm lạnh thông thường.

Trị ho

Tỏi có thuộc tính ấm, khả năng khử hàn ẩm tốt, do đó ăn tỏi sống mỗi ngày chẳng những giúp bạn mau chóng phục hồi sức khỏe mà còn giảm ho hiệu quả.

Lọc độc tố trong máu

Allicin chứa trong tỏi sẽ giúp cơ thể loại bỏ những chất độc hại, tăng cường các tế bào bạch cầu thêm khỏe mạnh, đồng thời allicin còn giúp loại bỏ nicotine để thanh lọc máu và làm sạch hệ hô hấp.

Giảm huyết áp

Khi bạn nghiền và nhai tỏi sống sẽ tiết ra một enzyme gọi là alliinase, dẫn đến sự hình thành allicin, hoạt chất có khả năng làm giảm huyết áp tương tự như các loại thuốc chuyên dùng. Sử dụng tỏi mỗi ngày chính là một trong những phương thuốc chữa bệnh huyết áp cao đơn giản, hiệu quả nhất.

Tốt cho tim mạch

Khi cholesterol xấu tăng lên trong cơ thể, các chất béo lắng đọng trong mạch máu tăng lên, điều này có thể làm giảm lưu lượng máu và gây đột quỵ cho người bệnh. Tỏi có khả năng làm giảm cholesterol, nhờ vậy, thường xuyên ăn tỏi rất tốt cho tim mạch.

Tỏi còn có tác dụng hạ mỡ máu, hạ huyết áp và giảm ngưng tập tiểu cầu ở người lớn, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim.

Tỏi cũng có đặc tính chống đông, do đó làm giảm nguy cơ đau tim, xuất huyết não và các triệu chứng khác với hiệu quả rất tốt.

Ngăn ngừa Alzheimer

Chất dinh dưỡng có trong tỏi giúp bảo vệ tế bào não chống lão hóa, làm giảm cholesterol, hạ huyết áp và có thể ngăn ngừa được các bệnh thần kinh liên quan đến tuổi tác như bệnh mất trí Alzheimer.

Chắc khỏe xương

Tỏi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng hữu ích cho hệ xương như kẽm, mangan, vitamin B6, vitamin C. Trong đó, lượng mangan cao, cùng với các enzyme và chất chống oxy hóa lại rất cần thiết cho sự hình thành xương, các mô liên kết, chuyển hóa xương và sự hấp thụ canxi.

Nhờ vậy, những bệnh nhân về xương khớp sẽ được cải thiện và giảm đau nhức rõ rệt nếu thường xuyên ăn tỏi sống. Đồng thời, ăn tỏi sống còn giúp tăng lượng nội tiết tố estrogen giúp làm chậm quá trình loãng xương ở phụ nữ.

Phòng chống ung thư

Trong một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tỏi mỗi ngày sẽ giúp bạn có khả năng chống lại nhiều căn bệnh ung thư quái ác như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vòm họng nhờ các hợp chất allicin có trong tỏi.

Trị rụng tóc

Theo nghiên cứu năm 2007 trên tạp chí Da liễu Ấn Độ phát hiện một loại gel có chứa tỏi giúp điều trị hiệu quả bệnh rụng tóc và kích thích tóc mọc nhanh hơn.

Trị giun

Tỏi là vị thuốc trị giun đặc biệt, có tác dụng với tất cả các loại giun, kể cả giun đũa và đặc biệt là giun kim.

Những điều nhất định phải cần tránh khi ăn tỏi

Không ăn tỏi để lâu

Hãy đảm bảo rằng tỏi mà bạn dùng với mục đích chữa bệnh vẫn còn tươi, chứ không phải là loại tỏi đã để quá lâu. Các hoạt chất trong tỏi tươi mạnh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều so với tỏi đã để lâu.

Không ăn thường xuyên, liên tục

Không ăn quá nhiều tỏi thường xuyên (tối đa không quá 15g/ngày), không nên ăn quá nhiều tỏi một lần, vì sẽ làm kích thích mắt, dễ gây ra bệnh viêm kết mạc mắt.

Không ăn tỏi lúc đang đói

Ăn tỏi lúc đang đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác sẽ tổn thương dạ dày và đường tiêu hóa nghiêm trọng. Vì tỏi là loại thực phẩm cay, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe nhưng nếu ăn tỏi nhiều khi đói sẽ có tác dụng ngược lại, khiến dạ dày bị kích thích mạnh gây đau nhiều hơn.

Không ăn khi đang uống thuốc

Trong trường hợp đang uống một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị HIV/AIDS... người bệnh không nên ăn tỏi, vì nó có thể tạo ra một số tác hại cho sức khỏe.

Hạn chế ăn nhiều tỏi khi sức đề kháng yếu

Theo kinh nghiệm, ăn tỏi nhiều sẽ tiêu hao khí của con người, đồng thời cũng tiêu hao cả máu, tỏi hăng, nóng, có độc, sinh đờm động nhiệt, tản khí hao máu. Vì vậy, người có thể chất kém, khí huyết yếu cần chú ý.

Người bệnh gan, thận không nên ăn

Ăn các thực phẩm hăng cay như tỏi, ớt cay… không thích hợp với người mắc bệnh gan, thận hoặc đang mắc các bệnh nặng phải dùng thuốc. Với những người này nếu ăn nhiều đồ cay nóng như tỏi có thể làm cho bệnh cũ tái phát, làm mất hiệu quả của thuốc, hoặc thuốc sản sinh ra phản ứng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.

Những 'tác dụng phụ' khi ăn nhiều tỏi

Buồn nôn, nôn mửa và ợ nóng: Ăn tỏi tươi khi bụng đói có thể gây buồn nôn, nôn và ợ nóng. Một số nghiên cứu cũng đã tuyên bố rằng ăn tỏi sống có thể gây ợ nóng và buồn nôn. Ngoài ra, ăn quá nhiều tỏi sống cũng có thể gây ra bệnh GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) ở một số người.

Tiêu chảy: Ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra tiêu chảy, đặc biệt là ăn khi bụng đói. Hơn nữa, những người bị xì hơi thường xuyên cũng không nên ăn nhiều tỏi vì nó có chứa chất fructan, có thể gây sinh bụng, khí trong dạ dày.

Gặp vấn đề về dạ dày: Thực tế, không có bằng chứng nào chứng minh mối liên quan việc ăn tỏi có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày. Một nghiên cứu của Nhật Bản nói về các sản phẩm tỏi dưới dạng viên nén cho thấy, những người ăn sản phẩm này vào đều dẫn đến hiện tượng xuất huyết niêm mạc dạ dày.

Khiến tình trạng xuất huyết tồi tệ hơn: Tỏi có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Do đó, bạn không nên ăn tỏi cùng với thuốc làm loãng máu như warfarin. Hơn nữa, bạn cũng nên ngừng tiêu thụ tỏi ít nhất 7 ngày trước khi phẫu thuật, vì tỏi có tác dụng kháng tiểu cầu và có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết trong khi phẫu thuật.

Đổ mồ hôi: Theo một số nghiên cứu, tỏi cũng có thể khiến một số người đổ mồ hôi nhiều hơn.

Chóng mặt: Ăn tỏi quá nhiều có thể khiến bạn bị hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, cơ chế đằng sau tác dụng phụ này vẫn chưa được nghiên cứu.

Bệnh chàm hoặc phát ban: Tiếp xúc kéo dài với tỏi có thể gây kích ứng da, vì một số enzyme trong tỏi có thể dẫn đến tình trạng này. Và bệnh chàm cũng có thể là một trong những điều kiện đi kèm với dị ứng. Theo một nghiên cứu khác, việc thường xuyên xử lý tỏi để nấu ăn có thể dẫn đến phát ban.

Phản ứng với một số loại thuốc: Theo một nghiên cứu, tỏi đã được tìm thấy có phản ứng với các loại thuốc như: chlorpropamide, fluindione, ritonavir và warfarin.

Gây đau đầu: Tỏi, đặc biệt là khi ăn sống, có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Một số chuyên gia tin rằng, tỏi có thể liên quan đến dây thần kinh sinh ba, dây thần kinh chính trên mặt, có thể gây ra đau đớn. Ăn tỏi sống có thể kích thích dây thần kinh này để giải phóng các phân tử tín hiệu thần kinh được gọi là neuropeptide chạy đến các tế bào bao phủ màng não và gây đau đầu.

Ảnh hưởng đến mắt: Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc ăn quá nhiều tỏi có thể gây ra chứng phù du, nghĩa là xuất huyết bên trong khoang mắt - khoảng trống giữa mống mắt và giác mạc. Dùng tỏi với liều lượng lớn khi đang dùng thuốc chống đông máu có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.

Những món ăn kỵ với tỏi

Thịt gà: Theo lương y Bùi Đắc Sáng, thịt gà là loại thực phẩm có tính ấm (ôn), tính ngọt (cam), vì vậy khi kết hợp với tỏi là tính đại nhiệt (nóng) sẽ khiến món ăn trở nên nóng, khó tiêu và dễ sinh ra táo bón, kiết lị. Nếu bạn bị táo bón vì đã ăn gà với tỏi, để mau khỏi, bạn có thể nấu nước lá dâu uống.

Cá trắm: Cá trắm cũng là một trong những thực phẩm kỵ với tỏi, vì vậy bạn không nên dùng tỏi kết hợp với cá trắm. Mặc dù cá trắm là thực phẩm bổ dưỡng, rất ngon, thịt chắc song trong quá trình chế biến, bạn chỉ nên ướp cá trắm với thì là và gừng, mà không nên sử dụng tỏi. Vì cá trắm có tính bình, vị ngọt không phù hợp với tỏi, nếu cho tỏi (tính nóng) vào dễ gây chướng bụng và khó tiêu.

Cá diếc: Đây là món ăn rất hấp dẫn khi kho mặn, chiên giòn, nấu canh chua,… Thực phẩm này có tác dụng thông huyết mạch, bổ thể nhược, bổ âm huyết, ích khí tiện tì, thanh nhiệt giải độc, thông mạch hạ sữa, lợi tiểu tiêu sưng, khử phong thấp, tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên nấu cá diếc với tỏi, vì chúng kiêng kỵ lẫn nhau. Nếu ăn chung cá diếc và tỏi có thể làm tăng co giật đường tiêu hóa.

Trứng: Theo Đông y, ăn trứng cùng với tỏi có thể gây khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi. Khi tỏi được chiên quá cháy sém cũng sẽ không tốt.

Ngoài ra, còn một số món sau cũng kỵ với tỏi như: Tỏi ăn với các loại thịt như thịt dê, thịt gà, thịt chó thường sinh nhiệt, gây nóng, chướng bụng, khó tiêu,...

Tỏi ăn chung với mật ong dễ dẫn đến tiêu chảy

Tỏi không nên kết hợp với các loại thuốc bổ hoặc dùng với hà thủ ô, đan bì (mẫu đơn bì), địa hoàng,…

Tốt nhất bạn nên tránh kết hợp tỏi với một số thực phẩm nhất định như: đinh hương, gừng, bạch quả, hạt dẻ ngựa, cỏ ba lá đỏ, nghệ, cây liễu, ớt, cây dương để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Cách xử lý hôi miệng sau khi ăn tỏi

Tác dụng bảo vệ sức khỏe của tỏi mỗi người đều biết, trên thực tế có nhiều người không ăn tỏi, vì e rằng sau khi ăn tỏi sẽ hôi miệng, ảnh hưởng khi giao tiếp với người khác.

Thật ra, sau khi ăn tỏi bạn có thể loại bỏ mùi hôi khó chịu bằng các cách như sau:

Trà xanh: Chỉ cần nhai một vài lá trà, nên nhai chậm cho đến khi nước bọt hóa giải lá chè rồi nuốt từ từ. Bạn cũng có thể uống nước chè đặc hoặc dùng nước trà súc miệng, giúp khử mùi hiệu quả sau khi ăn tỏi.

Chanh: Ngậm một lát chanh cắt nhỏ trong miệng hoặc vắt một ít nước cốt chanh hòa với nước và súc miệng sau khi ăn.

Cần tây: Tận dụng cần tây còn dư trong bếp để chữa hôi miệng bằng cách nhai sống 1-2 nhánh cần tây, mùi cần tây sẽ át mùi tỏi nhanh chóng.

Sữa bò: Một nghiên cứu chỉ ra rằng uống 200ml sữa bò làm giảm 50% sự có mặt của ally methyl sulphide là hợp chất gây ra mùi hôi có trong miệng sau khi ăn tỏi. Vì thế có thể uống sữa bò sau khi ăn để chữa mùi hôi miệng.

Nước muối: Pha một muỗng cà phê muối với một ly nước. Súc miệng bằng nước muối giúp khử rất nhanh mùi hôi khó chịu do tỏi gây ra.

Cà phê đen không đường: Nhâm nhi với một ly cà phê đen không đường giúp giảm bớt mùi hôi sau khi ăn tỏi. Nếu không uống được cà phê đen bạn có thể dùng để súc miệng cũng rất công hiệu.

Baking soda: Sử dụng một ít bột baking soda để đánh răng hoặc hòa tan với nước ấm để súc miệng sẽ đánh bay mùi hôi miệng của tỏi.

MỚI - NÓNG