Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, phải xác lập vai trò quản lý, sở hữu Nhà nước về khoáng sản . Ảnh: Hồng vĩnh |
Người dân phải được hưởng lợi
“Dự án bôxít Tây Nguyên mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát về lý thuyết. Sau khi khai thác rồi, có ai dám bảo đảm không có phát sinh gì về môi trường?”, ĐB Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói và dẫn chứng hai sự cố nghiêm trọng trong khai thác khoáng sản trên thế giới: Vụ sập hầm mỏ ở Chile và vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary. Ông Hùng đề nghị đưa vào dự thảo luật quy định về bảo vệ môi trường trước khi khai thác và cách thức giải quyết khi xảy ra sự cố.
Theo ông Hùng, luật cũng nên quy định rõ tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ nguồn thu khoáng sản cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Nếu chỉ hỗ trợ thì đối với người dân: lợi bất cập hại. Họ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi ô nhiễm môi trường, mất việc làm, bị giải tỏa nên không mặn mà với các dự án”, ông Hùng phân tích.
“Về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, UB TVQH cho rằng, mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản là để xóa bỏ tình trạng xin - cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư và để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án. Do đó, đề nghị chỉ quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản” - (Báo cáo của UBTVQH) |
“Khai thác khoáng sản khiến môi trường phải trả giá rất đắt”, ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh. Theo bà Lan, người dân trong vùng khai thác khoáng sản thường phải gánh hậu quả ô nhiễm, nhưng lại ít được hưởng lợi từ việc khai thác.
“Cần bổ sung quy định về đền bù, ký quỹ, trách nhiệm các bên khi xảy ra sự cố về môi trường”- ĐB Lan đề nghị.
Theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), lợi nhuận phải được phân chia cụ thể hơn, “có thể ở mức doanh nghiệp 30%, nhà nước 30% còn người dân là 40%”. “Ai điều tiết lợi nhuận, điều tiết bao nhiêu? Quy định trong dự luật chỉ như một khuyến nghị thế thôi.
Quy định như thế, doanh nghiệp chỉ cần ném ra một khoản, không biết sẽ phân chia thế nào, có khi người dân ở nơi có khoáng sản lại chẳng được bao nhiêu ”, ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa- Vũng Tàu) đặt vấn đề.
Siết điều kiện chuyển nhượng
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) kỳ vọng dự luật này sẽ góp phần chấn chỉnh nạn khai thác bừa bãi, thất thoát tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nhưng muốn thế, theo ông Xuân, phải xác lập được vai trò quản lý, sở hữu nhà nước về khoáng sản. Quyền điều tra thăm dò phải là của nhà nước và nhà nước đứng ra thăm dò. Nên quy định đã thăm dò thì không được khai thác.
“Nếu để người thăm dò được ưu tiên khai thác thì sẽ mất tài nguyên, bởi người thăm dò sẽ công bố sai số liệu để hưởng lợi”, ông Xuân phân tích.
UBTVQH cho rằng, việc cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản là cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực, nên giao Chính phủ quy định cụ thể, chặt chẽ điều kiện chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam), nếu cho phép chuyển nhượng sẽ lặp lại tình trạng mua bán, đầu cơ khoáng sản như trước đây, tức là cấp phép xong là bán. “Doanh nghiệp được cấp phép mà không khai thác thì phải trả lại quyền khai thác, đền bù chi phí để tổ chức đấu giá lại. Do vậy, không nên cho chuyển nhượng” - bà Phương Anh đề xuất.