Lo vỡ trận, Quảng Nam đề nghị Đường sắt không chở người từ Hà Nội và TPHCM về

Ga Tam Kỳ vắng vẻ sau khi Quảng Nam thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế người ở nơi khác về địa phương
Ga Tam Kỳ vắng vẻ sau khi Quảng Nam thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế người ở nơi khác về địa phương
TP - Lo ngại vỡ trận chống dịch COVID-19, Quảng Nam đề xuất bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) dừng vận chuyển bằng đường sắt đối với khách từ hai thành phố này về địa bàn tỉnh.

Về quê là “vi phạm pháp luật”?

Văn bản số 1779 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 nêu rõ, địa phương xác định Hà Nội và TPHCM là hai vùng dịch trọng điểm hiện nay, những người đến từ hai thành phố này phải thực hiện cách ly tập trung và giám sát y tế có thu phí (kể cả người Quảng Nam đang sinh sống làm việc, học tập tại đây).

Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh COVID - 19 tỉnh Quảng Nam khẳng định việc cách ly và thu phí cách ly các trường hợp này hoàn toàn đúng quy định. Hà Nội và TPHCM, nơi có 2 ổ dịch lớn và đã lây lan nhiều ra cộng đồng. Hơn nữa, Bộ Y tế đã khuyến cáo  bắt đầu bước vào giai đoạn nguy hiểm khi Việt Nam mất dấu bệnh nhân F0, bất kỳ ai cũng có thể mang mầm bệnh và tạo sự lây lan trong cộng đồng… Ngoài ra, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Hình sự thì những người từ vùng dịch này cố ý đi đến địa phương khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đến mức nguy hiểm phải xử lý hình sự theo hướng dẫn mới nhất của Toà án tối cao.

“Như vậy có thể khẳng định, người dân Quảng Nam từ Hà Nội và TPHCM về quê sau ngày 1/4/2020 là vi phạm pháp luật. Do họ về từ vùng dịch và có nguy cơ mang theo mầm bệnh nên phải bị cách ly theo Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, do họ vi phạm pháp luật và nằm ngoài kế hoạch đã được phê duyệt của tỉnh nên không thể lo cho họ toàn bộ các khoản chi phí tại nơi cách ly như các đối tượng bình thường khác được, nhất là trong điều kiện khu cách ly của chúng ta đang rất khó khăn, đội ngũ y bác sĩ, lực lượng phục vụ còn hạn chế, ngân sách cũng có mức độ, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường” - BCĐ phòng chống dịch COVID - 19 tỉnh Quảng Nam khẳng định.

Ðề nghị dừng chuyển khách từ Hà Nội và TPHCM

Ngày 6/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân ký văn bản số 1852/UBND-KGVX đề xuất Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Cục đường sắt Việt Nam và Tổng Cty CP đường sắt Việt Nam tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách qua đường sắt về địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 7/4 đến 15/4.

Theo tỉnh Quảng Nam, việc đề xuất này được cho là để hạn chế người dân về từ hai vùng có dịch, nguy cơ vượt quá khả năng nhiều lần về sức chứa cũng như trang thiết bị, nhân lực phục vụ tại các khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Số lượng người dân về bằng đường sắt xuống ga Tam Kỳ hoặc ga Đà Nẵng, rồi đi xe cá nhân về tỉnh Quảng Nam là rất lớn, khoảng từ 50 đến 100 người mỗi ngày.

Ngày 8/4, Bộ GTVT có văn bản phản hồi về kiến nghị trên của tỉnh Quảng Nam. Văn bản số 3310/ BGTVT-VT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký, nội dung: “Theo tinh thần của Chỉ thị số 16/ CT-TTg, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT đã giao Cục đường sắt Việt Nam: Tiếp tục chỉ đạo Tổng Cty đường sắt Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải đường sắt thường xuyên cập nhật tình hình phối hợp với địa phương nắm nhu cầu đi lại của hành khách để hạn chế, tiến tới dừng bán vé cho khách từ ga Hà Nội đến ga Tam Kỳ; dừng bán vé từ ga Sài Gòn đến ga Tam Kỳ để giảm bớt  số lượng hành khách từ 2 thành phố này về Quảng Nam bằng phương tiện đường sắt. Trong quá trình vận chuyển và tại các ga đôn đốc chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát dịch của cơ quan chức năng và địa phương sở tại”.

Trao đổi với PV Tiền Phong về chủ trương này của tỉnh, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, điều này là cần thiết và đúng quy định. “Chỉ thị 16 của Thủ tướng ghi rõ: Bộ GTVT dừng việc vận chuyển hành khách từ địa phương này qua địa phương khác. Việc này là hoàn toàn cần thiết và đúng quy định. Mục đích là hạn chế và khuyến cáo người dân về quê lúc này. Đang thời điểm này mà người dân đi ra đường nhiều quá rồi lỡ lây nhiễm, dịch lan rộng không kiểm soát được vỡ trận thì sao?! Tinh thần chung là lo sức khỏe nhân dân, các chủ trương lúc này là cũng để đảm bảo điều đó”, ông Cường nói.

Về vấn đề thu phí cách ly, Bí thư tỉnh Quảng Nam cho rằng, ban đầu tỉnh yêu cầu thu phí cách ly vì người dân đổ về quá đông, sợ mất kiểm soát. “Cũng nhờ quy định này mới hạn chế người đi về địa phương. Hiện tại, có khoảng 600 người ở 2 thành phố này đã về. Bây giờ tình hình đã được kiểm soát, tỉnh cũng đã kêu gọi được nguồn xã hội hóa nên sẽ miễn phí hoàn toàn cho người dân kể cả tiền ăn ở, xét nghiệm”, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói.

MỚI - NÓNG