Hiện nay, một số trường như Trường ĐH Ngoại thương thu học phí tương tự năm ngoái trong khi chờ quy định mới. Trường ĐH Luật Hà Nội thu theo đúng Nghị định 81 và khẳng định sẽ hoàn trả nếu Nghị định sửa đổi đưa ra mức thấp hơn. Hầu hết trường tư thục, không chịu ảnh hưởng bởi Nghị định 81 đều tăng học phí, phổ biến ở mức 5-10%.
Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trường ĐH Kinh tế |
Trường ĐH Y dược Thái Bình được tự chủ từ năm 2021. Thời điểm đó là đỉnh của dịch COVID-19. Và từ đó đến nay, tuy bị cắt khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước nhưng Trường ĐH Y dược Thái Bình không thể tăng học phí như quy định đối với trường tự chủ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết dự kiến Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 sẽ được ban hành trong tháng 10 để các trường có căn cứ quy định mức học phí cho năm học 2023 - 2024.
Mặt khác, việc giữ nguyên hay tăng học phí theo lộ trình đều được các cơ quan có trách nhiệm đưa ra rất muộn. Hai năm qua, phải đến giữa học kì I, các cơ sở giáo dục ĐH và sinh viên mới biết chủ trương thu học phí như thế nào.
Năm nay, đã gần hết học kì I, trường ĐH vẫn chỉ biết thu tạm mức học phí nào đó, đợi khi có quyết định chính thức rồi tính, gây khó khăn cho sinh viên và hệ lụy là ảnh hưởng đến tâm lí của các gia đình có con em đi học. Theo quy định, các trường đều phải công bố công khai mức học phí khi ban hành đề án tuyển sinh (từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm).
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, vì thế, dù nghị định này đã có hiệu lực nhưng theo yêu cầu của Chính phủ, năm học 2021-2022, các trường ĐH giữ nguyên mức học phí như năm học 2020 - 2021.
Bước sang năm học 2022 - 2023, sau khi các trường đã công bố mức học phí và triển khai thu học phí, ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022. Thực hiện nghị quyết này, hàng loạt trường ĐH đã tăng học phí phải hoàn trả lại cho sinh viên, trong đó có Trường ĐH Y dược Thái Bình.
Đến nay, nhiều trường ĐH vẫn đang băn khoăn về phương án xây dựng mức học phí. Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, quy định học phí cần phải có sớm để tránh tình trạng điều chỉnh, hoàn trả sau khi thu, gây khó khăn cho các trường.