Sợ núi lở, 48 hộ dân ở xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) dựng lán tạm để ở. |
Gần 1 tuần qua, 48 hộ dân ở xóm Lũng Luông (xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã đến bãi đất trống cách xóm khoảng 500m dựng lán ở tạm. Trước đó, từ ngày 8/9, ngọn núi ở xóm Lũng Luông sạt lở, đất đá vùi lấp nhiều căn nhà, tài sản của người dân. |
Sợ núi tiếp tục lở, 48 hộ dân trong xóm bàn nhau đến khu vực Chạn Xá để dựng lán sống tạm qua ngày, chờ chính quyền địa phương bố trí nơi ở mới. |
Dãy lán dựng từ tre, trúc phủ bạt, buộc tạm bằng sợi dây mỏng manh là nơi trú ngụ trong những ngày hiểm nguy của người dân xóm Lũng Luông. |
Bên trong những dãy lán chẳng có tài sản gì ngoài chiếc chiếu, nệm cũ và mấy bộ áo quần cũ. |
Bà Lý Mùi Diện (84 tuổi, trú xóm Lũng Luông) cho hay, đợt sạt lở vừa qua tuy nhà không ảnh hưởng nhưng lo sợ núi sập, bà Diện cùng người thân, hàng xóm rời nhà lên Chạn Xá dựng lán ở tạm. "Con cháu ở nơi khác, tôi chỉ ở một mình. Mấy hôm các đoàn cứu trợ đi qua cho gì thì ăn nấy. Giờ già yếu rồi, chẳng mong gì chỉ mong con cháu mình được bình an", bà Diện buồn nói. |
Gần 1 tuần trước, ngọn núi sau nhà sạt lở, lượng lớn đất đá ào xuống khiến bức tường nhà của ông Lý Dào Sinh (45 tuổi) đổ sập. Bên trong, nhiều tài sản bị hư hỏng, lợn gà cũng bị đất đá vùi lấp. Không còn nhà, ông Sinh theo hàng xóm đến khu Chạn Xá dựng lán ở tạm. Chiếc lán mới lợp rộng chừng 20m2 nhưng là nơi trú ngụ của gia đình ông Sinh và 3 hộ khác gồm con và 2 anh trai. 19 người chen chúc trong không gian chật hẹp nhưng ai cũng động viên nhau cùng cố gắng qua cơn hoạn nạn này. |
"Chật lắm nhưng phải cố ở thôi chứ không dám về nhà cũ nữa, trên núi lở hết rồi. Tôi bàn bạc với mấy người trong xóm, ít hôm nữa nắng lên, phải tìm chỗ nào an toàn để dựng lại nhà mới chứ ở thế này cũng không lâu dài được, rồi con cái học hành nữa", ông Lý Dào Sinh chia sẻ. |
Nhà cửa hư hỏng, thực phẩm dự trữ không còn, mấy ngày qua vợ chồng ông Lý Phụ Cán phải ăn mỳ tôm, bánh và lương khô từ những đoàn cứu trợ dưới xuôi lên. |
"Hôm lên đây chẳng mang được gì giá trị cả, bảo toàn được tính mạng là tốt rồi. Giờ cứ ở tạm đây đã, mong chính quyền sớm tìm nơi ở mới cho chúng tôi an tâm hơn", ông Cán vừa gắp những đũa mỳ tôm ăn vừa nói. |
Mưa lũ làm sạt đường lở núi nên 1 tuần qua dù rất muốn đi học nhưng hai em Lý An Thành (15 tuổi) và em Phượng Chòi Sơn (14 tuổi, áo trắng) không thể đến trường. "Sách vở cũng hư hỏng hết rồi, chúng em mong được giúp đỡ sách, vở mới để đi học. Nhiều bạn trong xóm cũng bị mất sách vở. Chúng em mong không còn sạt lở nữa để được đến trường đi học, gặp lại bạn bè, thầy cô", Lý An Thành chia sẻ. |
Ngồi trong chiếc lán vừa được mọi người hỗ trợ dựng lên, Lý Pụ Kinh (22 tuổi) ôm đứa con gái bé nhỏ vào lòng rồi nhìn xa xăm mơ hồ. Kinh chia sẻ, lo lắng cho tương lai gia đình khi không biết những ngày tới sẽ đến đâu ở cho an toàn vì nhìn đâu cũng thấy sạt lở. |
"Sợ núi lở nên em dẫn vợ ôm con lên đây cùng xóm làng dựng lán ở tạm chứ không dám về nữa. Vội đi nên em chỉ mang theo được chăn màn, túi quần áo hàng ngày. Ít hôm nữa nắng lên chắc em phải nhờ hàng xóm xuống tháo dỡ ngôi nhà cũ để tìm nơi ở mới", Kinh tâm sự. |
Rời xa "nơi chôn nhau cắt rốn" nên người dân phải ra mương nước giặt đồ, nhóm bếp nấu ăn giữa những bãi đất trống. |
Sau vụ sạt lở cuốn trôi 6 ngôi nhà ở xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình), nhiều hộ dân lo sợ lũ quét nên đã dọn ra bãi đất trống cách nhà cũ hơn 500m để dựng lán sống tạm. |
Ngồi trong chiếc lán vừa mới dựng xong 4 hôm nay, Triệu Kiềm Quấy (27 tuổi, trú xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình) lo lắng những ngày tới không có gì ăn. Bởi vụ sạt lở núi hôm 9/9 đã khiến nhà của Quấy mất một nửa, ruộng cũng bị đất đá vùi lập. Con lợn, con bò Quấy nuôi cả năm nay là tài sản lớn nhất cũng bị lũ quét cuốn trôi mất. |
"Năm nay nhà em không có thu hoạch. Giờ mong nhà nước hỗ trợ lương thực ăn và giúp sửa lại cái nhà để ở", Quấy nói rồi đưa ánh mắt đượm buồn hướng về hiện trường nơi vừa xảy ra vụ sạt lở khiến 9 người trong xóm tử vong thương tâm. |
Ông Hoàn Tòn Sao - Chủ tịch UBND xã Ca Thành, cho biết, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã dựng nhà bằng lều bạt cho các hộ dân bị thiệt hại trong vụ sạt lở ở tạm. Về lâu dài, xã sẽ lên phương án bố trí nơi ở kiên cố, an toàn cho các hộ dân nơi đây. "Giờ người dân cần thiết nhất là nhà để ở và vốn để làm lại cuộc sống. Trước mắt, xã đã bố trí tạm cho người dân ở. Về lâu dài xã đang tìm mặt bằng để lên phương án làm nhà kiên cố. Ruộng thì phải cải tạo để sản xuất lại nhưng chưa thể làm ngay vì đất nhão nhoẹt, múc lên sẽ sạt xuống nên phải chờ khô mới làm được", ông Sao nói và cho hay, dự kiến phải mất vài tháng mới có thể khôi phục lại ruộng vườn cho bà con nơi đây. |
Theo thống kê của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), đợt lũ quét, sạt lở đất vừa qua đã khiến huyện này bị thiệt hại nặng nề với 52 người chết, và khoảng 5 người mất tích. Hơn 110 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn và ảnh hưởng nặng. Có gần 2.000 người phải sơ tán khẩn cấp.
Về công tác cứu trợ, tính đến ngày 15/9, có hơn 50 đoàn về cứu trợ người dân Nguyên Bình bị thiệt hại do thiên tai. Số tiền cứu trợ là 730 triệu đồng, 11 tấn gạo, 1.559 thùng mì tôm, 436 bộ chăn màn và gối, 141 thùng sữa…