348 người chết và mất tích do mưa lũ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến ngày (15/9), do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất đã khiến 348 người chết và mất tích, trong đó có 281 người chết, 67 người mất tích.
Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nhất khi có tới 118 người chết, 50 người mất tích. Cao Bằng có 53 người chết, 5 người mất tích. Yên Bái có 53 người chết, 1 người mất tích. Quảng Ninh có 25 người chết. Ngoài ra, tại các các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa…đều có người chết và mất tích.
Mưa lũ đã khiến hơn 235.300 nhà bị hư hỏng, tập trung tại: Quảng Ninh hơn 102.400, Hải Phòng hơn 102.800, Lào Cai hơn 7.200, Lạng Sơn 3.570, Bắc Ninh 3.470, Bắc Giang 3.290, Yên Bái 2.400...
Mưa lũ khiến hàng nghìn ngôi nhà người dân miền Bắc ngập sâu trong nước. |
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng khi có 200.250 ha lúa, 50.600 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; hơn 31.700 ha cây ăn quả bị hư hại, 3.270 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, và gần 21.800 con gia súc, 2,6 triệu con gia cầm bị chết.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,… Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Đến nay đã xảy ra 584 sự cố đê điều tại các tỉnh phía Bắc. Hiện mực nước lũ đã rút, nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở đê, kè, … Các địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các tuyến đê, cập nhật, tổng hợp sự cố đê điều) trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang...
Sạt lở, ngập lụt gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng các tuyến đường
Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến nay, các đơn vị quản lý đường bộ, các sở giao thông vận tải đã khắc phục và giảm được 554 vị trí trong số 567 vị trí sạt lở trên các quốc lộ ở miền Bắc để thông đường toàn bộ mặt đường, hoặc thông một phần mặt đường phục vụ giao thông. Song vẫn còn 13 vị trí ách tắc do sạt lở, sụt lún nền đường với khối lượng lớn, địa hình khó khăn chưa thể đưa máy móc vào thi công.
Tỉnh Lào Cai có 4 vị trí gồm: 1 vị trí sạt lở trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai; 1 vị trí trên quốc lộ 4E bị sạt lở ta luy âm đứt nền đường và 2 vị trí sạt ta luy dương trên quốc lộ 279. Dự kiến các vị trí này được thông xe từ ngày 20 đến 30/9.
Tỉnh Bắc Kạn có 3 vị trí trên quốc lộ 279 đoạn từ thành phố Bắc Kạn sang tỉnh Tuyên Quang do sạt lở ta luy dương và ta luy âm khối lượng lớn. Dự kiến các vị trí này được thông xe từ 25/9.
Tỉnh Tuyên Quang có 2 vị trí tắc trên quốc lộ 2C do nền đường xuất hiện cung trượt lớn, nguy cơ cao về mất an toàn giao thông; vị trí còn lại nguy cơ đá tảng sạt gây mất an toàn.
Sạt lở khiến các tuyến đường ở các tỉnh phía Bắc ùn tắc, nguy hiểm. |
Dự kiến kiểm tra, đánh giá cho thông xe tạm vị trí đá lăn trước ngày 20/9; vị trí cung trượt sâu đề phòng gây tai nạn với nhiều người cần tiếp tục theo dõi, phân luồng giao thông để tránh và lập dự án sửa chữa.
Tỉnh Thái Nguyên có 1 vị trí mưa lũ gây đứt hoàn toàn nền mặt đường Hồ Chí Minh (km205+900). Dự kiến hết tháng 9 sẽ khôi phục tạm để thông xe.
Tỉnh Cao Bằng có 1 vị trí trên quốc lộ 3 (km297+500) do nền đường xuất hiện cung trượt lớn, nguy cơ cao về mất an toàn giao thông. Dự kiến kiểm tra, đánh giá, xử lý cho thông xe tạm trước ngày 30-9.
Tỉnh Nam Định có cầu phao Ninh Cường hư hỏng, cần chờ nước rút để đánh giá toàn bộ và sửa chữa khắc phục.
Tỉnh Quảng Ninh có 1 vị trí trên quốc lộ 18B tại khu vực Bình Liêu bị đứt nền đường do nền đường đắp cao bị sạt lở và trôi cống tại vị trí này. Hiện đã phân luồng giao thông qua quốc lộ 18, 18C, 4B và các tuyến đường tỉnh để tránh vị trí này.
Ngoài những điểm sạt lở, sụt lún nền đường đang gây tắc đường, tổng số vị trí bị hư hại, ngập nước, sạt lở, vùi lấp tại các quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc là 4.177 vị trí.
Ước tính khối lượng sụt và khôi phục nền đường hàng trăm ngàn m3 đất, đá và sửa chữa hàng trăm ngàn m2 mặt đường để khôi phục giao thông.
Ngoài ra mưa lũ làm sập đổ 2 nhịp cầu Phong Châu; tạm dừng khai thác 4 cầu trên quốc lộ do nước sông dâng cao, chảy xiết; dừng khai thác 3 (trong số 4) bến phà trên quốc lộ tại Nam Định, Thái Bình do nước dâng cao, chảy xiết; hư hỏng 1 cầu phao tại Nam Định
Bước đầu, ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra là cần hơn 500 tỷ đồng. Chi phí để xây dựng lại các tuyến quốc lộ bị thiệt hại, hư hỏng do bão, mưa lũ, sạt lở đất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ước tính 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí xây cầu Phong Châu mới).