Lộ nguyên nhân khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dễ bị ngập

TPO - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có 2 hệ thống thoát nước chính ra các kênh. Tuy nhiên, do các kênh bị lấn chiếm, dòng chảy bị thu hẹp cũng như một phần hệ thống cống thoát nước đặt không hợp lý dẫn đến sân bay bị ngập.

Ngày 9/6, tại buổi thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TPHCM, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 hướng thoát nước chính. Trong đó một hướng thoát nước ra kênh A41, hướng thứ hai ra kênh Tham Lương, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Lộ nguyên nhân khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dễ bị ngập ảnh 1Ông Vũ Văn Điệp trao đổi với báo chí

Hướng thoát nước ra kênh A41 được xây dựng từ khi có sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện nay do lấn chiếm kênh rạch, vứt rác bừa bãi dẫn đến khả năng thoát nước của con kênh giảm đi rất nhiều. "Nếu khôi phục và trả lại hiện trạng của con kênh như thiết kế ban đầu thì không còn ngập nặng ở sân bay như vừa qua", ông Điệp nói.

Đối với kênh Hi Vọng (chảy ra kênh Tham Lương), hiện nay bị lấn chiếm một phần, một phần ảnh hưởng từ cống ngăn trên đường Phan Huy Ích đã tạo thành một điểm nghẽn thoát nước. Hiện nay TPHCM đang triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Phan Huy Ích cũng như trên kênh Hi Vọng.

Ngoài ra, đối với một số con đường khác bị ngập, ông Vũ Văn Điệp cho rằng do ảnh hưởng từ quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cao tầng, bê tông hóa....dẫn đến lượng nước thẩm thấu xuống lòng đất hạn chế, lượng nước đổ dồn vào hệ thống thoát nước quá tải. Điển hình là điểm ngập trên đường Tô Ngọc Vân (quận 12), toàn bộ nước mưa đổ dồn vào hệ thống thoát nước, trong khi ở tuyến đường này chỉ có 2 hệ thống cống thoát nước không thoát kịp.

Lộ nguyên nhân khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dễ bị ngập ảnh 2 Ngập nước trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh PV

Nói về công tác ứng cứu ngập, ông Vũ Văn Điệp cho biết, hiện TPHCM tổ chức vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác cảnh báo, hướng dẫn người dân tham gia giao thông qua các khu vực ngập nước.

Theo dõi công tác vận hành trạm bơm chống ngập tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có công suất 27.000m/giờ đến 96.000m/giờ do Công ty cổ phần tập đoàn Quang Trung thực hiện. Đôn đốc yêu cầu các chủ đầu đẩy nhanh việc thực hiện dự án đang thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và thanh thải các chướng ngại vật chặn dòng ảnh hưởng gây ngập tại các tuyển đường.

Hiện nay TPHCM còn ngập ở 22 tuyến đường gồm: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá. Chiều sâu ngập từ 0,10m đến 0,30m (chiều sâu ngập được đo tại vị trí 1/4 chiều rộng mặt đường), thời gian nước rút hết nước trên các tuyến đường sau khi hết mưa từ 10 phút đến 40 phút.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.