Lo ngại về bội chi ngân sách và tái lạm phát

Lo ngại về bội chi ngân sách và tái lạm phát
TPO - Lo ngại lạm phát tái xuất khi thực hiện kích cầu, bội chi ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... là những vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận trong cuộc họp Quốc hội hôm nay, 26/5.

Phân tích khá sâu về vấn đề kích cầu và điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, việc thực hiện kích cầu có thể đẩy cao thêm hệ số ICOR (Incremental Capital - Output Rate: hệ số sử dụng vốn, hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm), trong khi hệ số này đang có dấu hiệu bất ổn trong phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, nếu năm 1997, hệ số ICOR của Việt Nam là 3,5, thì từ năm 2005 đến nay, hệ số đó liên tục tăng qua từng năm là 4,85; 5,04; 5,38 và năm 2008 là 6,68.

Nếu so sánh với Đài Loan, càng thấy ICOR của chúng ta rất cao. Đài Loan giữ được nhịp độ tăng trưởng bình quân là 9,7% trong suốt 20 năm, mà chỉ cần đầu tư bình quân 26,2% tổng GDP. Còn chúng ta, trong mấy năm qua, để có tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%, phải đầu tư bình quân 33,5% tổng GDP. Nói một cách khác, ta phải trả gần gấp đôi Đài Loan cho 1% tăng trưởng.

“Trong điều kiện kích cầu, nếu các dự án được lập ra có chất lượng kém, triển khai chậm, không đúng mục đích, sẽ làm thất thoát, lãng phí nguồn vốn và lại đẩy hệ số ICOR lên cao. Vì vậy, tôi xin đề nghị Quốc hội cùng Chính phủ phải giám sát và chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng vốn nói chung, đặc biệt là vốn từ các gói kích cầu” - Ông Hùng đề nghị.

Vẫn theo ông Hùng, việc kích cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh và làm tăng thêm nguy cơ tiêu cực, tham nhũng hoặc tạo sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, các khu vực kinh tế và các địa phương.

Đại biểu Lê Thanh Phong  (Lâm Đồng) cũng cho hay, cần nêu rõ sử dụng nguồn vốn kích cầu như thế nào để nhân dân và Quốc hội biết, giám sát. Tránh tình trạng, một số doanh nghiệp lợi dụng hỗ trợ lãi suất để đảo nợ ngân hàng, cũng như việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% xuống 5%.

"Theo tôi, nếu chúng ta thực hiện các gói kích cầu hiệu quả, khả năng đạt được không chỉ 5% mà có thể cao hơn".

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Văn Tỉnh  (Hoà Bình) nói, giải pháp kích cầu còn một số hạn chế như mới giải quyết được một số hạn chế trước mắt và chưa có giải pháp dài hạn về phát triển kinh tế hậu suy thoái. Chính sách hỗ trợ còn nặng tính bình quân.

“Việc miễn thuế thu nhập cá nhân thực chất là trợ cấp cho người có thu nhập tương đối cao trong xã hội và nhu cầu về hướng tiêu dùng của nhóm này không phải là hàng sản xuất trong nước. Việc thực hiện chính sách kích cầu nêu trên phải tiên lượng được phản ứng của thị trường”-  Ông Tỉnh phát biểu.

Nhìn theo khía cạnh khác, đại biểu Phạm Thị Loan  (thành phố Hà Nội) cho rằng, cần xây dựng những chính sách nhất quán và lâu dài, trên cơ sở tầm nhìn sâu rộng để tránh cho nền kinh tế chuyển đổi từ thái cực này sang thái cực khác.

Theo bà Loan, chúng ta cần định dạng lại nền kinh tế để thấy rõ những khu vực yếu kém cần tập trung hỗ trợ, xác định những ngành kinh tế mũi nhọn để quan tâm đặc biệt và nhân cơ hội này, tái cơ cấu lại nền kinh tế.  

Đại biểu này cũng nêu quan điểm, vấn đề bội chi ngân sách phải tính toán kỹ. Nếu tính cả trái phiếu Chính phủ vào bội chi ngân sách, thực tế bội chi ngân sách dự kiến sẽ tăng trên 10%. Như vậy, sẽ có nguy cơ tái lạm phát.

“Tôi đề nghị xem lại mức bội chi này. Chúng ta chỉ nên ở mức tối đa 7%, gồm cả trái phiếu Chính phủ. Chính phủ nên xem xét giảm bớt một số khoản chi tiêu không cấp bách, tăng cường thúc đẩy một số khoản thu và xem lại những khoản miễn, giảm cho một số đối tượng chưa cần thiết” - Bà Loan nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) cũng cho rằng, với điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta phải điều chỉnh mức bội chi nhưng đề xuất 8% là quá cao.

“Nếu chúng ta tính cả việc phát hành trái phiếu Chính phủ là 64.000 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách Nhà nước, thì mức bội chi có thể lên trên 10%. Tôi đề nghị quy định và cố gắng làm sao khống chế mức bội chi ngân sách không quá 7%” - Ông đề xuất.

Người nghèo tăng do mất việc

Nhìn dưới góc độ người lao động, đại biểu Lê Thanh Phong (Lâm Đồng) nói, suy giảm kinh tế tác động nặng nề đến người nghèo, công nhân trực tiếp lao động trong các doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, hàng trăm nghìn công nhân bị thiếu hoặc mất việc làm. Số này từ nông thôn ra đi, nay lại quay về, làm cho khu vực nông thôn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chắc chắn, đối tượng nghèo sẽ tăng lên. 

“Tôi đề nghị Chính phủ cần có cuộc điều tra để xác định số lượng công nhân mất việc ở các doanh nghiệp vừa qua trong cả nước và đối tượng tái nghèo, phát sinh nghèo do tác động khủng hoảng, từ đó có chính sách thỏa đáng đối với các đối tượng này” - Ông Phong nói.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) tỏ ra khá băn khoăn với chỉ tiêu đề ra là tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động. Đây là chỉ tiêu quá cao so với thực tế hiện nay, không thể thực hiện được.

“Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhiều nước cắt giảm lao động, lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng bị cắt hợp đồng trước thời hạn, phải quay về Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam khó khăn trong việc xuất khẩu lao động. Tôi đề nghị, nên điều chỉnh chỉ tiêu này từ 1,7 triệu xuống một triệu đến 1,1 triệu” - Bà Kim Anh nêu quan điểm.

Băn khoăn vấn đề môi trường

Một số đại biểu băn khoăn, khi thực hiện các dự án bauxite, sẽ không an toàn về môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khía cạnh văn hóa và phát triển bền vững...

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói, báo cáo của Chính phủ về khai thác bauxite cho thấy, chưa tự giải đáp được ba vấn đề mà dư luận rất quan tâm. Đó là hiệu quả kinh tế tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

“Vấn đề nữa là bùn đỏ, với lượng Alumin chúng ta sản xuất ra, thì từ năm 2015 mỗi năm thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là thải ra 1,5 tỷ tấn. Đấy là những quả bom bùn treo trên cao, trên Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ nên chỗ này phải tính” - Ông Thuyết nêu.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ? 

MỚI - NÓNG