Lo ngại công dân nước ngoài “ở lì” tại Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang). Ảnh Như Ý
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang). Ảnh Như Ý
TPO - “Đề nghị ban soạn thảo trả lời là đã khảo sát thực tiễn chưa bởi tôi được biết ở TPHCM có nhiều công dân nước ngoài vào sau đó còn ở lì tại Việt Nam, chúng ta đuổi họ về cũng là một khó khăn, nếu không khéo thì ở đây sẽ là tụ điểm của tội phạm, lừa đảo”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sáng 18/11, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định, bản chất của việc cấp thị thực là nước nào cũng có thể đưa ra điều kiện để hạn chế việc công dân nước ngoài vào đất nước mình.

“Nhưng ở đây chúng ta đã cho tất cả công dân các nước, nếu có nhu cầu cần thiết vào. Đề nghị ban soạn thảo trả lời là đã khảo sát thực tiễn chưa bởi tôi được biết ở TPHCM có nhiều công dân nước ngoài vào sau đó còn ở lì tại Việt Nam, chúng ta đuổi họ về cũng là một khó khăn, nếu không khéo thì ở đây sẽ là tụ điểm của tội phạm, lừa đảo”- ông Bộ nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị làm rõ việc áp dụng công nghệ thông tin, số hóa và các phương tiện trực tuyến để cấp thị thực có thuận lợi, dễ dàng và đỡ tốn kém.

“Rất nhiều quốc gia không cần visa điện tử nhưng toàn bộ quá trình nộp hồ sơ là trên mạng hết. Người ta trả lời rất đúng hạn và không nhũng nhiễu tất cả mọi việc chính xác và đúng thời hạn. Ngày cuối cùng anh nhận, thậm chí anh có thể nhận visa bằng bưu điện. Sự thuận lợi đó cực kỳ quan trọng đối với người cung cấp visa.

Hiện nay, người ta đi nước ngoài rất nhiều trừ đại gia và nhà đầu tư, những nhà khoa học nhưng nói chung người ta đều lên chương trình trước một năm, trước vài tháng, kể cả rất nhiều người đi du lịch mua vé trước 6 tháng.... Không có đột xuất tuần sau đi tuần này, do đó tôi đề nghị phân biệt giữa hai việc này”, ông Nghĩa phân tích.

“Vừa rồi có chuyện hộ chiếu đường in lưỡi bò vào bìa, nếu bây giờ chúng ta cấp, họ đến cửa khẩu của mình họ đưa hộ chiếu thì trang nhân thân không in đường lưỡi bò, nhưng bìa in hình lưỡi bò, lúc đó chúng ta giải quyết như thế nào?, ông Nghĩa nói thêm.

Đáp lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử là để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người nước ngoài chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời và bảo lãnh theo quy định.

“Có thể nói đây là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020”, ông Tô Lâm nói.

Theo ông Lâm, trước đây theo quy trình thông thường là người nước ngoài đến xin thị thực có thể nộp giấy tờ hoặc liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan xuất, nhập cảnh ở trong nước để xin vào nhập cảnh, nhưng xem xét giải quyết cuối cùng là cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh là đại diện của cơ quan an ninh. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là người được cấp thị thực cũng chỉ trên cơ sở được sự đồng ý của cơ quan trong nước thì mới cấp thị thực.

Bây giờ không qua trung gian đó nữa mà cơ quan xuất, nhập cảnh giao dịch trực tiếp với người nước ngoài, xét và trả lời một cách trực tiếp thông qua mạng điện tử. 

MỚI - NÓNG