ĐB tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Minh Thuyết phát biểu ý kiến . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Hôm qua, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và của các cơ quan hữu quan.
Nhìn vào bức tranh nguồn thu năm 2008, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, tăng thu chủ yếu từ giá dầu và thuế xuất nhập khẩu, nguồn tăng thu từ sản xuất kinh doanh chưa rõ. Như vậy, thu ngân sách chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, vượt chi quá lớn, đến 13,5% dự toán.
“Chi còn thiếu tính chiến lược, tính pháp lý, chi xây dựng cơ bản vượt 18% cho thấy sự dàn trải kéo dài, thanh toán vượt khối lượng. Vấn đề này đã được đặt ra trong nhiều kỳ trước, nhưng chậm khắc phục”- ĐB Tuyết phân tích.
Ngoài ra, chi chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình 135 v.v... còn xảy ra việc chi sai mục đích, sai đối tượng. Tuy nhiên, lại không thể xử phạt nghiêm khi có hành vi sử dụng, điều hành nguồn ngân sách không minh bạch, không phát huy hiệu quả. Đáng lo hơn, kết dư có xu hướng ngày càng tăng dẫn đến Chính phủ luôn phải ứng phó vay ở mức ngày càng cao.
Đối thoại nghị trường Bệnh “thích dự án”có khoảng hơn chục năm nay rồi, nếu chúng ta không chữa thì nền kinh tế còn đi xuống, tại sao vỉa hè đang yên đang lành thì bóc ra để thay bằng thứ đá trơn trượt hơn, ít nữa lại bóc thứ đá đó đi để thay lại, chỗ này tôi nghĩ chắc có vấn đề thích dự án. - ĐB Nguyễn Minh Thuyết
“Trái phiếu Chính phủ mấy năm nay chúng ta tăng lên, và đến năm nay nó tăng lên 56 rồi 64 nghìn tỷ đồng rồi, nhưng để ngoài nguồn thu, ngoài nguồn chi. Như vậy tình trạng chạy dự án như anh Thuyết vừa nói rất nhiều thì Quốc hội không kiểm soát được” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung |
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) gọi những yếu kém trong chi ngân sách là bệnh: “Kỳ họp trước, Quốc hội đã nêu lên những căn bệnh của việc thu, chi ngân sách nhưng đến nay cũng không khắc phục được bao nhiêu: một là thu chưa vững chắc; thứ hai là chi ngân sách dàn trải; thứ ba chi ngân sách không hiệu quả; thứ tư là kỷ luật chi không nghiêm. Nhưng còn một bệnh nữa - đó là bệnh chi hoành tráng. Những bệnh này vẫn chưa chữa được. Chi kém có hiệu quả thậm chí còn nặng hơn: Chỉ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) lên đến 8, trước đây chỉ là 5, 6.
Bộ trưởng LĐ - TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích sở dĩ ICOR cao vì ta tính vào đây cả đầu tư chính sách. Tôi hiểu chính sách ở đây là đầu tư cho miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng nếu trừ phần đó ra thì ICOR chắc vẫn cao. Phải xem chi cho đầu tư để phát triển những vùng như thế đã thật cao chưa? Nếu so 1,2 km đường Hà Nội hết 600 tỷ đồng thì chi ở miền núi là bao nhiêu, đã đến mức tới hạn chưa, vì sao chi như thế không có hiệu quả?
Chưa thấy ai từ chức
ĐB Thuyết nói, bệnh hoành tráng càng ngày càng nặng nề. Ở Việt Nam có bệnh cái gì cũng thích to nhất, dài nhất, đường sắt cao tốc sắp tới dài nhất thế giới, bánh chưng cũng muốn to nhất để ghi vào Guinness.
Kỷ luật không nghiêm, bệnh này vẫn tiếp tục làm sập cầu, ba, bốn cái cầu sập chưa thấy ai bị kỷ luật, chưa thấy ai từ chức, không ai xin lỗi nhân dân. Cầu sập không phải chỉ là vấn đề giao thông, xây dựng, đấy là vấn đề chi ngân sách. Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành được nhiệm vụ và gây tốn kém.
Xét duyệt lương cho lãnh đạo của Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC thì cao ngất ngưởng, gấp 10 lần lương của Chủ tịch nước, ai duyệt cái này, đó có phải là hình thức tham nhũng không? Nếu đó không phải là hình thức tham nhũng thì nó thể hiện là không biết xót tiền của dân, không biết kính trọng từng đồng xu của ngân sách.
“Tại sao trong khi đồng bào của mình đang phải đu dây để vượt qua những con sông, các cháu học sinh đu dây vượt sông để đi học hằng ngày mà mình không phát triển đường ở đấy? Những người tiêu bằng tiền Nhà nước đã không biết xót?” - ĐB Thuyết đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho biết, trong quyết toán và trong hệ thống hiện nay số để ngoài nguồn thu hoặc nguồn chi ngân sách còn rất lớn, có xu hướng tăng lên như vốn vay trái phiếu Chính phủ, các phần xổ số để lại cho địa phương, phần ghi thu, ghi chi.
“Quản lý tốt đồng tiền tức là chống tham nhũng tốt. Tiền ở đây là tài nguyên của đất nước, là thuế của người dân đóng góp, kể cả tiền đi vay. Cho nên chúng ta phải nâng chất lượng nền tài chính tốt hơn” - ĐB Dung đề nghị.