Theo PGS.TS Đoàn Văn Đệ (Chủ nhiệm Bộ môn Tim-thận-khớp-nội tiết, Học viện Quân y, Viện 103): Tất cả các bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... khi có triệu chứng nặng ngực, đau nhói ngực sau xương ức cần phải đến cơ sở y tế sớm để được làm xét nghiệm và đo điện tim nhằm phát hiện sớm bệnh mạch vành. Tại bệnh viện, những trường hợp nghi ngờ nghi ngờ có thể cho làm điện tâm đồ gắng sức nhằm nâng độ nhạy trong việc phát hiện sớm bệnh này.
Bạn hãy ghi nhớ và điều chỉnh 3 thủ phạm sau đây để sức khỏe bạn luôn an toàn:
1. Mỡ máu cao (lipid cao)
Lipid cao là một yếu tố quan trọng đưa đến bệnh tim mạch. Chất mỡ này tuy không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày, nhưng rất nguy hại khi dùng nó quá nhiều.
Cholesterol sẽ nằm trên lớp vách mỏng của các động mạch và ngay cả trên tim nữa. Dần theo năm tháng, lớp mỡ này dày lên và giảm bớt kích thước của các động mạch. Hoạt động của máu trong việc vận chuyển ôxy trở nên yếu, không đủ nuôi các cơ quan bộ phận trong cơ thể khi cần phải cố sức làm việc gì đó, dẫn đến những cơn đau ở ngực, đó là tình trạng nguy hiểm của chứng đau thắt ngực, do thiếu máu đến tim.
Muốn bảo vệ tim, phải có chừng mực với hàm lượng cholesterol. Nếu bạn ăn những thực phẩm có hàm lượng cholesterol dưới 2g trong ngày, bạn không cần lo lắng gì cả, nhưng lần sau đó phải chú ý. Trên 2,5g trong ngày, bạn phải theo một chế độ ăn kiêng và đôi khi phải uống thuốc thêm.
2. Áp huyết cao
Cũng gây nguy hiểm đáng kể cho tim mạch và là thủ phạm hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Theo định nghĩa của Hội Tim mạch Hoa Kỳ thì áp huyết bình thường là từ 130/85mmHg trở xuống. Nếu bị tăng huyết áp (huyết áp tối thiểu từ 90mmHg trở lên và huyết áp tối đa từ 140mmHg trở lên) thì hãy tích cực chữa trị, đưa chỉ số huyết áp về dưới 130/80mmHg. Tuy nhiên, áp huyết phải dưới 120/80 thì mới được kể là “lý tưởng”.
Cách đơn giảm để hạ huyết áp là dùng thuốc hạ áp huyết đã “cứu” được mạng của rất nhiều người và còn giúp nhiều người khác tránh khỏi những bệnh gây tàn tật như bệnh tai biến mạch máu não. Nếu dùng thuốc mà không thấy giảm huyết áp thì bạn nên đến bác sỹ để được tham vấn.
Từ 18 tuổi trở lên hãy đo huyết áp và nhớ con số của mình. Nếu huyết áp bình thường (huyết áp tối thiểu trong khoảng 60-89mmHg và huyết áp tối đa trong khoảng 90-139mmHg) thì chỉ cần đo lại hàng năm. Chỉ có đo huyết áp mới phát hiện được tăng huyết áp.
3. Bệnh đái tháo đường
Người bị đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp 2-3 lần người không bị đái tháo đường. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường bị bệnh tim mạch cao gấp 3 lần phụ nữ bình thường. Đàn ông mắc đái tháo đường thì bị nhiều bệnh tim mạch gấp 2 lần đàn ông bình thường. Khoảng 2/3 những người có đái tháo sẽ tử vong vì những bệnh tim mạch.
Tắc các mạch máu và đường huyết tăng cao cũng gây tổn thương cơ tim và làm nhịp tim không đều. Bệnh nhân bị tổn thương cơ tim gọi là bệnh cơ tim, có thể không có triệu chứng trong giai đoạn sớm nhưng về sau xuất hiện các triệu chứng yếu mệt, khó thở, ho khan, mệt mỏi và phù chân. Đái tháo đường có thể làm mất cảm giác đau ngực, là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim của bệnh mạch vành
Vì vậy, người bị đáo đường đều nên đặc biệt chú ý và ngăn ngừa bệnh tim mạch sớm. Dĩ nhiên chế độ ăn, thể dục, uống thuốc và chích thuốc là rất quan trọng.
Các biện pháp phòng tránh hữu hiệu
Theo PGS.TS Đoàn Văn Đệ, phòng bệnh tim mạch có nghĩa là chúng ta phòng ngừa làm sao để hạn chế mắc 3 căn bệnh trên. Các biện pháp phòng bệnh tim mạch bao gồm:
- Ăn ít muối: Ăn ít muốn không chỉ giảm lipid cao trong máu, bệnh đái tháo đường, mà càng ăn ít muối huyết áp càng thấp. Một nghiên cứu của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia (Mỹ) cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp. Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.
- Ăn nhiều rau quả, ngũ cốc: Nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đều cho thấy chất xơ trong rau quả và các loại đậu có tác dụng chuyển hoá các chất béo và làm hạ huyết áp, điều chỉnh được lượng đường huyết trong máu. Nhiều loại rau củ quả, các loại hạt, đậu nành…
- Hạn chế thịt: Thịt và mỡ động vật nhất là các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò và các loại sữa và trứng có hàm lượng mỡ bão hoà cao là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa. Do đó, các nhà khoa học khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và đạm thực vật.
- Nói không với thuốc lá: Thuốc là cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Thống kê cho thấy, người hút thuốc có tỷ lệ bị bệnh tim mạch cao hơn hai lần người không hút. Chất nicotin trong thuốc lá làm mạch máu co hẹp, cản trở sự lưu thông của máu, làm huyết áp tăng. Khói thuốc lá làm tăng rủi ro vữa xơ động mạch và tăng các yếu tố làm đông máu, tai biến mạch máu não dễ dàng xảy ra.
- Bia rượu vừa phải: Tiêu thụ bia rượu vừa phải có thể chấp nhận được. Vừa phải là khoảng 360cc bia, hai lần một ngày cho nam giới, một lần cho nữ giới. Nhưng quá nhiều rượu sẽ đưa tới tăng huyết áp, tăng lượng chất béo triglycerid, giảm chất béo tốt HDL, tăng rủi ro vữa xơ động mạch. Hậu quả là bệnh tim mạch, tai biến não, suy tim.
- Đừng quên tập thể dục: Giúp giảm đường, giảm mỡ, giảm cân, giảm áp huyết, và giảm những bệnh tim mạch. Người có thể dục thường xuyên sẽ sống khỏe hơn, lâu dài hơn, và sẽ có xương cứng hơn những người ít hoạt động. Nên thể thao khoảng hơn 30 phút, 4 hoặc 5 ngày mỗi tuần.