Trong khi dư luận đang xôn xao về việc TPHCM thông qua xây dựng nhà hát ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ thì tại Hà Nội, nhiều năm qua thành phố lên kế hoạch xây các nhà hát lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến nay các nhà hát này đều chưa được triển khai hoặc đã bị "khai tử".
Đình đám nhất là phải kể đến dự án nhà hát Hoa Sen lớn và hiện nhất Thủ đô nằm trong khu “đất vàng” Khu công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy).
Theo đó, tháng 7/2017, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, trong đó có dự án nhà hát Hoa Sen.
Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước. Nhà hát Hoa Sen được xây dựng bằng vốn xã hội hoá. Dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí…
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2018, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án Nhà hát Hoa Sen.
Nói về việc dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, dự án này là xã hội hóa, việc dừng là do nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa.
"Ban đầu đơn vị này dự kiến đầu tư nhưng sau đó họ tính toán cân đối lại thấy không phù hợp nên họ quyết định dừng", ông Quyền nói.
Bên cạnh đó, theo vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực tế cũng có một số nhà hát khác được đầu tư nên việc ngừng xây dựng nhà hát đó là phù hợp, được thành phố chấp thuận.
Trước đó, khi Hà Nội chấp thuận dự án nhà hát Hoa Sen thì công trình không nhận được sự ủng hộ từ phía người dân cũng như giới chuyên môn.
KTS Đoàn Kỳ Thanh không đánh giá cao thiết kế nhà hát Hoa Sen và cho rằng công trình này trước hết “xấu” và quá tả thực: “Giả dụ đó là bông sen thật mà to như thế thì làm mất tỉ lệ con người. Nếu có định xây dựng một công trình lấy biểu tượng bông sen phải chứa đựng sự ẩn dụ chứ không thể tả thực như thế. Chỉ sao chép bông hoa một cách thô thiển thì cần gì nghệ thuật hay KTS”.
Còn theo KTS Vĩnh Tiến, công trình này giống hệt về mặt tạo hình một công trình tại Quảng Châu do nhóm KTS khác thiết kế. “Vậy có nên đặt câu hỏi về vấn đề bản quyền và quyền tác giả? Với tư cách nguyên trưởng khoa Kiến trúc của một trường đại học, nếu sinh viên của tôi làm đồ án này tôi không cho quá 5 điểm”, anh nói.
Anh cho rằng cần loại trừ “yếu tố kỳ thị Trung Quốc” bởi nghệ thuật là nghệ thuật. “Việc giống nhau trong ý tưởng thiết kế có lẽ bởi vì cả hai đều giống bông hoa sen, điều buồn cười ở đây là giống nhau ở sự mô tả quá giản đơn và ngô nghê về tạo hình. Các công trình mô phỏng hoa sen có rất nhiều trên thế giới nhưng các KTS giỏi biết cách điệu và nâng tầm khiến cho người xem cảm nhận được Hồn Sen chứ không phải Xác Sen”, anh nói.
Trong một diễn biến khác, theo ghi nhận của PV, hiện công trình xây dựng công viên hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy đang triển khai ì ạch với nhiều hạng mục ngổn ngang, mặc dù đã được khởi công từ tháng 7/2017 và dự kiến đưa vào sử dụng quý III năm nay.
Bên trong khuôn viên dự án, hàng loạt gara ôtô, xưởng sửa chữa xe quay tôn mọc lên sát. Thậm chí, đất dự án cũng được "chiếm dụng" kinh doanh sân bóng.
Được biết, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 32 ha nằm trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy với tổng mức đầu tư lên đến 938 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục chính như: đào các hồ điều hòa với diện tích 19 ha; 12,76 ha còn lại là các hạng mục cây xanh, sân vườn, khu phụ trợ vui chơi....
Dự án được xây dựng theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao). Để có kinh phí xây dựng dự án, Hà Nội đã đổi một lô đất ở phía nam công viên cho một doanh nghiệp bất động sản.