Đề cập đến dự án này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề hậu kiểm cực kỳ kém, đã vậy việc chuyển cơ quan điều tra xử lý một trường hợp trốn thuế cực kỳ khó khăn. Vấn đề này đã tồn tại kéo dài nhiều năm, xét xử xong thậm chí doanh nghiệp còn không có tài sản thi hành.
Đại biểu cũng tỏ ra lo ngại khi tài sản công, đặc biệt là đất đai khi chuyển đổi mục đích sử dụng đang là một lỗ hổng lớn, gây lãng phí thất thoát ngân sách vô kể. Nhiều khu đất giá hàng trăm tỷ đồng, nhưng khung giá địa phương công bố chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.
“Đây là một lỗ hổng rất lớn khiến nhà nước mất rất nhiều. Bầy voi đi qua lỗ kim ngon lành, cơ quan quản lý bất lực, còn giới bất động sản giàu lên rất nhanh”, ông Tạo cho hay.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), hiện tượng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến ngân sách. Thậm chí, còn có chuyện cán bộ thuế tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế và việc này tồn tại cả chục năm nay. Theo ông Nghĩa, việc “hướng dẫn trốn thuế” có lợi cho cả 2 bên, kéo dài ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Đã vậy còn tình trạng cố tình nhũng nhiễu để DN phải chung chi, lót tay ở một số ngành, trong đó có ngành thuế.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cả người đóng thuế và cán bộ ngành thuế, để đáp ứng tình hình thực tiễn. Cán bộ ngành thuế phải có nghĩa vụ tận tâm, hướng dẫn DN nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi. Nhiều DN rất mong muốn điều này, nhất là DN vốn đầu tư nước ngoài. Dù chỉ lót tay vài trăm nghìn đồng cũng không thể chấp nhận. Họ sẵn sàng đóng thêm 1 khoản chính thức, còn đưa phong bì dưới gầm bàn thì không.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, đầu tư công hiệu quả thì người nộp thuế mới vui vẻ, ngược lại, lãng phí thì thu thuế sẽ khó khăn. Hiện có hơn 13 luật về thuế như thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt…nên khi sửa luật thuế này, nếu liên quan đến các luật kia cần lưu ý và chỉnh sửa.