Theo bài báo điều tra của hãng thông tấn Anh Reuters, lượng tiền ngầm này chảy qua biên giới thông qua trung tâm cờ bạc Macau bằng chính mạng lưới thẻ thanh toán China UnionPay.
Hàng trăm cửa hàng dọc những con phố gần các casino ở Macau đang cung cấp dịch vụ cho phép người đại lục Trung Quốc thực hiện các giao dịch mua hàng giả mạo để hợp thức hóa việc chuyển tiền ra nước ngoài nhằm tránh các biện pháp kiểm soát tiền chặt chẽ của chính phủ.
Gần đây, một phụ nữ trung niên Trung Quốc bước vào trước kệ hàng phủ đầy bụi của Công ty Đồng hồ và trang sức Choi Seng ở Macau. Người phụ nữ đưa cho kế toán thẻ UnionPay của mình và nhận lại HK$300.000 (50.000 USD) tiền mặt. Chị ta ký vào hóa đơn thẻ tín dụng để xác nhận giao dịch, cất tiền vào túi xách và bước sang sòng bạc Ponte 16 ngay bên cạnh.
Số tiền mặt này vượt xa mức giới hạn 20.000 tệ (3.200 USD) mà mỗi người Trung Quốc được rút một cách hơp pháp ở đại lục. “Đừng lo. Mọi người đều làm thế cả”, một kế toán của cửa hàng nói về kiểu giao dịch bất hợp pháp.
Một tài liệu nội bộ của UnionBay và cơ quan quản lý tài chính ở Macau nói rằng kiểu giao dịch này nhan nhản ở các cửa hàng bán lẻ tại Macau, cho dù nó vi phạm chính sách chống rửa tiền và hạn chế đưa tiền ra nước ngoài.
Chính Quyền Trung Quốc cũng sợ rằng, các quan chức tham nhũng đang lợi dụng hình thức chuyển tiền này để chuyển tiền ra khỏi đất nước.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa cho biết chính quyền Trung Quốc vừa thông báo sẽ tăng cường truy lùng các quan chức tham nhũng đã trốn ra nước ngoài, tịch thu tài sản bất hợp pháp của những người chạy trốn và không cho người bị tình nghi rời khỏi đất nước.
Ước tính có khoảng 1 triệu quan chức đại lục đã chuyển tài sản ra nước ngoài trong 5 năm qua. Theo Bộ Công an Trung Quốc, nước này hiện có hơn 500 nghi can kinh tế đã chạy trốn ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Canada và các nước Đông Nam Á.
Báo Trung Quốc China Daily trích lời ông Cao Jianming, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nói rằng Trung Quốc sẽ “hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan tư pháp nước ngoài để mở rộng các biện pháp và kênh truy đuổi những đối tượng đã chạy trốn và tịch thu tài sản trái phép.
“Khi đủ bằng chứng, chúng tôi sẽ thực hiện quá trình tịch thu phù hợp với pháp luật”, ông Cao nói.
Trung Quốc lâu nay phải đối mặt với tình trạng “quan chức trần trụi” – thuật ngữ chỉ các công chức có vợ/chồng hoặc con ở nước ngoài, thường chuyển tiền bất hợp pháp cho gia đình ở nước ngoài hoặc tránh bị điều tra.
Ông Cao nói rằng hơn 10 tỷ tệ (1,65 tỷ USD) “tiền bẩn” cùng nhiều tài sản khác đã được thu hồi và 762 nghi can tham nhũng bị bắt trong nước hoặc ở nước ngoài chỉ trong năm 2013.
Tuy nhiên, ngành tư pháp nước này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi truy tìm đối tượng bị cáo buộc tham nhũng cùng tài sản của họ do những rào cản chính trị, pháp lý liên quan đến việc dẫn độ, thu thập bằng chứng và việc áp dụng án tử hình rất nhiều ở Trung Quốc, theo China Daily.
Ngoài ra, những đối tượng bị nghi đưa hoặc nhận hối lộ hoặc không thực hiện nhiệm vụ sẽ bị cấm xuất cảnh.
Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc nhằm vào những quan chức muốn trốn ra nước ngoài để tránh bị trừng phạt.