Lộ "Điểm huyệt" chết người từ các vụ cháy nhà chung cư

Lộ "Điểm huyệt" chết người từ các vụ cháy nhà chung cư
Sau các vụ cháy nhà cao tầng đã chỉ mặt  những mối lo thường trực với những chung cư có mật độ dân cư quá cao, gấp nhiều lần so với các nước phát triển.

Những vụ cháy lịch sử 

Hàng loạt các vi phạm pháp luật đã diễn ra mà những người vi phạm hầu hết đều vô can, đến khi thảm họa xảy ra, họ chỉ bỏ tiền đền… là xong. Đã đến lúc phải có những giải pháp khẩn cấp trước khi những thảm họa lớn có thể xảy ra. 

Thế giới đã không ngạc nhiên trước các vụ cháy chung cư cao tầng, tuy nhiên, vì tầm vóc và sự thiệt hại ghê gớm của nó, mỗi vụ cháy cũng vẫn làm dư luận sững sờ.  

Một khách sạn năm sao trong khu phức hợp Dynasty Wanxin tại TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc bốc cháy vào tối 2-3-2011, đúng dịp mừng Tết Nguyên đán. Với độ cao 219m, cả khách sạn như một bó đuốc khổng lồ soi sáng cả một khu vực rộng lớn. Hỏa hoạn xảy ra tại một chung cư 28 tầng trong quá trình tu sửa tại TP Thượng Hải cháy vào chiều 15-11-2010 khiến 53 người thiệt mạng…

Tại Việt Nam, nhiều vụ cháy nhà cao tầng cũng để lại những câu chuyện khiến người ta phải rùng mình. Ngày 29-10-2002, một ngọn lửa bất ngờ bùng lên từ tầng hai tòa nhà ITC, một tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm, tọa lạc trên trục đường Lý Tự Trọng, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực tại TP.HCM. Chỉ trong ít phút, ngọn lửa bao trùm cả tòa nhà. Có nhiều người để thoát ra khỏi đám cháy đã trèo xuống bằng đường ống nước, thậm chí nhảy xuống từ tầng 3, tầng 4, dẫn đến chấn thương. Hỏa hoạn cướp đi sinh mạng 60 người, làm 70 người khác bị thương. Thiệt hại tài sản không tính đếm nổi.

17h ngày 24-5-2009, một đám cháy lớn kèm theo nhiều tiếng nổ xảy ra tại tòa nhà 32 tầng trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Cột khói bốc cao hơn 100m khiến nhiều người dân hoảng hốt. 8 xe chữa cháy và gần 100 cảnh sát cứu hỏa của quận 1 và quận 3 được huy động. Nơi cháy là ở cao ốc căn hộ cho thuê của khu phức hợp cao cấp Kumho Asiana Plaza. Khu này đang trong quá trình hoàn thiện với 260 hộ.

Hà Nội cũng từng chấn động bởi các đám cháy nhà cao tầng. Vụ cháy xảy ra vào hồi 18h ngày 10-3-2010 tại tòa nhà chung cư JSC, thuộc Công ty công trình 34 (34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) khiến 2 người chết và nhiều người khác bị thương.

Và mới đây là các vụ cháy mặc dù chưa gây thiệt hại đến tính mạng con người nhưng đã gây hoảng hốt cho hàng vạn người ở một số chung cư.

Những "điểm huyệt" chết người 

"Điểm huyệt" đầu tiên nằm ở nguyên nhân gây cháy. Có đến trên 90% các vụ cháy nhà cao tầng, công trình lớn là do chập điện. Lý do quá cũ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Đất nước ta nằm trong vùng nóng, ẩm, mưa nhiều. Vật liệu, thiết bị điện, vì lý do kinh tế, các chủ đầu tư không sử dụng các vật liệu, thiết bị chất lượng cao, người sử dụng điện chưa được đào tạo, hầu hết sử dụng theo kiểu người này chỉ cho người kia, vì vậy, khả năng chập cháy điện rất cao.

"Điểm huyệt" tiếp theo nằm ở khả năng cháy lan rộng, không chỉ trong tầng mà đáng sợ hơn là cháy thông tầng. Đại diện cơ quan PCCC Hà Nội cho biết thêm: Đa số các nhà cao tầng, chung cư trên địa bàn Thủ đô hiện xây theo kết cấu bê tông cốt thép, đảm bảo khả năng chịu lực, tính toàn vẹn và cách nhiệt tốt. Hỏa hoạn dù xảy ra trên diện rộng, thời gian lâu cũng không thể gây sập đổ công trình. 

Tuy nhiên, việc sử dụng những vật liệu có thể cháy, thậm chí là dễ cháy để làm trần, sàn và các vật liệu trang trí là những chất mồi lẫn lửa để đám cháy phát huy sức mạnh cuồng dữ của nó. Ở nhiều nhà cao tầng, các hành lang, đặc biệt là hành lang dẫn đến các cầu thang bộ, đôi khi còn được sử dụng như kho hàng, lý tưởng cho các bà hỏa chạy thông tầng.

"Điểm huyệt" thứ ba chính là khả năng "sát thủ" của khói. Có thể nói nguyên nhân chết ngay hoặc làm mất phản ứng chạy trốn ngọn lửa của các nạn nhân là do khói. Khói làm cho nạn nhân ngạt thở, nhiễm độc và bất tỉnh, để cho ngọn lửa thiêu đốt. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp, nhưng đến nay, chưa có sự tính toán để ngăn chặn khói độc lan đến các tầng trên.

Vụ cháy xảy ra tại tòa nhà chung cư JSC, thuộc Công ty công trình 34 (34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không lớn. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do lửa bô rác tại tầng 1, sau đó lan theo hệ thống đường rác bốc lên tầng 2, khiến cả tòa nhà chìm trong khói mù. Hệ thống cửa kính, khói không thông thoát ra ngoài khiến nhiều người dân đang cư trú tại đây bị ngạt khói, bất tỉnh. Do bị ngạt khói, hai mẹ con chị Vương Lan Phương, (SN 1967) và con trai đã tử vong.

"Điểm huyệt" cuối cùng chính là kỹ năng thoát hiểm của cư dân các nhà cao tầng, đặc biệt là chung cư đông người quá thấp. Hầu hết không được trang bị kiến thức về chính tòa nhà của mình, đường thoát hiểm, hỗ trợ thoát hiểm, kỹ năng thoát hiểm khi đối diện với lửa, với khói… Các cuộc diễn tập PCCC hầu hết chỉ là dịp để cư dân thể dục, chạy lên chạy xuống một chút cho khỏe. Không có giúp nhiều cho việc  nâng cao kỹ năng sống.

Các chuyên gia xây dựng đã nhiều lần khẳng định, một tòa nhà cao tầng bị xảy ra sự cố cháy nổ thì thiết bị báo khói phải ngay lập tức phát tín hiệu và bắt đầu kích hoạt hệ thống hỗ trợ xung quanh (như hệ thống bơm gió tự động tại các cầu thang, các quạt hút gió tự khởi động), hệ thống cung cấp điện độc lập trong trường hợp bị cắt điện sẽ tự kích hoạt đẩy ôxy vào để bảo đảm an toàn cho con người bên trong khu vực bị nạn. Đối với nhà cao tầng, hệ thống báo cháy, chữa cháy, thoát nạn phải bảo đảm chứ không phải chỉ dựa vào thang cứu hộ. Tất cả những thiết bị này, kiếm mỏi mắt cũng không ra tại các chung cư hiện nay. Lý do tại sao thì chỉ có chủ đầu tư mới có thể trả lời được.

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trang bị các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ, báo cháy, thoát hiểm…  không phải bây giờ mới nói đến mà đã được quy định bằng luật pháp, thế nhưng vì sao rất nhiều chung cư cao tầng vẫn bất lực trước các đám cháy? Phải chăng, đã có tình trạng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống con người, để rồi các chủ đầu tư, những người làm công tác quản lý coi ý kiến của cơ quan PCCC và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này khi xây dựng các tòa nhà là chuyện nhỏ?

Đã đến lúc cần rà soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC, từ dự án đầu tư, từ khâu thiết kế và tất cả các thiết bị PCCC phải được cơ quan PCCC kiểm định, không chỉ khả năng PCCC mà còn khả năng phù hợp với công trình cụ thể. Ngay cả việc nâng cao kỹ năng thoát hiểm trong cháy nổ cũng phải thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư vì kỹ năng thoát hiểm cụ thể luôn luôn gắn với điều kiện cụ thể, tòa nhà cụ thể, đường đi, thiết bị cứu hộ cụ thể. Tất cả những tài sản này đều là của các nhà đầu tư.

Và đương nhiên, trách nhiệm còn nằm ở các cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan này cần kiên quyết không phê duyệt, cấp phép cho các công trình không đủ năng lực, điều kiện PCCC. Chỉ có chế tài mạnh, quản lý nghiêm mới hy vọng tăng khả năng PCCC cho công trình.

Theo số liệu từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội, tính đến quý II-2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (PCCC), 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại thực trạng nhiều chung cư cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ PCCC chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.

Theo Theo An ninh Thủ đô
MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.