Lo cho Lồng Tồng

Lo cho Lồng Tồng
TP - Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có lễ hội Lồng tồng - lễ hội xuống đồng vui hội truyền thống dân gian tại các thôn bản vào mùa xuân.

Ông Ma Văn Vịnh - một người cao tuổi am hiểu về phong tục, nghi lễ trong các lễ hội truyền thống của dân tộc Tày tại bản Phiêng Dường, xã Yên Cư, Chợ Mới, Bắc Kạn bày tỏ sự tiếc nuối khi lễ hội Lồng tồng mỗi năm lại ít đi và mai một dần, nghi lễ diễn ra chỉ mang tính hình thức.

Ông Vịnh nhớ lại ngày còn bé, đầu xuân, già trẻ trong bản háo hức chuẩn bị cho nghi lễ đặc biệt quan trọng này. Cơ sở vật chất tổ chức lễ hội Lồng tồng đều do dân trong thôn đóng góp tạo dựng: Một cái Lườn nghè – miếu thờ Thành Hoàng có họ tên cụ thể, khoảng 24 mét vuông trên núi đồi. Dân cử ông Từ để trực tiếp mo cúng, coi giữ bảo quản Lườn nghè, trống chiêng, cờ lọng, điều khiển các ngày hội. Nếu ông Từ xin thôi, thôn sẽ cử người khác. Trang phục ông Từ là áo, khăn màu đen dài, rộng không được dùng mũ áo các vị Pháp sư thầy then tào Ngọc Hoàng cấp. Âm nhạc ngày hội có hai chiêng, 2 trống to, 3 đến 5 cờ, 2 lọng. Vị trí lễ hội khoảng 3.000 mét vuông ruộng, thời gian lồng tồng chỉ diễn ra trọn một ngày từ sáng tới tối. Các trò trong ngày hội được diễn ra theo chương trình truyền thống. Người dân trong thôn cắt cử nhau luyện tập chuẩn bị thể hiện 7 cách đánh trống lễ, hát lượn, trò chơi sao cho thật đẹp.

Ngày hội đến. Từ sáng sớm, lễ rước Thành Hoàng từ lườn nghè đến điểm hội, nghe trống hiệu, già trẻ kéo nhau, gồng gánh mâm cỗ đi hội. Ngai thờ được kê cao một mét cho ông từ bày cỗ thờ. Khu vực trước ngai thờ trải bốn tấm chiếu. Đây là vị trí ông Từ mo, lạy, điều khiển lễ hội. Hai bên cánh gà, mâm cỗ của các gia đình con họ trong thôn được bày thành hàng ngang trên tấm chiếu mang theo gọi là phe Đông, phe Tây, thờ Pá tạo nà A tạo rẩy (người làm nên ruộng nương), tổ tiên con họ đã xây đắp nên thôn bản, sau khi ông Từ mo, lạy, mọi nam nữ trong thôn thực hiện văn hóa lạy Thành Hoàng từng tốp, theo nhịp trống, rất nghiêm trang, cung kính thiêng liêng lên thần linh. Tiếp theo nam thanh nữ tú hát bài lượn cầu mùa, cầu an, chúc tụng, múa diễn ra suốt ngày.

Cách ngai thờ về phía trước 25-30 mét là sân diễn các trò chơi truyền thống, quay đu, tung còn, kéo co, bắn nỏ, đánh quay, đánh yến, đi cà kheo, cầu noi, đu rút... diễn ra nhộn nhịp. Các trò diễn trong lễ hội mỗi năm chỉ một lần, lại luôn có thế hệ người mới lớn than gia nên không hề nhàm chán.

Có thể nói, ngày nay khôi phục lễ hội đã hoàn toàn nằm trong tầm tay.

MỚI - NÓNG