Lo bùng phát dịch tay chân miệng

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại BV Nhi đồng 2. ảnh: L.N
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng được điều trị tại BV Nhi đồng 2. ảnh: L.N
TP - Trong khi dịch sởi và thủy đậu chưa kịp lắng dịu, tay chân miệng đã vào mùa với số ca mắc ngày một gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo, đây có thể là đợt dịch trở lại “đỉnh” năm 2011 từng làm 169 trẻ tử vong.

Nhiều ca biến chứng

Ngày 4/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 2 bệnh nhân tử vong. Mặc dù số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2013, nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như TPHCM tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%...

“Đã có hơn 2.800 trẻ mắc tay chân miệng ở TPHCM từ đầu năm đến nay, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2013”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết. Tuần đầu tháng 4, thành phố ghi nhận khoảng 160 ca mắc tay chân miệng, các tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 200 ca.

Tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện rải rác từ tháng 3, bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 4. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, nơi đây đang tiếp nhận điều trị 60 trẻ mắc bệnh, trong đó có nhiều ca biến chứng độ 3-4 gây viêm não, phải thở máy.

Ở BV Nhi đồng 2 TPHCM ngay trong những ngày nghỉ, số trẻ mắc tay chân miệng được đưa tới điều trị cũng rất đông. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện này cho biết, tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng gấp đôi so với tháng trước. “Hiện mỗi ngày tại khoa Nhiễm có khoảng 40 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, nhưng chưa ghi nhận có ca biến chứng nào nặng”, bác sĩ Việt nói.

Hai tuần qua, số trẻ mắc tay chân miệng cũng bắt đầu gia tăng ở BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Dũng- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện này, hai tuần qua, nơi đây tiếp nhận 54 bệnh nhân tay chân miệng, trong đó có 3 ca biến chứng nặng.

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 1.348 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Trong 2 tuần qua, số ca mắc tăng cao, lên 130 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn 1.000 trẻ mắc tay chân miệng, tăng 48% so với cùng kỳ, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tại tỉnh này, đã có 47 ổ dịch, trong đó có 4 ổ dịch tay chân miệng xuất hiện tại các trường học mầm non và tiểu học.

Không thuốc đặc trị và vắc-xin

Bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh. Bệnh này có nhiều biến chứng nguy hiểm gây viêm não - màng não, viêm cơ tim và phù phổi cấp… gây tử vong nhanh. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và dễ thành dịch do virus đường ruột A16 và EV71 gây ra. Các biến chứng nặng thường dẫn đến tử vong là do EV71. 

“Bệnh làm cho trẻ bị tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và gối với nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời”, bác sĩ Khanh cho biết.

Do bệnh không có thuốc đặc trị và vắc-xin nên bác sĩ Khanh cho rằng, phải tuyệt đối phòng ngừa với nguồn lây qua đường tiêu hóa. Ở cộng đồng, cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi và vật dụng trong nhà, đồng thời lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B và cách ly trẻ tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học… khi phát bệnh. 

Theo bác sĩ Khanh, do bệnh lây qua nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh nên tại cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhi, cần cách ly theo nhóm bệnh, nhân viên phải mang khẩu trang và sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, theo chu kỳ, dịch tay chân miệng bùng phát tháng 4-6 và đợt tiếp theo vào tháng 9-12 hằng năm. TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, các thống kê cho thấy, đối tượng mắc tay chân miệng thường là trẻ dưới 5 tuổi, độ tuổi học ở mầm non. 

Nguy hiểm là nhiều trẻ mắc bệnh thường không có triệu chứng rõ nét như chỉ sốt, ho khò khè, tiêu chảy… khiến bị chẩn đoán nhầm bị viêm họng, phế quản hay bệnh khác. Sáng 3/5, anh T. nhà ở Tân Quy Đông, quận 7, TPHCM phải đưa con trai 5 tuổi đến khám ở BV Nhi đồng 2 và nơi đây xác định cháu bị tay chân miệng độ 1. 

Trước đó, sáng 2/5, sau 3 ngày con trai sốt liên tục, anh T. đưa con đến khám tại phòng khám nhi Nancy, được nơi đây xác định cháu bị viêm họng và kê toa có kháng sinh. Chiều hôm đó, theo dõi sức khỏe con trai, anh T. phát hiện trong miệng cháu bị rộp lở bất thường, trên lòng bàn tay có nhiều nốt đỏ.

Vào đợt dịch mới?

Dịch tay chân miệng đạt “kỷ lục” năm 2011 khi cả nước có 112 nghìn ca mắc làm 169 trẻ tử vong. Riêng tại TPHCM, gần 9.500 ca mắc làm 30 trẻ tử vong. TS Trần Ngọc Hữu, người có nhiều kinh nghiệm đối phó dịch này khi Việt Nam phát hiện ca mắc đầu tiên vào năm 2003, đã nghiên cứu dịch tễ học của bệnh và phát hiện có sự thay đổi của týp virus EV71 gây bệnh. 

Nghiên cứu của ông và cộng sự cho thấy, trước năm 2010, trong các ca mắc tay chân miệng, sự hiện diện của týp C5 là chủ yếu, nhưng đến năm “đỉnh dịch” 2011 xuất hiện týp C4 chiếm đến 86% ở ca bệnh. 

“Mặc dù chưa có bằng chứng đầy đủ về sự khác biệt độc lực của các týp gây bệnh nhưng điều này cho thấy bệnh diễn biến phức tạp”, TS Hữu nhận định.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định, năm nay, bệnh tay chân miệng có nguy cơ vướng vào chu kỳ 3 năm có một đợt dịch lớn và nguy hiểm quay lại. Dù đến nay chưa có nhận định về chu kỳ dịch nhưng TS Hữu cho rằng, các nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương chỉ ra rằng ở các quốc gia thuộc khu vực này, mỗi 2-4 năm lại bùng phát một đợt dịch lớn làm hàng nghìn trẻ tử vong. 

Những thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy, năm 2008, số ca mắc và tử vong do tay chân miệng tăng gấp 3 lần so với 2006. Năm 2011, số ca mắc gấp 6 lần so với giai đoạn 2008-2010 và số trẻ tử vong tăng 24 lần.

Bộ trưởng Y tế lo dịch tay chân miệng bùng phát

Tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Bình Chánh và quận 8 (TPHCM) ngày 3/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói bà rất lo lắng bởi bệnh tay chân miệng đến nay chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin. 

Trước sự lo lắng của cử tri về nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát tại TPHCM như năm 2011, bà Tiến cho rằng, giải pháp trước mắt là khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là tại các trường mầm non, điểm giữ trẻ…

Trước nguy cơ dịch vào mùa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp các sở y tế thành lập các đơn vị huấn luyện điều trị tay chân miệng không để xảy ra tử vong, đồng thời lọc bệnh, phân tuyến và hạn chế lên tuyến trên, đặc biệt là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bệnh này.

Giữ 3 sạch để phòng bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, dấu hiệu của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. 

Nặng có thể dẫn đến tử vong. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư), tỷ lệ biến chứng của bệnh tay chân miệng không nhiều, như biến chứng viêm não chỉ gặp với tỷ lệ 1/1.000 ca bệnh. 

Việc chăm sóc, điều trị đơn giản nếu không có biến chứng; quan trọng là giữ vệ sinh, tránh lây xung quanh. Những trường hợp nhẹ thì chữa tại nhà; nếu sốt cao trên 39 độ, sốt trên 2 ngày, mệt mỏi, li bì, có biểu hiện run, giật... thì cha mẹ nên đưa con đi khám lại ngay. 

Cần phòng bệnh theo tiêu chí “3 sạch”: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cụ thể, chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly 10 ngày.

MỚI - NÓNG