Lính Mỹ tham gia khóa huấn luyện tại Trường Chiến tranh rừng núi Chile nhanh chóng hiểu lý do tại sao đây là một trong những trường dạy kỹ năng leo núi và sinh tồn uy tín nhất thế giới. Việc leo núi đòi hỏi các binh sĩ phải tự tìm đường leo lên các vách đá cheo leo bất kể ngày đêm, tự móc neo cùng với đồng đội… Đối với nhiều người lính, đây là khóa học khó nhằn nhất mà họ từng tham gia.
Thượng sĩ Norberto Rodriguez (Sư đoàn Núi số 10) mới đây trải qua 5 tháng huấn luyện trên dãy Andes ở Chile cùng với học viên đến từ khắp Trung Mỹ và Nam Mỹ. Dài 7.000 km, Andes là một trong những dãy núi dài nhất thế giới; và có đỉnh cao xấp xỉ 7 km.
Rodriguez là một trong số rất ít lính Mỹ đã hoàn thành khóa học chiến tranh rừng núi và kỹ năng sinh tồn nổi tiếng thế giới. “Khi ở với quân đội nước khác trong 5 tháng, bạn sẽ học được rất nhiều. Bạn học được cách thức hoạt động của họ. Nó không giống với việc triển khai quân cùng với quân đội nước khác”, anh nói.
Đóng quân ở căn cứ Fort Drum (New York), Rodriguez không lạ gì thời tiết lạnh giá và băng tuyết. Nhưng thời tiết mùa đông trong khi huấn luyện ở dãy Andes khác xa thời tiết và địa hình ở New York.
Thay vì chỉ nhìn thấy trở ngại, Rodriguez chọn cách coi đó là một thách thức và cơ hội để hoàn thiện bản thân, cụ thể là kỹ năng sinh tồn và chiến đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. “Lần đầu tiên đi đôi giày trượt tuyết tôi chỉ bước được 2 bước là đã ngã lăn quay. Giờ đây tôi có thể trượt tuyết không cần gậy mà vẫn mang theo được vũ khí, ba lô đầy khi đổ dốc”, anh kể.
Học kỹ năng sinh tồn
Chiến tranh rừng núi không phải là môn học mới. Tại Trường Chiến tranh rừng núi quân đội Mỹ (bang Vermont), binh sĩ khắp nước nước Mỹ được huấn luyện cách thức chiến đấu hiệu quả ở khu vực rừng núi.
“Chiến tranh vùng núi là một môn học quan trọng vì nó bổ sung một trình độ vận động, triển khai cơ bản – trục Z (để xâm nhập theo chiều thẳng đứng)”, đại úyNathan Fry công tác tại Trường Chiến tranh rừng núi quân đội Mỹ cho biết.
Đại úy Fry giải thích rằng, việc hiểu cách thức sử dụng địa hình một cách hiệu quả đem lại cho binh lính độ cơ động cao, đặc biệt là trong địa hình thẳng đứng, núi non hiểm trở.
“Để thực hiện chiến dịch thành công ở những địa hình phức tạp như vậy, các đơn vị chiến tranh vùng núi phải có những binh sĩ hiểu được cách sống biệt lập, không có sự hỗ trợ, kết nối, hiểu được cách ăn mặc trong tiết trời gió rét, đi lại nhẹ nhàng để có thể đi được hàng trăm, hàng ngàn mét theo chiều thẳng đứng chỉ trong một ngày, tự kiếm được nước uống và tránh được các mối nguy như đá lăn, bão tuyết…”, đại úy Fry nói.
Trường Chiến tranh rừng núi Chile tận dụng lợi thế gần dãy Andes của mình để đào tạo học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều học viên được tuyển dụng vào các đơn vị bộ binh đặc biệt chuyên thực hiện các chiến dịch ở núi rừng hoặc tìm được việc trong các tổ chức, đơn vị cứu hộ vùng núi.
Là lính bộ binh, thượng sĩ Rodriguez đã trải qua nhiều cuộc tuần tra, kể cả khi huấn luyện và triển khai quân trên thực tế. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhiều binh sĩ có thể trông chờ sự hỗ trợ và tiếp tế. Nhưng các đơn vị chiến tranh vùng núi không thể trông chờ sự tiếp tế.
“Nếu bạn hết nước uống, bạn phải biết cách tìm ra nước. Nếu bạn hết đồ ăn, bạn phải biết cách kiếm được thức ăn. Đó chỉ là một trong những thứ bạn cần học thật nhanh. Đây là chiến tranh vùng núi. Rất khác biệt”, Rodriguez nói.
Khóa học 5 tháng thách thức Rodriguez mỗi ngày. Anh trải qua 2 mùa huấn luyện chiến đấu tay không và hiện đủ trình độ tham gia các chiến dịch chiến thuật sử dụng trượt tuyết và kỹ năng sinh tồn vùng núi.
Thượng sĩ Rodriguez đã học được cách chung sống với các con la thồ hàng vùng núi trong các chiến dịch ban ngày cũng như ban đêm và trở thành người leo núi, vượt băng tuyết giàu kinh nghiệm.
“Trước khi tới Trường Chiến tranh rừng núi Chile, tôi không biết leo núi, không biết trượt tuyết. Nhưng trường đã dạy tôi những kỹ năng đó. Tôi sẽ chia sẻ kỹ năng mới với những binh lính Mỹ”, Rodriguez tâm sự.