Liệu tổng thống Ai Cập Morsi có bị hạ bệ sớm?

Liệu tổng thống Ai Cập Morsi có bị hạ bệ sớm?
TP - Nhóm đối lập Ai Cập Tamarod (“Khởi nghĩa”) đã thu được 15 triệu chữ ký đòi Tổng thống Mohamed Morsi phải từ chức trước thời hạn. Đáp lại, các lực lượng Hồi giáo tại Ai Cập lên kế hoạch tổ chức biểu tình rầm rộ ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi.

> Danh hài Ai Cập thách thức Tổng thống Morsi
> Ai Cập phải tái xây dựng nền kinh tế

15 triệu chữ ký chống tổng thống Morsi

Giờ đây, nhóm đối lập Tamarod dự định sẽ bắt đầu thủ tục cách chức ông Morsi. Theo ý kiến của họ, đã có đủ cơ sở để bãi nhiệm ông trước thời hạn bởi vì số người sẵn sàng tuyên bố không tín nhiệm ông đã nhiều hơn 2 triệu so với số người đã bỏ phiếu cho ông trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống.

Khi ấy, ứng viên Morsi được sự ủng hộ của đảng Anh em Hồi giáo đã thu được 13 triệu phiếu. Nhóm Tamarod tuyên bố sẽ gửi số chữ ký thu thập được đến Toà án Hiến pháp tối cao để xem xét.

Nhóm Tamarod được thành lập hồi tháng 5 năm nay khi xuất hiện ý tưởng thu thập chữ ký đòi bãi nhiệm Tổng thống Morsi. Ban lãnh đạo Tamarod khẳng định trong suốt một năm ông Morsi cầm quyền, ở Ai Cập chưa có được bất kỳ thay đổi tích cực nào. Nền kinh tế Ai Cập vẫn trong tình trạng khủng hoảng nặng nề, giá cả tăng gấp đôi so với hồi cuối năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng tới mức báo động là 13%.

Ngoài những thách thức về kinh tế, Tổng thống Morsi còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Sau khi trải qua cơn bão táp cách mạng hồi đầu năm 2010, chính quyền của ông cho tới nay vẫn chưa đạt được sự ổn định về chính trị trong nước.

Đông đảo người dân Ai Cập, đặc biệt là người dân các thành phố lớn, bất mãn với chính sách bảo thủ mà Tổng thống Morsi và đảng cầm quyền Anh em Hồi giáo đang thực hiện. Họ cho rằng chính quyền hiện nay chẳng khác gì chính quyền đã từng tồn tại 20 năm dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak. Họ mệnh danh ông Morsi là “Pharaon”, khẳng định ông có ý định thiết lập chế độ độc tài ở Ai Cập.

Đáng chú ý là sau cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Mubarak, tại Ai Cập đã xuất hiện vô số chính đảng, cả lớn lẫn nhỏ. Nhưng những đảng mới ra đời đó hầu như không được người dân Ai Cập tin tưởng. Bởi vậy, nhóm Tamarod phải giải quyết một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp là thống nhất được tất cả những nhóm và cá nhân hiện còn phân tán, thu hút họ vào cuộc đấu tranh chung chống ông Morsi và đảng Anh em Hồi giáo cầm quyền.

Sau khi thu thập dược 15 triệu chữ ký đòi bãi nhiệm Tổng thống Morsi, nhóm Tamarod dự định sẽ huy động đông đảo quần chúng xuống đường. Cuộc biểu tình quy mô lớn đòi tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn dự định sẽ diễn ra vào ngày 30/6 tới.

Phe ủng hộ cũng xin chữ ký và biểu tình

Liệu tổng thống Ai Cập Morsi có bị hạ bệ sớm? ảnh 1
 

Các đại diện của đảng Tự do và Công lý, đảng có quan hệ chặt chẽ với đảng Anh em Hồi giáo cầm quyền, vội vã tuyên bố, ở Ai Cập các kiến nghị không có giá trị pháp luật.

Bởi vậy, chiến dịch do nhóm Tamarod phát động không phù hợp với Hiến pháp và đương nhiên không có tính chất ràng buộc đối với Tổng thống Morsi. Đại diện đảng Anh em Hồi giáo cầm quyền cũng khẳng định theo Hiến pháp hiện hành ở Ai Cập, chỉ Nghị viện mới có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống.

Phe ủng hộ Tổng thống Morsi cũng không chịu ngồi yên. Họ dự định sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn cũng vào ngày 30/6 dưới khẩu hiệu “Phản đối bạo lực”. Đảng Anh em Hồi giáo trong bản tuyên bố mới phát đi đã nhấn mạnh rằng nếu vào ngày 30/6 xẩy ra xung đột bạo lực thì mọi trách nhiệm đều sẽ thuộc về phe đối lập.

Đồng thời phe ủng hộ ông Morsi cũng phát động một chiến dịch phản công. Họ tuyên bố đã thu được 10 triệu chữ ký ủng hộ Tổng thống đương nhiệm. Họ không quên nhấn mạnh rằng ông Morsi là Tổng thống được bầu lên một cách dân chủ. Vì vậy, những người chống đối ông chỉ còn cách chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống lần sau nếu đến lúc đó họ vẫn còn giữ ý định lật đổ ông.

Tuần qua, căng thẳng giữa phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống và phe đối lập đột ngột bùng phát thành bạo lực. Khoảng 100 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình và đụng độ tại một số địa phương sau quyết định gây tranh cãi của ông Morsi trong việc bổ nhiệm hàng loạt tỉnh trưởng xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo.

Trước tình hình này, ngành y tế Ai Cập có kế hoạch triển khai gần 2.000 xe cứu thương tại các quảng trường lớn trên cả nước, đặc biệt là “điểm nóng” quảng trường Tahrir, và Phủ tổng thống để đề phòng xảy ra đụng độ bạo lực trong các cuộc biểu tình.

 Ngọc Thoa - Anh Vũ
Theo Gazeta.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG