Hôm 23/5, dư luận đã xôn xao bởi vụ Uông Phượng Tường, Chính ủy Cục Công an Thục Sơn, An Huy lên khu thắng cảnh Hoàng Sơn tự sát. 3 ngày trước đó, Chính ủy Cục Công an thành phố Trương Gia Giới tỉnh Hồ Nam Dư Tứ Thanh cũng đã tự tìm đến cái chết. Theo gia đình cho biết, ông Thanh đã khóa trái cửa trong phòng rồi dùng vật nhọn tự sát vì “bị bệnh tật dày vò”. 3 tháng trước đó, ông đã làm đơn xin từ chức nhưng không được cấp trên phê chuẩn. Trước đó 10 ngày, hôm 13/5, ông Lý Khánh Châu, Tổ trưởng Giám sát kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật – Giám sát huyện Hoài Ninh, An Huy cử vào “nằm vùng” tại Cục Công an huyện này cũng đã đột ngột tự sát
Trong tháng 4, có 3 vụ tự sát được đưa tin: ngày 9/4, Trương Lâm, Bí thư huyện ủy Trì Bình tỉnh Sơn Đông tự sát chết ở nhà riêng, được cho là “mắc chứng trầm cảm, uống thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài”. Ngày 12/4, Phó ban Tuyên truyền huyện ủy Thiệu Dương, Hồ Nam Ngải Tính nhảy sông tự sát. Ngày 7/5, tờ “Trùng Khánh Buổi sáng” đưa tin Lam Hải Ưng, 43 tuổi, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền thị ủy Cùng Lai, Tứ Xuyên – người được gọi là “mỹ nữ quan chức” đã đột ngột qua đời “hồi cuối tháng 4”, có tin nói bà đã tự sát, nhưng nguyên nhân không rõ vì sao. Trước đó nữa, ngày 9/3, ông Lưu Xương Huy, Bí thư đảng ủy thị trấn Giao Kiều, Khu phát triển Khoa học kỹ thuật Nam Xương, Giang Tây đã “ngã lầu” chết.
Vụ việc mới nhất đang gây xôn xao dư luận là cái chết của ông Thẩm Kiện, 64 tuổi, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Nam Kinh, vốn là Thư ký của La Chí Quân, Bí thư tỉnh ủy Giang Tô, đã nghỉ hưu tháng 1/2018. Mạng Tài Tân hôm 14/6 cho biết thi thể ông Thẩm Kiện đã được hỏa thiêu ngày 13/6. Hôm 2/6, Thẩm Kiện tự lái xe hơi đến cạnh cung Mặt Trời, Nam Kinh sau đó uống thuốc độc và chết trên xe; mãi đến ngày 8/6 người ta mới phát hiện ra khi thi thể đã bắt đầu phân hủy. Nguyên nhân khiến ông Thẩm Kiện tự tìm đến cái chết hiện chưa rõ, nhưng nhiều người cho rằng có liên quan đến những vụ việc gây chấn động quan trường Nam Kinh và tỉnh Giang Tô.
Ông Thẩm Kiện được cử giữ chức Phó Thị trưởng Nam Kinh năm 2008, phụ trách các lĩnh vực cải cách phát triển, xây dựng, tài chính, quản lý tài sản công hữu, tài nguyên nhân lực, thống kê, đất đai...là cấp dưới trực tiếp của Thị trưởng Quý Kiến Nghiệp. Hai người có quan hệ thân thiết với nhau. Năm 2013, Quý Kiến Nghiệp bị mất chức, 2 năm sau bị ra tòa và nhận mức án 15 năm tù. Năm 2015 đến lượt Bí thư thành ủy Dương Vệ Trạch bị ngã ngựa, 1 năm sau bị nhận án 12 năm 6 tháng tù.
Thẩm Kiện khi còn giữ chức
Thẩm Kiện giữ chức Phó Thị trưởng thường trực Nam Kinh đến tháng 1/2013 thì bàn giao cho Miêu Thụ Lâm để chuyển sang giữ chức Chủ tịch Chính Hiệp; ông Miêu Thụ Lâm giữ chức này đến 2018 thì được thăng chức Phó tỉnh trưởng Giang Tô nhưng ngày 28/4/2019 ông Lâm đã bị xử lý kỷ luật khai trừ đảng và công chức, chuyển sang cơ quan tư pháp khởi tố.
Tài Tân cho biết, Thẩm Kiện có quan hệ gắn bó với cả Quý Kiến Nghiệp, Dương Vệ Trạch và Miêu Thụy Lâm. Trong đợt tuần thị (thanh tra) của trung ương năm 2018, các lãnh đạo chủ yếu các thành phố có hàm bậc phó cấp tỉnh như Thẩm Kiện đều bị đưa vào phạm vi thẩm tra của đoàn.
Thẩm Kiện sinh năm 1954, nguyên Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc khóa 12, quê Nam Kinh vào Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1974, là người liên tục công tác tại Nam Kinh. Ông ta từng giữ các chức Phó quận trưởng Huyền Vũ, Cục trưởng Vật giá; từ 1997 là Phó Tổng thư ký chính quyền thành phố Nam Kinh, Chủ nhiệm Văn phòng thành phố; từ tháng 12/2001 là Tổng thư ký chính quyền rồi Tổng thư ký thành ủy; tháng 2/2004 vào Ban thường vụ thành ủy; tháng 1/2008 là Ủy viên thường vụ thành ủy, Phó Thị trưởng thường trực; đến tháng 1/2013 chuyển sang làm Chủ tịch Chính Hiệp cho đến khi về nghỉ hưu tháng 1/2018.
Thẩm Kiện từng là tâm phúc, giữ chức Thư ký cho ông La Chí Quân, nguyên Bí thư tỉnh ủy Giang Tô - một người được cho là thân tín của cựu Bộ trưởng Công an đã ngã ngựa Chu Vĩnh Khang - trong thời gian dài khi La Chí Quân làm Thị trưởng rồi Bí thư Nam Kinh trước khi giữ chức Bí thư tỉnh ủy đến năm 2016 thì lên trung ương giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài nguyên và Môi trường quốc hội – một chức vụ được cho là kế “điệu Hổ ly sơn” để “ngồi chơi xơi nước”.
Từ sau Đại hội 18, sau khi Tổng bí thư Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn, đã xuất hiện hiện tượng nhiều quan chức tự sát do chịu sức ép từ bên ngoài, do mâu thuẫn nội bộ hoặc do sợ tội, tránh bị điều tra; thậm chí bị “diệt khẩu”; một số trường hợp được che đậy bởi lý do “mắc chứng trầm cảm”, “bị bệnh nan y lâu ngày”...