Lên núi làm Phó chủ tịch xã

Lên núi làm Phó chủ tịch xã
TP - 44 trí thức trẻ trong dự án 600 TTT về làm Phó chủ tịch xã đã trải qua những tuần đầu tiên gian lao, tại các vùng rừng núi sâu xa nhất tỉnh Cao Bằng trong nhiệm kỳ 5 năm. Phóng viên Tiền Phong sống và trải nghiệm cùng họ.

>Phó Chủ tịch xã trẻ học cách tiếp dân
>Lên đường

Bài 1: Làm phó chủ tịch xã như đi bộ đội

Mặc dù rời Hà Nội, nơi có người yêu đang dọa chia tay vì tội dám bỏ phố lên vùng rừng núi thuộc xã Kim Loan (Hạ Lang, Cao Bằng), nhưng Vũ Đức Nhâm, SN 1985, vẫn tràn đầy quyết tâm. Nhâm nổi bật giữa 44 TTT lên vùng rừng núi Cao Bằng nhậm chức tại lễ ra quân vì làn da đen, vẻ mặt luôn suy tư ẩn sau đôi kính cận khiến vị Phó chủ tịch (PCT) xã trông già hơn tuổi nên có biệt hiệu Nhâm già. Khi biết có PV muốn về 3 cùng với người dân nơi mình nhận công tác, Nhâm tận tình giúp đỡ. Hành trang Nhâm mang theo là chiếc ba lô nhỏ trong đựng một ít áo quần cùng những vật dụng cần thiết khác.

Đường lên huyện Hạ Lang gập ghềnh, lầy lội. Trời mưa, cung đường nối liền với Trung Quốc trung bình mỗi ngày có hàng trăm xe tải chở hàng qua lại. Hạ Lang cách trung tâm thị xã Cao Bằng hơn 70km, nhưng xe phải bò gần 4 tiếng mới đến nơi. Tôi bắt đầu hoang mang khi chốc lát lại chứng kiến một chiếc xe tải đổ kềnh. Đến đèo Khăm Mọn, xe khựng lại. Bác tài phải lội bùn loay hoay lèn từng vòng dây xích sắt vào bánh xe sau để leo dốc tiếp. 17 giờ, chúng tôi đến thị trấn Hạ Lang. Nhâm cho biết, từ thị trấn vào xã phải qua 17km đường bộ. Tôi khoác ba lô lên vai, giày bệt cùng Nhâm lên đường. Chợt nhớ có người bạn ở Hà Nội lên Hạ Lang công tác từ lâu, Nhâm gọi điện mượn xe máy đưa PV vào bản. Về thực tập tại xã trước đó hơn 1 tháng nên Nhâm khá thông thạo địa hình. Có xe, chúng tôi vượt núi về xã Kim Loan. Nhâm cho biết mình còn may hơn các PCT xã khác khi Kim Loan có đường liên thông với thị trấn, khánh thành năm 2010. Trước đây người dân muốn ra chợ phiên phải cuốc bộ 17km, nay nếu có xe máy chỉ mất 1 tiếng.

Chủ tịch xã Kim Loan, ông Hoàng Văn Kiện, dân tộc Tày, là cán bộ phòng văn hóa huyện tăng cường về xã chưa lâu. Ông cho biết, xã có 267 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, có trình độ hạn chế, sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi với hơn 80% hộ nghèo. “Khó khăn nhất là đổi mới tư duy cho người dân để tự vươn lên làm giàu. Chúng tôi kỳ vọng vào cán bộ trẻ có trình độ, phương pháp, tư duy mới”, ông Kiện nói.

Đức Nhâm sau giờ làm việc, nơi nghỉ tạm là gầm cầu thang
Đức Nhâm sau giờ làm việc, nơi nghỉ tạm là gầm cầu thang.

Bữa ăn đầu tiên tại xã Kim Loan có cơm trắng, trứng rán, thịt lợn muối xào rau cải xanh. Được biết ở đây năm ngày mới có một phiên chợ nên phải khách quý mới được đãi bữa ăn đàng hoàng như vậy. Trụ sở UBND xã là ngôi nhà 2 tầng nhưng khá ít phòng làm việc. Điện yếu, chập chờn.

Chưa có phòng ở, chủ tịch xã bố trí tạm cho cấp phó ra ngủ ở gầm cầu thang. Trong bữa cơm, tôi tưởng ông nói đùa, hóa ra thật. Gầm cầu thang của xã được đặt sẵn một chiếc giường đơn cũ, lắp tạm cửa bằng tấm phên gỗ. Sau bữa cơm, Nhâm dùng điện thoại di động soi đường dò về giường ngủ. Tôi được bố trí về căn phòng nhỏ trong nhà văn hóa xã. Đêm, gió rít từng cơn, đắp thêm áo khoác lên lớp chăn dày mà vẫn lạnh thấu xương.

Giúp dân thoát nghèo

Sau 1 tháng tập sự tại xã, Nhâm được bầu làm PCT với hơn 80% số phiếu và là cán bộ có bằng ĐH đầu tiên ở xã. Được giao phụ trách mảng dự án nông lâm nghiệp, xây dựng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế, ngày đầu tiên nhậm chức, Nhâm cùng tôi đến từng nhà dân ở xóm Đông Phen để trò chuyện. Nhâm nói, trong vòng nửa năm sẽ nắm tường tận từng nhà trong 7 xóm của xã (có xóm phải đi bộ xuyên đồi 7 km) để tính kế phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo. Những ngày về thực tập, Nhâm từng đến nơi khó khăn nhất là xóm Phong Ái, Cốc Chia, nơi chưa có đường, điện.

Gần 100% nhà dân ở xã Kim Loan là nhà sàn và vẫn có tập quán chăn nuôi ngay dưới gầm nhà.

Anh Lương Văn Sửng làm trưởng xóm Đông Phen 8 năm nay, được đánh giá có hiểu biết nhất nhì xã khi biết sang Trung Quốc tìm hiểu vì sao họ giàu? Anh Sửng là một trong 26 người của xã vừa tham gia dự án trồng nấm rơm do cán bộ huyện về tập huấn và đang triển khai
thành công.

Sau một thời gian khảo sát địa hình, Nhâm trình lên tỉnh đề án chuyển đổi trồng cây thuốc lá bằng ngô, lúa. Nhìn ra những mảnh ruộng bậc thang xanh ngút màu rau cải và lá thuốc, Nhâm trăn trở, có nhà có tới 60 mảnh ruộng bậc thang nhưng trồng ngô, lúa vẫn không đủ ăn. Đất trồng rau khá tốt nhưng chợ xa, 5 ngày mới có phiên chợ lại không có phương tiện vận chuyển. Nhâm dự tính tìm Cty lo đầu ra, cung cấp giống và hỗ trợ người dân trồng thuốc lá để cải thiện thu nhập,
thoát nghèo.

Sau hơn hai tuần rong ruổi ở các xóm nghèo, Nhâm hoàn thành đề án Các biện pháp giúp dân giảm nghèo. Mục tiêu đến năm 2016, đề án sẽ giúp 200 hộ dân thoát khỏi cảnh thiếu đói, Nhâm đưa ra các giải pháp xây dựng mô hình phát triển cây thuốc lá, cây mía và trồng rừng bền vững. Ngoài ra, đề án còn trình xin cấp trên duyệt kế hoạch đưa mạng lưới điện về 2 xóm nghèo còn lại, đầu tư xây dựng một số công trình nước sạch, nhà vệ sinh.

Kéo người yêu lên núi

Vũ Đức Nhâm là người duy nhất của Hà Nội trong nhóm tình nguyện lên vùng cao cắm bản lần này. Tốt nghiệp khoa Kinh tế nông nghiệp ĐH Sư phạm II Hà Nội năm 2008, Nhâm làm việc ở nhiều Cty, từng là trợ lý giám đốc ở một Cty xây dựng với mức lương gần chục triệu đồng. Biết đến đề án đưa TTT lên vùng cao, anh thử nộp hồ sơ đến Cao Bằng, không ngờ được gọi phỏng vấn. Đạt điểm số cao và cầm giấy triệu tập đi tập huấn, Nhâm chưa từng hình dung nơi mình làm Phó chủ tịch lại nghèo khó, xa xôi đến thế. Người yêu Nhâm là giáo viên trung học ở Hà Nội giận dỗi đủ cách, thậm chí doạ bỏ vì phải xa nhau những 5 năm. “Khi đó mình rối bời lắm, cũng định thôi thật, nhưng được bố là bộ đội về hưu tiếp sức khi nói rằng ông từng đi xuyên Trường Sơn đánh giặc còn không sợ huống chi thời bình nên quyết tâm lên đường”, Nhâm nói.

Người yêu sau thời gian giận dỗi cũng ủng hộ anh, thậm chí còn hứa sẽ theo Nhâm đến bất kỳ đâu mà không sợ gian khổ. Những ngày đầu, người yêu gọi điện hỏi khá nhiều về nơi ăn, chốn ở. Nhâm nói mọi thứ đều tốt. Anh bày tỏ dự định sẽ xin cho người yêu về xã dạy học để sớm được bên nhau. Vài tuần sau khi nhậm chức, Nhâm gọi điện báo tin ngày 30-4 này họ tổ chức đám cưới ở Hà Nội. Cưới nhau xong, vợ chồng vẫn phải mỗi đứa một nơi chờ ngày Nhâm tìm cho vợ công việc phù hợp ở xã. Mới gắn bó với miền quê này được ít tuần nhưng Nhâm cho biết nhiều bà con, cán bộ xã đang lên kế hoạch về chia vui cùng đôi bạn trẻ.

Tiếp rượu được với dân để tạo sự gần gũi cùng là cái khó đối với cán bộ trẻ từ xuôi lên. Từng chén rượu được rót ra đầy tăm tắp vào đúng bữa khi chúng tôi đến thăm nhà dân và Nhâm đều phải ngửa cổ uống cạn. Nhâm kể, hôm được bầu làm PCT xã, rất đông cán bộ, người dân đến chúc mừng, do chưa quen, anh bị ngất phải đến trạm y tế tiếp nước, 2 ngày sau mới bình phục.

Gần 200 TTT sẵn sàng lên đường

Hiện 225 trí thức trẻ trong cả nước đã hoàn thành khóa đào tạo kiến thức quản lý nhà nước. Trong đó, 65 đội viên của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đã về địa phương nhận nhiệm vụ. Những đội viên còn lại đang trong giai đoạn bầu chức danh, dự kiến đến đầu tháng 4 này sẽ lên đường nhận nhiệm vụ. Hiện có 5 lớp đang tiến hành khai giảng tại các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Quảng Ngãi, Điện Biên, Thanh Hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG