Lên kịch bản để hội Gióng hết phản cảm

Lên kịch bản để hội Gióng hết phản cảm
TP - Sau mùa lễ hội 2018 thử nghiệm phương án không tranh cướp lộc để hạn chế ẩu đả, năm nay ban tổ chức cam kết tiếp tục đảm bảo an ninh và làm chặt chẽ hơn năm ngoái.

SIẾT CHẶT HƠN

Người dân ở khu vực có Hội Gióng 2019 đã dần quen với phương án phát lộc thay cho tất lộc trầu cau và hoa tre-thời điểm tạo cơ hội cho các màn tranh cướp, ẩu đả từng khiến dư luận hoang mang vì đổ máu và thậm chí phải cấp cứu. Giò hoa tre và trầu cau là hai trong số lễ vật dâng Thánh trong chính hội mùng 6 tháng Giêng, cũng là tâm điểm của những màn tranh cướp lộc. BTC năm nay tiếp tục kiên trì phương án không tất lộc nữa, thay vào đó sau hành lễ sẽ để lễ vật tại hậu cung đền Thượng và phát cho người dân và du khách thập phương.

“Năm nay cơ bản không khác nhiều so với năm trước. Nhưng chúng tôi sẽ làm chặt chẽ hơn để đảm bảo lễ hội an toàn, văn minh”, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC hội Gióng đền Sóc nói. Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm BQL Khu Di tích-Du lịch đền Sóc dự tính lượng người đổ về đền dịp lễ hội tăng 10-15%. “Chúng tôi làm tốt giáo dục truyền thống cho các cháu độ tuổi đi học, cơ sở vật chất chuẩn bị chu đáo nên lượng khách về đền Sóc có xu hướng tăng”, ông Nho nói.

Một trong những thay đổi nho nhỏ là đề xuất của Trưởng thôn Vệ Linh muốn xin thay tre bằng vầu. Lễ vật hoa tre do thôn Vệ Linh chuẩn bị theo lệ được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. “Tre ngày càng khó tìm và tạo hình không đẹp bằng vầu”, ông Huấn, Trưởng thôn Vệ Linh đề xuất. “Thôn đề xuất lên, như thế đẹp hơn tại sao không làm”, ông Lê Hữu Mạnh nói. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy đồng tình, thay thế chất liệu không ảnh hưởng gì về nguyên tắc. Ngoài chuẩn bị lễ vật hoa tre dâng thánh tại đền Thượng, người dân thôn Vệ Linh kiêm luôn làm hoa tre để phát lộc cho du khách về đền Sóc.

Mùa lễ hội trước thử nghiệm không cho tất lộc và tranh cướp, thay vào đó là dòng người xếp hàng xin lộc ở đền Thượng. Tuy nhiên do hành lang chật hẹp, dòng người vẫn có chút xô đẩy, chen lấn. “Để tránh ồn ã, năm nay chúng tôi không phát ngay mà lui xuống chiều 6 tháng Giêng”, ông Lê Hữu Mạnh nói. Bên cạnh thống nhất và họp bàn người dân về các nghi thức và lễ vật, BTC mỗi năm rút kinh nghiệm về các phương án trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự và bố trí hàng quán dịch vụ trong khu vực di tích.

BỎ HẲN TƯ DUY CƯỚP LỘC

Ông Trịnh Nhật Nam, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Vệ Linh nói năm nay người dân đồng thuận cao với việc thay đổi cách thức tổ chức phát lộc. “Đương nhiên chúng ta phải điều chỉnh cách tổ chức lễ hội phù hợp với nhu cầu và sự thay đổi của xã hội. Cách điều chỉnh như thế cần triển khai và nhân rộng không riêng hội Gióng, và phải điều chỉnh nhiều lần, cũng giống các cụ xưa trải qua nhiều thời gian để thay đổi kịch bản lễ hội”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho rằng nên ủng hộ thay đổi tích cực ở hội Gióng: “Không phải mọi giá trị văn hoá cổ truyền đều phù hợp, chúng ta giữ gìn phát huy cũng cần chọn lọc để tạo nên sự ổn định cho xã hội”.

Tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng bỏ tranh cướp lộc hội bớt vui? “Tranh cướp không phải nghi lễ chính thức mà chỉ là hệ quả của nghi lễ mà thôi. Nhìn sang lễ hội kéo co ở Hàn Quốc khá tương đồng với ta về mặt tổ chức lẫn yếu tố tâm linh và tâm lý người dân: Dây kéo co rất thiêng, nặng hàng tấn và người dân vẫn có nhu cầu xin một mẩu dây mang về nhà cất dưới mái nhà hoặc ném lên mái nhà lấy may. Cùng kiểu tâm lý xã hội ấy nhưng họ tổ chức ra một hoạt động rất văn hoá. Hàng nghìn người dự hội tự mang một chiếc kéo nhỏ để cắt một mẩu dây trong trật tự, không có bất cứ sự chen lấn, ẩu đả nào. Câu chuyện về lộc ở ta cũng nên đặt trong bối cảnh văn minh lịch sự. Làm sao dần dần đưa ý thức và suy nghĩ về việc cướp lộc khỏi đầu óc mọi người. Vui là vui ở nghi lễ rước đâu phải chuyện tranh cướp lộc. Lộc phải đến mọi nhà bằng hình thức văn minh nhất”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích. 

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, hai lễ hội nóng của Hà Nội là chùa Hương và hội Gióng đều do hai phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp xuống làm việc. Hôm 10/1, Sở mời lãnh đạo 30 quận huyện lên làm việc, trước đó cũng có văn bản hướng dẫn tổ chức lễ hội. 

Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho hay từ giữa tháng 1, các địa phương đều phải gửi kế hoạch tổ chức mùa lễ hội 2019 về Bộ để kiểm soát ngay từ đầu các lễ hội phản cảm và có yếu tố bạo lực. Ngày 17/1, Bộ tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức lễ hội 2019 theo tinh thần của Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội mới được Chính phủ phê duyệt.
Cục Văn hóa Cơ sở cũng làm việc với các địa phương có lễ hội nóng như chọi trâu, cướp phết yêu cầu có phương án thay đổi cách tổ chức. Nếu địa phương không có phương án hợp lý, Bộ yêu cầu tạm dừng tổ chức.

MỚI - NÓNG